10 thg 1, 2017

Ấn tượng những vòng tròn làng gốm Phù Lãng

Ấn tượng trong tôi về làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) ngay từ lần đầu tiên đến đây là những vòng tròn. Từ những con đường nhỏ hẹp chạy quanh làng như lạc vào mê cung đến vòng quay của những bàn xoay gốm. Ngay cả thành phẩm của làng nghề là chum, lọ, chậu cảnh cũng là những đường tròn được tạo nên từ vòng xoay ấy.

Thành phẩm của làng nghề là chum, lọ, chậu cảnh cũng là những đường tròn được tạo nên từ bàn xoay gốm 


Làng Phù Lãng vẫn còn giữ được nghề trong không gian đậm chất làng quê của đồng bằng Bắc Bộ. Không du lịch hóa như Bát Tràng, không mất nghề như Thổ Hà mà Phù Lãng vẫn đều đặn vọng lại âm thanh êm ru từ những bàn xoay gốm. 

Cứ đi theo những con đường nhỏ hẹp có những bức tường vây quanh làm từ tiểu sành, chum vại nứt vỡ xếp cao ngất là tôi lại quay về vị trí hồi nãy xuất phát. Tất cả bản đồ hay ứng dụng tìm đường trên điện thoại mà tôi thường sử dụng đều không có hiệu quả với những con đường lạ lẫm ấy. Sông Cầu đã ấp ôm cả Phù Lãng suốt bao đời. Nhìn trên bản đồ, ngôi làng nằm gọn ngay trong khúc uốn mềm mại của con sông chia đôi hai bờ Bắc Ninh và Bắc Giang. 

Tôi như lạc vào mê cung của đồ gốm, đồ sành khi đặt chân đến làng Phù Lãng 

Thế rồi, những con đường quanh co ấy cũng dẫn tôi vào đến trung tâm của làng Phù Lãng, nơi có nghề làm gốm từ thế kỉ 13. Cái nắng bớt gay gắt dần đi trong tiết Thu báo hiệu giờ làm việc buổi chiều đã đến. Không khí bắt đầu nhộn nhịp lên sau cái nắng thanh vắng của giờ nghỉ trưa. Lúc là tiếng những người thợ gọi nhau đi chất thêm củi vào lò nung; lúc là tiếng máy mài hoàn thiện nốt chiếc tiểu sành đã nung xong; lúc là tiếng xe công nông chở đất sét từ ngoài đê về; hay có lúc lại chỉ là tiếng ro ro từ dây curoa của chiếc bàn xoay gốm.

Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60 km và cách sông Lục đầu khoảng 4 km.
Cái nóng tỏa ra từ những lò nung khiến tôi mường tượng ra sức sống mạnh mẽ của nghề làm gốm và nhiệt huyết giữ nghề của người dân nơi đây. Gốm Phù Lãng trước giờ vẫn được biết đến với nét dân dã, mộc mạc của nước men da lươn và phương pháp nung truyền thống để tạo cho bề mặt gốm những đặc điểm mà phương pháp công nghiệp không thể thay thế được. Điều đó giống như mỗi sản phẩm đều mang một cái hồn riêng không thể nhầm lẫn ngay cả khi đứng bên cạnh hàng trăm loại gốm khác. 

Theo những người thợ lò tiết lộ, ít nhất mỗi mẻ gốm đã tạo hình nung mất khoảng 30 tiếng, thậm chí lên tới 3 ngày 3 đêm. Công việc đòi hỏi những người thợ lành nghề phải biết giữ nhiệt độ đều đặn khoảng 1000 độ C trong suốt khoảng thời gian ấy. Bên cạnh đó họ còn phải nắm vững nguyên tắc xếp sản phẩm trong lò nung sao cho tiết kiệm được tối đa không gian và hạn chế đến mức thấp nhất lượng sản phẩm bị nứt vỡ trong quá trình nung. 

Nhà nào có mẻ gốm đã nung xong lại tiếp tục bắt tay vào làm một mẻ mới. Những công đoạn từ đôi tay người thợ thủ công lại bắt đầu lại từ đầu. 

Ngay ngoài triền đê của làng là những chồng gỗ dùng để nung gốm xếp cao ngất, chạy dọc hai bên đường 

Không khí bắt đầu nhộn nhịp lên sau cái nắng thanh vắng của giờ nghỉ trưa. Lúc là tiếng những người thợ gọi nhau đi chất thêm củi vào lò nung.. 

... lúc là tiếng xe công nông chở đất sét từ ngoài đê về 

Một lò nung gốm ở Phù Lãng dùng củi đốt làm nhiên liệu 

Bên trong một lò nung gốm đã nguội 

Người dân Phù Lãng rất thân thiện, cởi mở và hiền hậu. Họ sẵn sàng chia sẻ với khách tham quan về kĩ thuật trong nghề của họ hay đơn giản là vô tư để khách tham quan chụp ảnh 

Đầu tiên là xử lí để đất sét được luyện nhiều lần cho thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, độ mịn nhất định trong những guồng quay của chiếc máy xay công nghiệp. Anh Phạm Văn Cương, thôn Thủ Công, xã Phù Lãng dùng một dụng cụ gọi là cái “lề” để cắt đất. Đất được cho đi cho lại nhiều lần vào xay để đạt tiêu chuẩn đem đi tạo hình 

Công đoạn tạo hình do chị Nguyễn Thị Hằng, vợ anh Cương đảm đương. Chỉ nhờ chiếc bàn xoay gốm và đôi tay chị Hằng, đống đất sét ấy dần biến thành chậu cảnh, chum, vại,... xếp đầy trên sàn khiến tôi thầm nể phục 

Những sản phẩm hỏng của quá trình nung được người dân tận dụng để xây tường, làm bờ rào. Những con đường dốc nhỏ xếp đầy tiểu, quách là nét độc đáo của Phù Lãng mà không nơi đâu bằng được. Ở Thổ Hà, ngày xưa làng có nghề gốm nhưng những chiếc tiểu sành, chum vại hỏng chỉ điểm xuyết vào tường nhà bên cạnh gạch, vữa chứ không có những bức tường, bờ rào hoàn toàn xây từ tiểu quách như Phù Lãng 

Vẫn trong những vòng tròn đều đặn như thế mà làng gốm Phù Lãng tồn tại đến nay đã gần 10 thế kỉ. Thời gian đều đặn trôi qua nơi đây như dòng chảy của vòng tròn lớn là khúc cong của con sông Cầu ôm lấy những vòng tròn nhỏ hơn là những con đường làng, những lò nung, những bàn xoay gốm. Những người con của Phù Lãng từ trong những vòng xoay đó nối tiếp nhau gìn giữ hồn làng gốm và phát huy nghề truyền thống của cha ông 

Kiều Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét