3 thg 12, 2018

Lưu giữ giá trị truyền thống của nghề làm lân

Những ngày đầu tháng Tám (ÂL), chúng tôi đến tổ 8, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam ghé thăm cơ sở làm lân của nghệ nhân Nguyễn Hưng hay gọi thân mật là Ròm Em. Gần 30 năm theo đuổi niềm vui con trẻ, anh là một trong số ít những người còn lại của Hội An vẫn “nhiệt huyết” với nghệ thuật làm lân truyền thống. 

Từ đam mê thuở nhỏ đến tình yêu với nghề 


Vào những ngày này, khắp sân nhà Nguyễn Hưng người ra kẻ vào tấp nập. “Hữu xạ tự nhiên hương”, hầu hết những khách mua đều tự truyền tai nhau tìm đến. Gần 30 năm gắn bó với nghề, anh Hưng không thể nhớ nổi mình đã đón bao nhiêu lượt khách đến mua lân dịp Trung thu.

Nói về cái duyên với nghề, anh tâm sự, thuở xưa, cứ dịp Trung thu là mấy ngày liền đi bộ rong ruổi theo lân đến từng nhà. Không có tiền mua lân, với chút năng khiếu, anh mày mò, nuôi dưỡng đam mê và tự làm lân để chơi, rồi dần dà trở thành nghề chính của bản thân khi nào không hay. 

Anh Hưng đang làm công đoạn bẻ sườn lân. Ảnh: XH 


Lân chỉ bán được một mùa, nhưng phải làm quanh năm, bởi làm lân truyền thống có rất nhiều công đoạn. Theo anh Hưng, để cho ra đời một con lân thì gồm 3 công đoạn chính: làm sườn, dán và sơn lân, cuối cùng là làm đuôi. Mỗi công đoạn đều có độ khó riêng, nhưng công đoạn khó nhất là làm mắt. Anh chia sẻ: “Cái hồn của lân là hiền, hung dữ hay đang tức giận nằm hết ở đôi mắt, nên công đoạn đó là khó nhất. Đôi khi mình làm một cái sườn lân, nhưng rồi lại suy nghĩ mãi vì không tìm được dáng mắt ưng ý, có hôm đến mất ngủ chỉ để vẽ mắt lân”.

Nhiều năm trăn trở với nghề, anh luôn tâm niệm làm lân cũng như lưu giữ cái đẹp của Tết Trung thu và tạo ra những kỉ niệm cho trẻ nhỏ. Những năm gần đây, khi đồ chơi bằng điện, bằng nhựa được nhiều phụ huynh ưu tiên chọn cho con trẻ vì tính tiện ích, đầu lân với kích thước nhỏ cũng hạn chế sản xuất hơn.

Khi nhắc đến việc mở rộng quy mô cơ sở làm lân, anh phân vân: “Cái này thì khó lắm, mình làm quy mô vậy chứ không thể đầu tư lớn được, bởi nhu cầu chơi lân ngày càng ít đi, cả việc tìm kiếm những thợ lành nghề cũng khó. Giới làm lân trong khu vực cả mươi năm nay không có lớp trẻ kế cận, tụi nó giờ không đam mê như chúng tôi ngày xưa nữa, không kiên trì được với nghề”.

Giữ gìn nét đẹp lân Thiên Cẩu

Đến với nghề lân bằng niềm đam mê thuở nhỏ, trong nhiều câu chuyện kí ức của mình, anh hay nhắc về một loại lân tên là Thiên Cẩu. Anh tự hào, bởi đó là sáng tạo của người Hội An và nó khác hoàn toàn với lân Trung Quốc ngày nay.

“Lân Thiên Cẩu là sáng tạo của ông cha, nó khác từ cái sườn khung, cái đuôi, cái mang, đến cả cái sừng. Cái khác mà mình dễ nhìn thấy nhất là cái đuôi, Thiên Cẩu, đuôi dài phải 5m, trong khi lân Trung Quốc thì chỉ 2m thôi, khung của con Thiên Cẩu thường chờm tới và thấp hơn, còn của lân Trung Quốc nó lại ngắc lên trên và cao hơn. Ở cái hồn của mắt hoặc cái mang lân, con Thiên Cẩu có mang và mắt như mắt cá. Làm một con Thiên Cẩu so ra cầu kì, tốn nhiều thời gian và phức tạp hơn con lân Trung Quốc nhiều, song nó lại mang đậm nét đẹp dân tộc mình”, anh Hưng chia sẻ. 

Con lân Thiên Cẩu được anh hoàn thành cho khách đặt hàng. Ảnh: NVCC 

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao lân Thiên Cẩu không được ưa chuộng nữa, anh giải đáp: “Làm lân Thiên Cẩu đã khó, mà chơi lân Thiên Cẩu còn khó hơn. Một lân Thiên Cẩu phải 5 người múa, ít cũng 3 người chứ không như lân ngày nay nên cần một sự phối hợp ăn ý, tập luyện để điều khiển con lân. Thêm vào đó, múa lân mình đòi hỏi phải có những động tác dứt khoát, mạnh mẽ, thể hiện được cái uy quyền của con lân, không đơn thuần là những động tác mềm mại”.

Bởi thế, cách múa của lân Thiên Cẩu thường được các lò võ trong Hội An chuộng, nhưng trẻ con lại thích sự tiện lợi. Nguồn nhu cầu ít quá, nên dù có muốn lắm anh Hưng cũng không thể làm nhiều được, phải đặt hàng thì mới dám. Hiện tại, Hội An chỉ còn 2 con Thiên Cẩu ở hai lò võ lớn, được đặt hàng để dự thi múa lân trong nước. 

Lân Thiên Cẩu sau khi hoàn thành. Ảnh: FBNV 

Thỉnh thoảng được mời đến các khách sạn để làm lân cho du khách xem. Cứ mỗi dịp thế, anh Hưng lại tranh thủ nói về Thiên Cẩu. Một vài vị khách nước ngoài khi nghe anh kể về lân Thiên Cẩu đã đặt hàng xuất đi nước ngoài làm các chương trình nghệ thuật. Anh khoe, năm 2013 từng xuất một lên Thiên Cẩu sang Đức, nhận được phản hồi tốt từ khách hàng, bên cạnh đó là quảng bá được con lân quê hương.

Gắn liền cả thời niên thiếu với nghề, với anh Hưng mỗi con lân như một phần thân thuộc: “Cứ mỗi ngày, mình nỗ lực thêm một chút, nắn nót thêm một chút để hoàn thành và xuất xưởng con lân mà với tôi cứ như chăm bẵm cô con gái, rồi đến ngày gã chồng cho con. Giờ thì tôi chỉ mong lân sư Hội An được múa khắp nẽo đường ngày Trung thu. Đó là cũng là tâm nguyện của nhiều người trong nghề như tôi”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét