27 thg 10, 2016

Chùa Cà Săng, cảnh đẹp Vĩnh Châu

Chùa Cà Săng (Vĩnh Châu) là một trong những ngôi chùa Khmer có nhiều công trình kiến trúc nổi bật mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ.

Chùa vốn có pháp danh là chùa Sêrây Cro Săng (có nghĩa là Ánh bình minh của cây bần thăng), chùa có vị trí nằm cách trung tâm thị xã Vĩnh Châu chừng 2 cây số về hướng đông bắc (đường về cầu Mỹ Thanh 2), thuộc ấp Cà Săng, phường 2 (trước đây là xã Vĩnh Châu).

Theo các cụ cao niên ở đây kể: “Trước kia tại gò đất này có nhiều cây bần thăng mọc hoang, một loại cây cao lớn giống như cây gáo (hiện nay được dùng làm cây kiểng vì cây dễ uốn cong để tạo dáng), người Khmer thường dùng trái nấu canh chua, vì trái có vị chua thanh”. 


Chùa Cà Săng là một ngôi chùa cổ được hình thành vào năm 1775, lúc đầu chỉ xây cất bằng gỗ, lá. Sau này từ sự đóng góp của bà con phật tử gần xa, chùa đã xây dựng ngôi chánh điện tráng lệ với tổng kinh phí xây dựng trên hai tỷ đồng để làm nơi tổ chức các lễ nghi tôn giáo. Từ kết cấu cổng chùa cho đến các dãy nhà liêu, nhà hội, các tòa tháp đều được thiết kế theo nguyên bản xưa được xếp loại di tích văn hóa cấp tỉnh, nổi bật là ngôi chánh điện được xây trên nền đất cao ráo, trên mái có kiến trúc giống như tháp Ăng kor Wath. Các công trình có nét hoa văn và nghệ thuật tạo hình rất độc đáo gây được ấn tượng cho du khách thập phương.

Bước vào cổng chùa, trước mắt chúng tôi là một khuôn viên rộng lớn, đây là nơi sinh hoạt ngoài trời cũng như tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao của bà con phật tử, nối tiếp là ngôi sa la (nhà hội) khang trang, bên trong có bệ thờ Phật dành để tổ chức các lễ nghi tôn giáo như: tụng kinh, thuyết pháp, dâng cơm trong các dịp lễ hội, hoặc hội họp của cộng đồng.

Dọc hai bên khuôn viên chùa là dãy nhà liêu dành cho các vị sư nghỉ ngơi, còn nhà ăn được thiết kế ở phía sau cùng, nằm bên trái từ hướng đi vào là ngôi chánh điện uy nghi, lộng lẫy luôn là niềm tự hào của bà con phật tử nơi đây, bởi theo quan niệm của bà con Khmer, ngôi chùa là bộ mặt của thôn, ấp, nơi nào có ngôi chùa khang trang nơi ấy sẽ có cuộc sống sung túc.

Từ lâu, ngôi chùa đã trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, là nơi sinh văn hóa tinh thần của bà con, ở đây còn mở lớp dạy chữ, dạy nghề, nhất là dạy đạo làm người và cũng là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của bổn đạo ngay từ khi còn sống cho đến khi về cõi niết bàn. Vì vậy, khi chết tro cốt cũng đem vào chùa chưng cất trong các toà tháp.

Ngày nay, với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, vì mục tiêu “Đạo pháp dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, chùa Cà Săng đã có nhiều đóng góp vào phong trào thi đua yêu nước như duy trì các hoạt động lễ hội bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, đào tạo nhiều lớp nhân sĩ, trí thức Khmer như mở các lớp: Vini, Pali, ánh sáng hè góp phần vào duy trì phát triển ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc, đồng thời hướng dẫn, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào các hoạt động nhân đạo - từ thiện.

Đáng kể, chùa Cà Săng còn là địa chỉ đỏ có nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng đất nước, đã nuôi chứa nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng, cố Hòa thượng Thích Lý Thi (nguyên là trụ trì) là một nhà sư yêu nước có nhiều thành tích trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhà chùa đã chỉnh trang cảnh quan xanh sạch đẹp, thành lập phòng đọc sách và các đội văn nghệ, thể thao, trồng thêm cây xanh gây bóng mát, giữ gìn, chăm sóc các loại cây cổ thụ để tạo sự thanh thoát và mỹ quan, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội để bà con cúng bái Phật pháp và vui chơi, giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc. Nhiều năm qua, chùa được công nhận đạt chuẩn văn hóa, các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. 

Chùa Sêrây Cro Săng hay còn được gọi là chùa Cà Săng - tọa lạc tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng về hướng Đông – Nam khoảng 40km. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng với quần thể kiến trúc hài hòa, có niên đại trên 400 năm. 

Chùa được xây dựng vào năm 1576, có diện tích 22.230 mét vuông. Tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: Chánh điện, sala, nhà ở cho các vị sư, trường dạy chữ Khmer, tháp để tro cốt người chết và lò hỏa táng,... 


Cổng chùa Sêrây Cro Săng là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông màu đỏ thẫm, bên dưới cổng gồm 2 cột trụ nền vuông có tác dụng chống đỡ cho phần mái tháp. Phần cổng vòm phía trên bao gồm 03 ngọn tháp được đắp nổi họa tiết hoa văn Khmer, trên đó có ghi tên chùa Sêrây Cro Săng bằng tiếng Khmer với nét chữ màu đỏ. Chánh điện chùa quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, Phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa phải xây theo hướng Đông để hợp với hướng thờ Phật Thích Ca trong chánh điện.

Ngôi chánh điện của chùa Sêrây Cro Săng hiện nay được xây dựng lại vào năm 2005 dưới thời trụ trì của Hòa thượng Thích Lý Thi, chánh điện xây dựng trên hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình khác trong khuôn viên chùa. Giữa mỗi cạnh đều có một vị Phật ngồi tọa thiền quay về 4 hướng với ý muốn: Phật pháp lan tỏa và thấm nhuần khắp 4 phương. 

Quanh cấp nền của chánh điện đều có hàng rào bao bọc và có lối cầu thang đi lên nơi thờ Phật ở mỗi cạnh của chánh điện. Kết cấu mái ngôi chánh điện là một kết cấu đặc biệt gồm 05 ngọn tháp, bao gồm 4 ngọn tháp nằm ở 4 cạnh tương xứng với vị trí của 4 vị Phật ngồi tọa thiền phía dưới. Mỗi tháp có chiều cao khoảng 5m và đáy rộng 3m, riêng ngọn tháp trung tâm nằm giữa chánh điện cao khoảng 7m và rộng 5m. 

Chính sự đặc biệt này đã khiến cho mái chính điện trở nên đồ sộ, song không vì thế mà mất đi vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng; trên từng cấp mái đều được trang trí hình rồng cách điệu trong văn hóa Khmer. Bên trong chánh điện là một không gian rộng để thờ Phật Thích Ca và nhiều tượng Phật khác nhau, mỗi tượng phản ánh một sự kiện quan trọng nhất định trong cuộc đời của đức Phật. Xung quanh tường bên trong và ngoài chánh điện đều được trang trí hình ảnh về cuộc đời của Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến nhập cõi niết bàn.

Chùa Sêrây Cro Săng là một công trình nghệ thuật kiến trúc tôn giáo có giá trị thẩm mỹ thể hiện vốn đặc trưng văn hoá truyền thống Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chùa vừa là trung tâm giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương.

Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Sêrây Cro Săng vừa là cơ sở nuôi chứa những cán bộ hoạt động cách mạng, vừa là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của chính quyền tay sai thời Mỹ - Diệm cho đến khi cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam thành công ngày 30/04/1975.

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 12/05/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định số 655/QĐ.HT.04 công nhận chùa Sêrây Cro Săng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, góp phần phát huy giá trị lịch sử địa phương trong sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Phan Thị Anh Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét