28 thg 10, 2016

Lễ Pơ Kong-Nét đẹp văn hóa truyền thống Bahnar

Mỗi lần về thăm nhà là lại được chứng kiến niềm vui của gia đình cũng như các sự kiện của buôn làng gần xa. Lần này về cũng vậy, tôi được tham dự lễ Pơ Kong ở nhà ông Y Thương, bà Nay Nhoa là ông bà ngoại của cô dâu tại làng Kto (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, Gia Lai). Đây là lễ trao còng đồng của cô dâu, chú rể khi chính thức đồng ý lấy nhau và có sự chứng giám của gia đình, dân làng và thần linh.

Vào ngày này, gia đình, bà con hai họ cũng như dân làng đều đến chia vui trong không khí vui mừng cho hạnh phúc cho đôi bạn trẻ. Ngoài tính cộng cảm mọi người còn chia sẻ với chủ nhà nắm gạo, cái ghè, con gà, bó rau… tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Lễ Pơ Kong của chú rể Huk, cô dâu Y Nhung. Ảnh: Y.P 


Lễ Pơ Kong diễn ra với một số nghi thức tuy đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa theo phong tục Bahnar. Gia chủ sẽ chuẩn bị 1 ghè rượu, 2 đùi gà, 2 nắm xôi, một ít muối, 2 chiếc còng đồng, tất cả lễ vật để lên lá chuối được gia chủ xếp khéo léo và rất đẹp mắt. Già làng chuẩn bị trang phục truyền thống, chỉnh tề để chuẩn bị làm lễ theo phong tục của người Bahnar. Ông ngồi giữa và cô dâu, chú rể, còn gia đình họ hàng ngồi hai bên để chứng kiến niềm vui lớn này.

Tay cầm cành cây teng leng (cây này người Bahnar coi là cây thần để cúng mới có linh nghiệm), già làng làm lễ và đọc lời khấn với nội dung: “Báo cáo với thần linh, ông bà tổ tiên, hôm nay con trai Huk, con gái Nay Y Nhung chính thức là vợ, là chồng, gia đình bên gái có thêm con trai, gia đình con trai có thêm con gái” (theo phong tục người Bahnar không phân biệt là con dâu, con rể. Chỉ khi có người ngoài nói chuyện về gia đình và tìm hiểu kỹ thì họ mới giới thiệu là dâu hoặc rể-N.V)

Khi già làng khấn xong, chú rể trao còng đồng cho cô dâu và ngược lại. Lễ nghi tiếp theo là già làng đưa cho cô dâu, chú rể mỗi người một chiếc đùi gà và một nắm xôi. Họ vừa ăn vừa uống rượu cho tới khi ăn hết thì già làng mới tuyên bố người con trai và con gái này chính thức là vợ chồng (mà người Bahnar gọi là Bôk muh măt), là người cùng nhà dưới sự chứng giám của gia đình, dân làng và các Yàng. Lúc này, đại diện cho 2 gia đình đứng ra dặn dò hai con phải yêu thương lẫn nhau, chăm sóc cho nhau… Cô dâu, chú rể cầm chén rượu lấy từ ghè rượu đã được già làng cúng đến mời rượu cha mẹ hai bên cũng như mọi người đến tham dự lễ Pơ Kong, sau đó nhận những lời chúc phúc của mọi người, hai bên gia đình cô dâu, chú rể. Từ nay hai bên chính thức gọi nhau là sui gia, tiếng Bahnar gọi là Pô Băn.

Trước khi làm lễ Pơ Kong, gia đình bên gái đã chuẩn bị một số thực phẩm, đồ uống truyền thống như rượu ghè, lá mì, cơm lam... Nhà trai thì tùy thuộc vào điều kiện, vì lễ này nhà gái đã lo hết do đã “bắt” được chồng cho con mình. Dân làng cũng hòa cùng gia đình ăn uống nói chuyện, một nhóm ít người ngồi bàn, ngồi ghế ăn uống, còn phần nhiều là 5-7 người từng nhóm ngồi dưới gốc cây… Chỗ nào có bóng mát là chỗ đó có tiếng cười nói vui mừng chia sẻ niềm vui cùng gia đình… Đây cũng là dịp để mọi người tìm hiểu nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống cũng như kinh nghiệm đồng áng, kỹ thuật trong sản xuất giúp gia đình và cộng đồng ngày càng phát triển.

Lễ Pơ Kong vừa là nghi thức truyền thống vừa tiết kiệm theo nếp sống mới. Ở đó, người đi dự đám cưới không cần phải lo lắng “phong bì”, gia đình bên tổ chức cũng không phải lo chuyện “ế ẩm mâm cao cỗ đầy”. Với lễ Pơ Kong của người Bahnar, ngoài việc vui vẻ chia sẻ chúc mừng hạnh phúc của đôi bạn trẻ, đây cũng là dịp để mọi người có cơ hội gặp gỡ, hỏi thăm, nhận biết thêm người nhà của cả hai bên gia đình, qua đó giúp cho mối quan hệ dòng họ, bà con ngày càng khăng khít, đoàn kết giúp đỡ, chia sẻ trong cuộc sống cộng đồng.

Y Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét