3 thg 1, 2017

Làng nghề đan đát Vinh Ba

Hàng trăm năm qua, làng nghề đan đát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đã nổi tiếng với những sản phẩm đan đát từ các nguyên liệu chủ yếu là tre, nứa. Các sản phẩm truyền thống của làng hiện được sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng sử dụng trong đời sống hàng ngày như: bồ, thúng, nia, sàng, giỏ tre, vỉ tráng bánh… 

Ở Vinh Ba, hầu như ai cũng có thể tham gia vào hoạt động đan đát, từ thanh niên, phụ nữ đến trẻ em hay các cụ già. Quanh đường làng ngõ xóm, đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh quen thuộc là đàn ông chẻ tre, chuốt sợi, đàn bà, trẻ em ngồi quây quần đan đát như một đặc trưng riêng biệt của địa phương. 

Nguyên liệu tre, nứa hiện có sẵn tại địa phương là lợi thế để Vinh Ba phát triển các sản phẩm đan đát . Ảnh: Thông Hải


Một công đoạn sản xuất trong nghề đan đát ở Vinh Ba. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Sản phẩm đan đát theo hướng thủ công mỹ nghệ hiện đang phát triển mạnh tại làng nghề Vinh Ba. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt 

Hiện làng nghề đan đát Vinh Ba có hơn 300 lao động đang giữ nghề truyền thống. Cũng như nhiều làng nghề khác, làng nghề Vinh Ba trước đây vốn có quy mô sản xuất nhỏ với công cụ thô sơ, lao động nặng về thủ công. Tuy vậy, từ khi Cơ sở Đan đát thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất ra đời vào năm 2005 đã đánh dấu bước ngoặt trong quá trình mở rộng sản xuất theo hướng thủ công mỹ nghệ. Với những nguyên liệu truyền thống như tre, nứa, lá bương, cọng dừa nhưng làng nghề đan đát Vinh Ba lúc này đã tạo ra được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế hơn so với các sản phẩm đan đát truyền thống. Ở đây, cơ sở Đồng Nhất đã đi đầu trong việc sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ như: giỏ xách, giỏ đựng hoa, lẵng hoa, giỏ đựng trái cây… phục vụ cho du lịch, hội nghị, quà tặng.

Cùng với nỗ lực, tâm huyết của bà con làng nghề đan đát Vinh Ba, năm 2007, chương trình Khuyến công cũng tổ chức đào tạo lại nghề đan đát, sản xuất sản phẩm mới cho hàng trăm lao động địa phương, trong đó có 20 người khuyết tật. Nhờ chương trình đào tạo đặc biệt này, hoạt động sản xuất của làng nghề đan đát Vinh Ba đã ngày càng ổn định, chất lượng, độ tinh xảo của sản phẩm cũng được nâng cao và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra, nhờ nguồn nguyên liệu này luôn sẵn có ở địa phương nên giá cả các sản phẩm của làng nghề cũng có thể cạnh tranh tốt với các sản phẩm khác trên thị trường. Và đến năm 2008, làng nghề đan đát Vinh Ba chính thức được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh Phú Yên.

Theo chị Nguyễn Thị Thắm, chủ Cơ sở Đan đát thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất thì để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, cơ sở của chị hiện đã đầu tư công nghệ, tập trung làm ra nhiều sản phẩm với mẫu mã ngày càng phong phú, đa dạng. Theo đó, các sản phẩm đan đát mỹ nghệ cũng luôn đảm bảo được các yếu tố thẩm mỹ, phù hợp với nhiều thị hiếu của thị trường. Theo chị Thắm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cơ sở Đồng Nhất nói riêng và làng nghề đan đát Vinh Ba nói chung đến nay đã được trưng bày ở nhiều hội chợ, triển lãm... Riêng cơ sở Đồng Nhất, bình quân mỗi tháng sản xuất trên 20.000 sản phẩm mà nhiều khi vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Thực tế, các cơ sở đan đát Vinh Ba không chỉ tạo được công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại xã Hòa Đồng mà còn ở các địa phương khác trong tỉnh Phú Yên.

Làng nghề đan đát Vinh Ba cũng là nơi tạo việc làm cho lao động địa phương khi có hơn 300 lao động hiện đang tham gia sản xuất các sản phẩm.... Ảnh: Lê Minh

...ở các công đoạn khác nhau của nghề đan lát. Ảnh: Thông Hải

Sản phẩm đan đát Vinh Ba chủ yếu là những sản phẩm tre, nứa phục vụ đời sống hàng ngày như rổ, rá, vỉ tráng bánh… Ảnh: Lê Minh

... và cũng là một nét văn hóa đặc trưng địa phương của Phú Yên. Ảnh: Lê Minh

Tạo độ kết dính bằng keo nhựa cho sản phẩm đan đát mỹ nghệ Vinh Ba. Ảnh: Thông Hải

Khung sản phẩm đan đát mỹ nghệ Vinh Ba. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Trang trí sản phẩm giỏ hoa. Ảnh: Thông Hải

Sản phẩm đan đát mỹ nghệ Vinh Ba phong phú, đa dạng. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Các mẫu sản phẩm phẩm đan đát mỹ nghệ Vinh Ba hiện được khách hàng ưa chuộng trên thị trường. Ảnh: Thông Hải 

Được biết, UBND xã Hòa Đồng sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn, đào tạo tay nghề cho người lao động, đồng thời tổ chức các đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm về nghề đan đát ở các tỉnh lân cận. Lãnh đạo địa phương cũng cố gắng tạo mọi điều kiện hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ cho các cơ sở đan đát của làng nghề Vinh Ba. Bên cạnh đó, Sở Công nghiệp tỉnh Phú Yên sắp tới còn có kế hoạch hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày sản phẩm tại làng nghề đan đát Vinh Ba, tiến đến xây dựng mô hình điểm về làng nghề tiểu thủ công nghiệp đầu tiên ở Phú Yên./.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét