19 thg 1, 2017

Bảo tàng văn hóa của người Churu

Linh mục Nguyễn Đức Ngọc là người khởi xướng thành lập Bảo tàng để lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc Churu ở Tây Nguyên. Bảo tàng văn hóa Churu là địa chỉ tham quan, khám phá hấp dẫn mỗi khi du khách đến huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). 

Có mặt trên vùng đất của người Churu ở Đơn Dương từ năm 1972, linh mục Nguyễn Đức Ngọc đã bắt đầu học tiếng nói, chữ viết, lối sống, phong tục, tập quán của người Churu bản địa. Với những trải nghiệm, hiểu biết của mình, ông đã thấy cái đẹp, sự phong phú trong văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Churu cần phải được bảo tồn, gìn giữ để không bị mai một theo thời gian. Và khi chính thức trở thành linh mục giáo xứ Ka Đơn vào năm 1998, ông đã có điều kiện để thực hiện ý tưởng thu thập các hiện vật và tạo nên một Bảo tàng văn hóa Churu đồ sộ như hiện nay. 
Bảo tàng văn hóa của người Churu (thôn Doom A, xã Lạc Xuân) trưng bày hàng nghìn hiện vật trên nhiều lĩnh vực như: lễ hội, nhạc cụ, ẩm thực, phục trang... Tất cả các hiện vật đã thể hiện một bề dày truyền thống văn hóa trong cuộc sống của đồng bào Churu trên vùng đất cao nguyên trải qua nhiều thế hệ.
Linh mục Nguyễn Đức Ngọc đã tập hợp các già làng người Churu có trình độ để đi tìm, sưu tập hiện vật. Sau gần 20 năm, Bảo tàng văn hóa của người Churu đã hình thành với diện tích gần 40 m2 hiện đang trưng bày nhiều hiện vật có giá trị được hệ thống, sắp xếp theo từng chủ đề và gọi tên bằng cả tiếng Việt và tiếng Churu. Nhờ vậy, đồng bào Churu cũng như đồng bào các dân tộc khác sống trong vùng và du khách dễ dàng đến tìm hiểu, tham quan.

Đồ trang sức của phụ nữ dân tộc Churu được trưng bày tại Bảo tàng.


Mâm cơm sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của người Churu.

Đồ gia dụng được chế tác bằng đồng của người Churu.

Đàn ống tre, tù và, sáo... được sử dụng trong các dịp lễ hội của buôn làng người Churu.

Các dụng cụ nông nghiệp của người Churu.

Các loại nỏ của người Churu.

Cối xay gạo cổ truyền của người Churu.

Niêu gác trên bếp dùng để đựng thức ăn.

Bát sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của người Churu.

Ché để đựng rượu cần của người Churu.

Các loại nơm để bắt cá.

Bầu đủ kích cỡ được khoét rỗng ruột, treo gác bếp để đựng các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt gia đình.

Các con thú được làm bằng sừng là đồ thủ công mỹ nghệ dùng để trang trí.

Chén bạc sử dụng trong những gia đình giàu có.

Góc trưng bày các hiện vật trong dịp lễ hội của người Churu.

Một góc trưng bày các hiện vật gắn liền với sinh hoạt đời thường của người Churu.

Các em học sinh đến tham quan Bảo tàng văn hóa của người Churu. 

Ngoài việc sưu tầm hiện vật, linh mục Nguyễn Đức Ngọc còn khuyến khích người Churu gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc. Ví như, mỗi dịp lễ hội lớn của người Churu như đám cưới, lễ an táng, lễ xây mồ mả…, ông nhắc đồng bào ăn mặc theo y phục truyền thống; hay mỗi khi thánh lễ, thay vì đánh chuông thì ông cho sử dụng tiếng cồng chiêng để báo hiệu.

Vì biết được “ngôn ngữ là thành trì đầu tiên và cũng là thành trì cuối cùng của một dân tộc” nên linh mục Nguyễn Đức Ngọc luôn rất coi trọng việc bảo tồn, phát huy vốn ngôn ngữ của đồng bào Churu qua việc biên soạn các tài liệu văn hóa bằng tiếng Churu. Hiện tại, linh mục Nguyễn Đức Ngọc và nhóm biên soạn vẫn đang hoàn thành cuối từ điển “Churu phổ thông” để phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa, phong tục, lối sống của dân tộc Churu.

Với quy mô hiện vật khá đầy đủ cùng nhiều tài liệu quý giá bằng tiếng Churu, Bảo tàng văn hóa của người Churu mà linh mục Nguyễn Đức Ngọc dày công gây dựng từ lâu đã là nguồn tư liệu quý giá cho sinh viên, học viên văn hóa các trường đại học làm đề tài nghiên cứu về chủ đề dân tộc học.

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét