6 thg 10, 2022

Tổ đình Hội Tôn tỉnh Bến Tre

Mặt tiền Tổ đình Hội Tôn hiện nay.

Tổ đình Hội Tôn hiện tọa lạc tại ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Tổ đình do Hòa thượng Long Thiền (người Quảng Ngãi) khai sơn tạo tự năm 1740 (Canh Thìn) với tên gọi là Hội Tông Tự. Đến đời vua Thiệu Trị do kỵ húy vua nên Tổ đình đổi tên thành Hội Tôn Tự.

Đây là ngôi chùa xưa nhất tỉnh Bến Tre thành lập vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, ngôi chùa có giá trị lịch sử – văn hóa đối với Phật giáo tỉnh Bến Tre và ở khu vực Tây Nam bộ.

Sơ lược lịch sử Tổ đình Hội Tôn

Hòa thượng Long Thiền từ vùng đất Quảng Ngãi xa xôi, theo dòng người tham gia công cuộc Nam tiến của các Chúa Nguyễn; đưa thuyền vượt biển tiến vào khu vực sông Tiền ngày nay. Ngài cùng vị đệ tử thân tín của mình dừng chân trên vùng cù lao Bến Tre vào khoảng đầu năm 1740 và bắt đầu việc hoằng hóa Phật pháp, hóa độ các tầng lớp trong xã hội, nhất là lớp người nghèo khổ xa quê đến nơi đất lạ xứ người mong tìm được cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Trên con đường tìm kiếm duyên lành, Ngài gặp hai mẹ con bà Cù Thị Báu và Trần Thị Mỗi; đây là gia đình hai thế hệ phật tử đầu tiên của vùng đất hoang sơ này. Họ đã thỉnh Hòa thượng trụ lại nơi đây hướng dẫn cũng như truyền dạy giáo lý cho người dân mộ đạo quanh vùng tu học theo giáo lý Phật đà. Ngài đã dựng một thảo am đơn sơ trên mảnh đất nhà (nền chùa sau này) bà Cù Thị Báu làm nơi thờ Phật tu hành. Thảo am bấy giờ được HT.Long Thiền đặt cho tên gọi là Hội Tông tự. Đến khoảng giữa thế kỷ XIX đời vua Thiệu Trị do kỵ húy vua là Nguyễn Phúc Miên Tông nên chùa đổi tên thành Hội Tôn Tự; với ý nghĩa: “chữ Hội nghĩa là tích tụ, hội tụ; chữ Tôn là điều tốt đẹp cao quý trong đời sống; Hội Tôn theo ý chư Tổ muốn nói đây là nơi hội tụ những điều ý nghĩa, giá trị quý, cao đẹp nhất trong cuộc đời và xã hội [1]”. Cũng từ đây ánh sáng Phật pháp dần lan tỏa khắp các dãy cù lao trên đất Bến Tre.

Sau khi thành lập đến năm 2010, Tổ đình Hội Tôn đã trải qua 17 đời trụ trì gồm HT.Khánh Hưng, HT.Bảo Chất, HT.Quảng Giáo, HT.Tâm Định, Giáo thọ Chánh Hòa, HT.Chơn Tịnh, Giáo thọ Quảng Tài, HT.Tâm Thông, HT.Quảng Đạo, HT.Thiện Tường, HT.Hiển Pháp, ĐĐ.Thiện Hồng, NS.Giác Hòa, Giáo thọ Phước, ĐĐ.Thiện Tánh, HT.Hoằng Đạt. Long vị của quý Ngài hiện đang được tôn thờ trang trọng tại gian giữa Điện Tổ của Tổ đình. Tháng 8 năm 2010, sau khi HT.Hoằng Đạt viên tịch; thầy Thích Minh Hải là đệ tử của Hòa thượng đã tiếp tục kế thế trụ trì Tổ đình Hội Tôn trở thành vị trụ trì đời thứ 18 của ngôi cổ tự này.

Hòa thượng Long Thiền là vị Tổ khai sơn Tổ đình Hội Tôn, là người đầu tiên đưa ánh sáng Phật giáo Bắc Tông đến đất Bến Tre [2]. Chư Tổ sư các thế hệ trụ trì Tổ đình đã tô điểm ngôi cổ tự này ngày càng nguy nga, tráng lệ, trang nghiêm hơn so với khi mới thành lập, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nét đẹp văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Gian giữa Điện Tổ.

Các giá trị lịch sử – văn hóa của Tổ đình Hội Tôn

Tổng quan kiến trúc Tổ đình Hội Tôn hiện nay

Tổng diện tích mặt bằng Tổ đình Hội Tôn hiện nay là 9.955 m²; trong đó đã xây dựng các hạng mục như: nền chánh điện 1.200 m²; khu tháp Tổ chính 400 m²; ao Liên Trì 300 m² ; còn lại là phần sân trước, sân sau cũng như hoa viên xung quanh chùa. Hiện Tổ đình gồm có hai cổng, cổng ngoài hướng mặt ra đường Lộ Chùa thuộc xã Quới Sơn (đây là con đường được HT.Long Thiền cùng với người dân quang vùng đào đắp từ khi chùa mới khai sơn). Cổng ngoài năm 2020 cao khoảng 4m ngang 3m, gồm hai cột trụ hai bên với hai câu đối “Hội tụ tinh hoa khởi nguồn đạo pháp. Tôn vinh chính pháp hộ quốc độ sinh”; bên trên là một tấm bảng hiệu nằm ngang “Hội Tôn Cổ Tự” bằng chữ quốc ngữ màu vàng ở giữa, hai bên góc là cờ Phật giáo và chữ 卍 với họa tiết hoa sen phía trên và rồng phía dưới. Cổng trong gồm 01 cổng chính và 02 cổng phụ xoay về hướng Nam giáp với đường Lộ Chùa, cổng chính có hai cột trụ hai bên với hai câu đối “Hội đồng Tam Bảo hoằng khai Phật đạo. Tôn chỉ thượng thừa độ sinh kiến tính”, bên trên có một tấm bảng hiệu hình vòng cung “Hội Tôn Cổ Tự” bằng chữ quốc ngữ. Hai cổng phụ hai bên đều có bảng hiệu phía trên ghi “慈悲”– Từ Bi và “喜捨” – Hỉ Xả, cổng này thường là nơi khách thập phương quá bộ vào khuôn viên rộng lớn của bổn tự lễ Phật, tham quan. Từ cổng chính bước vào Tổ đình Hội Tôn, bên phải thờ tôn tượng Phật Nhập Niết Bàn và miếu thờ Sơn thần. Bên trái thờ tôn tượng Phật Thành Đạo và miếu thờ Thủy thần, ở giữa còn có một cột cờ treo Quốc kỳ và Đạo kỳ.

Cổng chính Tổ đình Hội Tôn hiện nay.

Trong và ngoài khuôn viên Tổ đình Hội Tôn ngày nay có 06 ngôi tháp Tổ, và 01 Bảo đồng của sư cô, phần lớn đều được làm bằng chất liệu xi-măng, cốt-thép, 03 tầng hoặc 01 tầng mái. Trong đó, khu tháp Tổ ở hướng Tây, được xem là khu tháp chính của Tổ đình gồm tháp Cụ Tổ Khánh Hưng, Cụ Tổ Tâm Định và tháp HT.Hoằng Đạt.

Khu tháp Tổ

Ngay khoảng giữa sân trước tôn trí tượng Quan Âm lộ thiên. Tôn tượng Quan Âm bằng đá trắng Non Nước – Đà Nẵng, cao 3 mét được an vị năm 2010. Quan Âm cỡi rồng ngự trên tòa sen cao 1,6 mét. Phía bên trái tượng Quan Âm là Liên đài chuông với Đại hồng chung đúc năm 1805, dưới thời HT.Khánh Hưng. Đối diện là Liên đài trống với giá và dăm trống được tạo vào những năm đầu thế kỷ XIX.

Tổ đình Hội Tôn hiện nay được xây dựng mới từ các chất liệu hiện đại như xi-măng, bê-tông, cốt-thép, gạch ngói, thạch cao, gỗ, theo mô hình kiến trúc có sự kết hợp Đông và Tây phương. Kết cấu kiến trúc cơ bản của Tổ đình Hội Tôn gồm các công trình chính như chính điện, Tổ đường, Tăng xá, giảng đường… Hiện Tổ đình được xây theo lối kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc” – một kiểu kiến trúc phổ biến trong các đình chùa Nam Bộ, gồm 3 tầng mái chồng lên nhau, hệ mái với các đầu đao vút cong, kết hợp nhiều mô-típ hoa sen uốn lượn mềm mại (Hình 14). Bên trên nóc là hình tượng hoa sen đang nở giữa bầu trời, nền chùa bên dưới là một tòa sen rộng lớn với 49 cánh sen và 49 hình tượng kim quy sơn nhũ vàng. Nền hoa sen được thiết kế trên hồ Thiên Phúc (Hình 16), điểm đặc biệt là hồ này ngày thường chỉ là vành đai khô thoáng xung quanh tòa sen lớn của chính điện, nước chỉ được bơm vào hồ vào những dịp lễ lớn mang tính chất trọng đại của Tổ đình Hội Tôn hoặc của Giáo hội. Kiểu thức kết cấu khung sườn mái của chính điện theo kết cấu tứ trụ hay còn gọi là tứ tượng (vuông vức và phát triển đều ra 4 phía), thể hiện được vũ trụ và nhân sinh quan Đông phương.


Sau chính điện là dãy nhà Tổ đường 03 gian gồm có 02 tầng mái chồng lên nhau với các đầu đao cong vút, giữa 02 tầng mái của 03 gian có 3 bao lam với 3 bảng chữ Điện Tổ Đường bằng chữ quốc ngữ viết cách điệu. Bên trong Tổ đường có các bao lam, hoành phi, liễn đối được chạm trổ công phu vào những khoảng thời gian khác nhau. Nhìn từ ngoài Chính điện và Tổ đường được nối liền bởi Cầu Phật Tổ dưới dạng hình tượng rồng lượn cưỡi trên mình 7 đóa sen nở, đầu rồng hướng về chính điện, có tượng Phật Đản sinh tôn trí chính giữa.

Hệ thống tượng thờ

Tổ đình Hội Tôn là một trong những ngôi cổ tự lâu đời nhất của tỉnh Bến Tre, nhưng tổng thể cách bài trí thờ tự hiện nay khá đơn giản, lại không theo cách thờ “Tiền Phật hậu Tổ” như đa phần các ngôi chùa khác trong tỉnh. Tổng số lượng tượng thờ hiện nay là 192 tượng có kích thước và chất liệu khác nhau như: gỗ, đồng, đá, xi-măng, composite, sứ, thạch cao. Trong đó, Chính điện có 45 tượng, Điện Tổ có 08 tượng, trai đường có 04 tượng, khu Tây phương có 49 tượng, Điện Thánh Mẫu có 3 tượng, khoảng sân trước – sau là 45 tượng và Tàng Kinh Các có 38 tượng là nơi lưu giữ những tượng cổ bằng đồng. Trong tổng số lượng tượng thờ này có một số tượng cổ bằng gỗ và đồng được tạo tạc theo phong cách nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ XVIII, XIX như: Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Thế Chí, một số vị Bồ tát khác, tượng Phật đản sinh, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thập Điện Diêm Vương… Những pho tượng này mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử – văn hóa – nghệ thuật và thể hiện tất cả tâm tư tình cảm của người dân đối với Tổ đình, với Phật giáo qua từng giai đoạn lịch sử. Sở dĩ số lượng, chất liệu và loại tượng đang được thờ tự tại Tổ đình Hội Tôn lại nhiều như thế là vì xuất phát từ tín ngưỡng thờ tự trong dân gian. Đây là sự tiếp biến, giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam và văn hóa Trung Hoa.

Tiêu biểu có tượng Phật Di Đà bằng gỗ mít, cao 1,2 mét, chiều ngang chân tượng không có đế là 90 cm. Đây là pho tượng lâu đời nhất của Tổ đình Hội Tôn, được tạo tác vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, từ những ngày đầu chùa mới thành lập (khoảng thời gian từ 1740 – 1800). Nhìn tổng thể, toàn thân tượng thể hiện đầy đủ các tướng tốt của một vị Phật, nhưng phần đầu tượng hơi to so với toàn thân tượng.

Tượng được khắc thủ công bằng tay từ những người thường không chuyên môn nên không được cầu kỳ, tinh sảo bằng các pho tượng như ngày nay khắc bằng máy hoặc từ những người thợ chuyên nghiệp. Nhưng chính điều này đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của người dân Việt luôn mộc mạc, bình dị, chất phác.

Tượng Phật Di Đà này là một tượng trong bộ tượng Di Đà Tam Tôn (gồm Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Đại Thế Chí). Nhưng hiện nay bộ này chỉ còn lại 02 tượng là Phật Di Đà và Bồ tát Đại Thế Chí bằng gỗ mít hiện được tại gian giữa bên trong khu Tây Phương. Tượng Quan Thế Âm bằng đồng đã bị mất cắp năm 2012.

Tượng Phật Di Đà bằng gỗ mít.

Kế đến là bộ tượng Thập Điện Diêm Vương được Hòa thượng Tâm Định – vị trụ trì đời thứ 6 của Tổ đình Hội Tôn ra kinh đô Huế đúc năm 1886 (Bính Tuất), đời vua Đồng Khánh. Bộ tượng này được đúc bằng đồng gồm 10 tượng ứng với 10 vị Diêm Vương cai quản 10 tầng địa ngục. Hình tượng Thập Điện Diêm Vương tại Tổ đình Hội Tôn nói riêng hay ở các ngôi chùa cổ Việt Nam nói chung là dạng phổ biến, bình dị với đời sống người dân, giúp họ dễ dàng tiếp nhận. Tuy phong cách tạo tác không cầu kỳ, tinh xảo nhưng vẫn giữ được uy nghiêm vốn có của người phán xử. Hiện bộ tượng này được lưu giữ tại Tàng Kinh Các của Tổ đình Hội Tôn.

Bộ tượng Thập Điện Diêm Vương (ảnh chụp năm 1992)

Tháp Tổ Khánh Hưng

Tháp hình lục giác, 3 tầng, cao khoảng 6 mét, kiến trúc có rào bao quanh tháp. Đây là tháp của Hòa thượng (HT) Tổ Trí Khánh Hưng, thuộc đời thứ 36, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên. Tháp được xây bằng đá ong và một số hợp chất kết dính. Hàng rào tháp có thành cao 0,60 mét, dài 4,80 mét, rộng 6,40 mét: mặt thành bằng, được thiết kế dạng có bia lớn phía sau tháp, cao khoảng 1,70 mét. Khoảng cách từ hàng rào đến tháp có độ rộng tương đối vừa phải, gồm tất cả 08 trụ dạng cột vuông, với mặt trước có 02 trụ chính ở giữa và 02 trụ bên trong, cao 1,60 m, trên đỉnh trụ có hoa văn hình búp sen; 02 trụ ngoài có đỉnh hình mái chóp cao 1,55 mét, và 02 trụ kế không hoa văn cao 1,45 mét. Phía trước tháp có xây bàn đặt lễ vật dài 1,30 mét, ngang 0,40 mét, cao 0,5 mét. Ngoài cùng là bức bình phong chắn trước mặt tháp dạng bia hình chữ nhật nằm ngang 1,70 mét, cao 1,50 mét. Chân tháp cao 0,50 mét, chiều cao mỗi tầng đều nhau là 1,50 mét. Mặt bia khắc hàng chữ màu vàng bằng chữ quốc ngữ ở giữa từ trên xuống: “Tháp Tổ. Từ Lâm Tế Gia Phổ tam thập lục thế huý Tổ Trí thượng Khánh hạ Hưng giác linh. Thiền tọa”.

Tháp được xây dựng sau khi HT. Khánh Hưng viên tịch, tức năm 1826. Như vậy, tháp có niên đại vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là ngôi tháp của vị Tổ trụ trì đời thứ 02 của Tổ đình Hội Tôn; là ngôi tháp đầu tiên được xây dựng trong khuôn viên Tổ đình Hội Tôn. Tháp Tổ Khánh Hưng có phong cách kiến trúc ảnh hưởng từ kiến trúc tháp bình đồ đa giác của Trung Quốc. Tháp được xây bằng đá ong và một số hợp chất kết dính, có chân tháp dạng chân quỳ, với 06 cạnh, 03 tầng, không hoa văn cầu kỳ, khá đơn giản, nhưng vẫn mang đậm vẻ cổ kính, trầm mặc. Bia tháp được ghi bằng chữ quốc ngữ là dạng mới hiện tại, không thuộc giai đoạn của Tổ, nhưng do phần chữ Hán trên bia không còn nên đời trụ trì sau này đã viết lại bằng chữ quốc ngữ.


Tháp Tổ Tâm Định

Tháp hình lục giác, 3 tầng; đây là tháp của HT. Như Ưng, Tâm Định, thuộc đời thứ 39, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên.

Tháp có bình phù đồ lục giác, mang đậm màu sắc của phong cách kiến trúc Trung Hoa. Bình đồ đa giác (bát giác và lục giác) là bình đồ ưa thích của người Trung Quốc trong kiến trúc tháp [3]. Tháp được xây bằng chất liệu chính là gạch thẻ và xi măng. Tháp cao khoảng 05 mét. Kiến trúc có rào bao quanh tháp, thành rào cao 01 mét, dài 6,1 mét, rộng 5,40 mét; Phía sau tháp có bia lớn dạng cuốn thư, trên đầu bia diềm mái giả ngói lợp (14 hàng ống giả ngói). Phía trước cao có cổng vào, đầu cổng cũng làm mái giả ngói lợp, giữa trên mái phía trước và phía sau đều có hoa văn hình tháp. Mặt trước và sau tháp đều không xây bàn đặt lễ vật. Rào quanh tháp gồm 06 trụ vuông, xen kẽ với hàng rào có các chắn song hình lục bình, hoa văn đỉnh trụ là tòa sen và hình chóp nhọn. Chân tháp cao 0,40 mét, dạng chân quỳ, với chiều cao các tầng lần lượt là 1,10 mét, 1,20 mét và 1,30 mét. Mặt bia khắc hàng chữ bằng chữ Hán ở giữa từ trên xuống.

Chữ Hán: 合宗堂上三十九世諱如應上心下定陈公觉灵

Phiên âm: Hội Tôn đường thượng tam thập cửu thế húy/ Như Ưng thượng Tâm hạ Định Trần công giác linh.

Các mặt tháp tầng thứ 2 khắc lõm hình chữ nhật, trong mỗi lõm này khắc một chữ Hán, hợp lại thành “南 無 阿 彌 陀 佛”(Nam mô A Di Đà Phật).

Tháp được xây dựng sau khi HT. Tâm Định viên tịch, tức năm 1908. Như vậy, tháp có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XX. Đây là ngôi tháp của vị Tổ trụ trì đời thứ 05 của Tổ đình Hội Tôn. Tháp của HT. Tâm Định so với tháp Tổ Khánh Hưng có nhiều nét tương đương, khác nhau phần hoa văn ở đỉnh tháp nhưng cũng khá đơn giản. Tháp mang dáng dấp cổ kính, hàng rào bao quanh tháp được trang trí có phần cầu kỳ hơn, với tấm bia lớn phía sau có thêm mái ngói, phía trước có cổng vào; có cột trụ dạng vuông lại thêm chắn song… Nhưng những phần kiến trúc này vẫn tạo nên nét mới, mang phong cách kiến trúc phương Tây. Ngoài bình đồ lục giác của tháp mang màu sắc kiến trúc tháp Trung Hoa, dạng cạnh lục giác còn mang các yếu tố có ý nghĩa Phật pháp như lục độ, lục căn, lục thức, lục trần… Tuy tháp có phần ảnh hưởng của kiến trúc mới nhưng vẫn theo lối viết bia dạng cổ, ghi bằng chữ Hán, điểm chú ý là tháp không ghi ngày tháng năm sinh và thị tịch.

Đại hồng chung

HT. Khánh Hưng khởi công trùng tu Tổ đình Hội Tôn vào khoảng giữa năm Gia Long thứ 3 tức là giữa năm 1804 (Giáp Tý). Việc trùng tu tôn tạo để có được một ngôi chùa mới khang trang, rộng lớn đủ không gian cho Phật tử các nơi về tu tập, lễ Phật đã kéo dài hơn một năm mới hoàn thành tức khoảng giữa năm 1805 (Ất Sửu). Cũng trong thời gian này, được sự ủng hộ của thập phương bổn đạo, Hòa thượng quyết định ra Huế đúc đại hồng chung thỉnh về chùa. Theo niên đại được ghi trên thân chuông, thì quả đại hồng chung này được đúc vào ngày lành tháng 11 năm Ất Sửu. Chuông có chiều cao là 150 cm, đường kính miệng chuông 60 cm, dày 5 cm, nặng hơn 100 kg.

Nhìn tổng thể, quả đại hồng chung có dạng hình bầu, bình thường như các quả đại hồng chung khác, nhỏ dần từ dưới lên trên (trên nhỏ, dưới to). Quai đại hồng chung được thể hiện bằng cặp bồ lao đấu lưng vào nhau, hai đầu hướng về hai hướng, chân có móng níu vào thân đại hồng chung trông rất mạnh mẽ, chắc chắn. Chi tiết này được thực hiện khá tỉ mỉ, tinh tế; râu vãy, kỳ chạy dọc theo sống lưng và nửa phần chân trên; miệng há to ngậm viên minh châu lớn. Thân đại hồng chung chia thành 02 phần, trên và dưới, mỗi phần chia làm 04 ô bằng các đường chỉ đơn và kép; các ô trên và dưới xen kẽ nhau chứ không trùng lắp. Ba đường chỉ kép phần cuối đại hồng chung được nối với nhau bằng 04 hình tròn chia đều theo 04 ô trên thân dưới của đại hồng chung. Nhìn chung, hoa văn trang trí đại hồng chung khá đơn giản nhưng vẫn giữ được nét đẹp hài hòa trên chuông.

Một ô mặt trước của thân trên quả đại hồng chung có khắc 4 dòng chữ Hán:

信供阮文弟普一阮氏元普玩
十方本道等铸大洪鐘供
會宗寺上慶下興和尚証明
嘉隆乙丑年十一月吉日铸供

Phiên âm: 
Tín cúng Nguyễn Văn Đệ Phổ Nhứt, Nguyễn Thị Nguyên Phổ Ngoạn. 
Thập phương bổn đạo đẳng chú đại hồng chung cúng, 
Hội Tông Tự thượng Khánh hạ Hưng hòa thượng chứng minh. 
Gia Long Ất Sửu niên, thập nhất ngoạt, kiết nhật chú cúng.

Dịch nghĩa: 
Nguyễn Văn Đệ pháp danh Phổ Nhứt, Nguyễn Thị Nguyên pháp danh Phổ Ngoạn.
Cùng tất cả bổn đạo chùa Hội Tôn đồng đúc cúng Đại hồng chung. 
Hòa thượng Khánh Hưng chùa Hội Tông nhận biết. 
Đúc cúng vào ngày lành tháng 11 năm Ất Sửu đời vua Gia Long.


Hiện nay, quả đại hồng chung được đưa lên Liên đài chuông nằm ở phần sân phía trước, chuông này chỉ được thỉnh vào những dịp lể lớn trọng đại của Tổ đình. Thường ngày, thỉnh đại hồng chung mới được đúc tại Huế năm 2014, nặng 1500 kg.

Hoành phi

Hiện nay, tại gian giữa của Điện Tổ đường treo bức hoành phi lớn do HT Long Thiền tạo năm 1782. Bức hoành bằng gỗ hình chữ nhật, dài 1,60 mét, rộng 0,80 mét, nền đen, chữ vàng; xung quanh chạm nổi 10 con rồng uốn lượn sơn son thếp vàng, thể hiện nhân sinh quan vũ trụ quan, bốn phương trời, 10 phương Phật của triết lý Phật giáo. Ở khoảng giữa bức hoành đề Hội Tông Tự bằng chữ Hán kiểu chữ triện, hai bên có hai dòng lạc khoản và 03 con dấu được khắc ở hai góc, 03 con dấu này hiện không còn nhìn rõ được do nước sơn làm mất dần dấu khắc.

Dòng lạc khoản bên phải ghi: 歲次壬寅年正月谷旦

Phiên âm: Tuế thứ Nhâm Dần niên chánh nguyệt cốc đán

Dòng lạc khoản bên trái ghi: 十方本道同造

Phiên âm: Thập phương bổn đạo đồng tạo

Tạm dịch: Biển hiệu chùa Hội Tông được thập phương bổn đạo tạo lập, ngày 01 tháng giêng năm Nhâm Dần (năm 1782)

Hoành phi Hội Tông Tự tạo lập năm 1782 dưới đời HT. Long Thiền

• Hoành phi 聲家振 Chấn gia thanh: chấn giữ thanh danh gia tộc.

• Hoành phi 澤世光 Quang thế trạch: ân trạch tỏa sáng trong đời.

Hai bức hoành phi trên đều bằng gỗ, treo phía trên bên phải và trái trước Điện Tổ đường. Mỗi bức hoành dài 1,40 mét, ngang 0,90 mét; với đường viền được trang trí các họa tiết hình hoa lá uốn cong, cuốn thư thắt nơ, quyển sách, bình hồ lô,… Bốn góc phía trong đường viền được khắc hình bốn con dơi.

Ba bức hoành phi còn lại của Tổ đình Hội Tôn đều được làm bằng gỗ; có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Phong cách chạm khắc còn ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, chữ Hán chạm nổi trên mặt phẳng của bức hoành phi, trong đó có 01 bức khắc theo lối chữ triện, 02 bức khắc theo lối chữ chân. Hoa văn trang trí cũng được khắc nổi theo chữ, sơn son thếp vàng. Mặt hoành trơn láng, sơn nền đen, chữ vàng. Nghệ thuật điêu khắc mỹ thuật của các bức hoành phi công phu, tỉ mỉ, tinh tế trên nguyên tắc đăng đối, chi phối toàn bộ bố cục các bức hoành; nhưng vẫn làm toát lên vẻ đẹp trầm hùng, trang trọng của từng bức.

Mộc bản Mạn đà la hoa sen

Hiện nay, Tổ đình Hội Tôn còn lưu giữ được trên dưới 30 mộc bản có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Đây là các bản gỗ được chạm khắc nổi chữ ngược có nội dung về kinh điển, chú hoặc các bản sớ điệp,… để in bằng giấy gió sử dụng trong các buỗi lễ, tu học, nghiên cứu của Tổ đình. Tiêu biểu trong số mộc bản này là bản khắc kinh của HT.Tâm Định ra Huế thỉnh năm 1886 nhưng bản này hiện không còn đủ bộ do có bản bị mối mọt làm hư hoại và bản Mạn đà la hoa sen tôn chỉ của quá trình dung hòa các tông phái Phật giáo, mang giá trị văn hóa và ý nghĩa nhân văn cao.

Mộc bản Mạn đà la hoa sen.

Mộc bản Mạn đà la hoa sen này là một trong số những bản gỗ khắc cổ xưa của Tổ đình Hội Tôn được HT.Tâm Định ra Huế thỉnh năm 1886, tức mộc bản này có niên đại vào cuối thế kỷ XIX. Đây là bản khắc gỗ hình vuông có cạnh 34,5 cm, dày 2,6 cm; gồm 02 phần chính: phần khung trong có trung tâm là Mạn đà la hoa sen, phần khung ngoài là nội dung về nguyên nhân và kết quả hành trì Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng.

Những nội dung được khắc trong mộc bản Mạn đà la hoa sen chính là ý nghĩa giáo lý Phật pháp, là mật pháp, là ý pháp mà chư Tổ muốn truyền lại cho thế hệ sau kế thừa và pháp triển. Cách trình bày nội dung này có thể đọc từ trong ra ngoài hay đọc từ ngoài vào trong đều mang ý nghĩa Phập pháp cao thâm. Phần trung tâm mộc bản là chữ Án, được khắc như hình một con người ngầm hiểu rằng, con người là trung tâm của vạn pháp. Chính tâm thức con người mới làm chủ được ý thức của chính mình, tâm thức ấy là tâm tông; nhìn thấy được ông chủ tâm thức là nhìn thấy đường đi nhanh nhất chứng đắc được quả vị giác ngộ và giải thoát. Bên ngoài chữ án là hình khắc hai hoa sen có kích thước lớn nhỏ khác nhau nối liền bằng vòng tròn đôi với những ký hiệu chữ triện xung quanh. Mỗi hoa có tám cánh tượng trưng cho bát chính đạo, là tám con đường đưa chúng sinh rời biển khổ sinh tử đến Niết Bàn giải thoát. Những cánh hoa trong hai hoa sen này được khắc bằng những nét khắc riêng biệt; mỗi cánh là mỗi kiểu họa tiết khác nhau, không cánh nào giống cánh nào. Mỗi con người mỗi tâm đạo, mỗi trình độ khác nhau, có thể chứng đắc theo mỗi phương pháp tu tập khác nhau, nhưng đều cùng đến mục đích chung là giác ngộ giải thoát.

Các lễ hội văn hóa tại Tổ đình Hội Tôn

Tiêu biểu trong văn hoá Việt Nam là loại hình văn hoá lễ hội, đó là những lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc, của Phật giáo và đặc biệt là các lễ hội Phật giáo truyền thống. Hằng năm, Tổ đình Hội Tôn đều tổ chức các lễ hội văn hóa dân tộc mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, cũng như các lễ hội đặc biệt quan trọng của Phật giáo. Những lễ hội này được xem là giá trị văn hóa phi vật thể mang tính lịch sử, là nét đẹp mỹ thuật tiêu biểu cho đạo pháp và dân tộc Việt Nam. Các lễ hội tại Tồ đình Hội Tôn được diễn ra đều đặn theo trật tự đã định sẵn trong năm với số lượng phật tử về tham dự rất đông như: Tết Nguyên đán, lễ Hoa đăng cầu phúc đầu năm, cúng sao giải hạn cầu bình an, lễ cúng rằm thượng ngươn, hạ ngươn, lễ Phật đản, lễ Vu lan báo hiếu, lễ khánh vía Phật, Bồ tát, lễ giỗ Tổ vả giỗ Tổ tiên (9/7 Âm lịch), lễ tảo tháp (12/12 Âm lịch)…

Lễ Hoa đăng cầu phúc đầu năm.

Lễ Phật đản.

Lễ tảo tháp.
***

[1]. Phỏng vấn TT. Thích Minh Hải trụ trì đời thứ 18 của Tổ đình Hội Tôn.
[2]. Thích Hoằng Đạt và Trần Thanh Bảo (2001), Lịch sử những ngôi chùa Phật huyện Châu Thành – tỉnh Bến Tre, Nxb Tôn giáo, Bến Tre.
[3] Quý Long và Kim Thư (2015), Tìm hiểu văn hóa Phật giáo và lịch sử các ngôi chùa ở Việt Nam, Nxb Lao động, Tp. Hồ Chí Minh.

Tác giả: SC.Thích Nữ Ngọc Hạnh - Chùa Hội Tôn, ấp 8, xã Quới Sơn, Châu Thành, Bến Tre

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét