5 thg 1, 2017

Làng gốm cổ hơn 1.000 năm tuổi bên sông Hồng

Theo một số tài liệu lịch sử, làng gốm cổ Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội được hình thành từ thế kỷ thứ 9, đến nay đã hơn 1000 năm tuổi.

Nằm ngay cạnh làng gốm sứ nổi tiếng của Hà Nội là Bát Tràng, thế nhưng cũng rất ít người biết tới tên gốm Kim Lan, dù thậm chí nghề gốm ở đây còn lâu đời hơn cả gốm Bát Tràng…
 
Nằm ven sông Hồng, để tới được làng gốm cổ Kim Lan, từ phía nội thành phải đi men theo đê sông Hồng, rồi qua 1 chuyến phà ngang mới có thể tới được ngôi làng này.

Không ồn ào, tấp nập, hút khách du lịch như gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Giang Cao… làng gốm cổ Kim Lan nằm im lìm bên dòng sông Hồng với những sản phẩm truyền thống từ bao đời nay vẫn vậy.

Khác với cách làm gốm của các làng gốm khác ở đồng bằng sông Hồng, những sản phẩm gốm Kim Lan hầu hết được làm bằng cách “đổ khuôn”.

Những bình, lọ, chậu cảnh ra đời đều bằng cách đổ đất sét, cao lanh xay nhuyễn trộn với nước rồi đổ vào khuôn thạch cao, sau đó phơi cho khô rồi mới hoàn thiện sản phẩm.

Để sản phẩm nhanh khô, người thợ ở đây đặt những viên than “tổ ong” vào giữa khuôn để thúc nhanh quá trình bay hơi nước.

Cách làm thủ công truyền thống vẫn không khác nhiều so với hàng trăm năm trước.

Những sản phẩm gốm sứ ở Kim Lan không đa dạng như của Bát Tràng, ở đây chủ yếu làm các sản phẩm như chậu cảnh, bình hoa, hũ rượu, ngói, đồ trang trí đình, đền chùa, miếu mạo…

Hoa văn vẫn được vẽ thủ công.

Ở Kim Lan, người ta vẫn nung gốm bằng lò than, với cách làm truyền thống này thì sản phẩm thu được không đạt năng suất cao, sản phẩm hư hỏng khi dỡ lò nhiều hơn so với việc áp dụng nung bằng lò gas.

Những sản phẩm gốm ở Kim Lan hiện nay đều thuộc hạng bình dân, rất ít sản phẩm tinh xảo, đắt tiền.

Hầu hết các gia đình ở đây đều làm theo đơn đặt hàng, cả làng hầu như không có cửa hàng giới thiệu sản phẩm như ở Bát Tràng, Giang Cao hay Phù Lãng…

Tất cả các công đoạn cho ra sản phẩm đều vẫn là thủ công.

Những chiếc chum được người thợ ở đây đánh giá là đẹp và lâu công trông cũng khá đơn giản và thô mộc, khó có thể so sánh với những sản phẩm của những làng gốm bên cạnh.

Một trong những mặt hàng chủ đạo ở Kim Lan đó là sản xuất ngói trang trí cho đền chùa, miếu mạo.

Những viên ngói cũng được sản xuất bằng cách đổ khuôn ướt, chờ khô rồi dỡ khuôn mang ra phơi, cuối cùng cho vào lò nung.

Cụ bà 83 tuổi đang giúp con cháu gọt “ba-via” những viên ngói (những phần viền thừa của viên ngói khi đổ khuôn) sau khi dỡ khuôn.

Sau công đoạn này, các viên ngói được chất vào lò than và nung, thời gian nung khoảng 1 ngày, 5 ngày sau khi lò nguội mới có thể dỡ ra thành phẩm.

Hầu hết các hộ gia đình ở Kim Lan vẫn nung gốm theo cách truyền thống là dùng lò than, rất ít gia đình chuyển sang lò gas.

Những viên ngói bò sau khi đổ khuôn

Phơi sản phẩm trên giá, sau 1-2 ngày nắng to mới có thể xếp vào lò nung.

Dù không nổi tiếng, thu hút khách du lịch như Bát Tràng, Phù Lãng, nhưng nếu có dịp tới thăm làng gốm cổ ngàn năm tuổi bên sông Hồng này, chắc chắn đó cũng sẽ là 1 trải nghiệm khó quên của du khách…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét