17 thg 10, 2022

Khảo cứu chùa Giác Lâm từ yếu tố văn hóa, lịch sử

Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất và có tuổi thọ đến nay đã được gần ba trăm năm theo chiều dài lịch sử. Ngôi chùa được thành lập từ thế kỉ XVIII – chùa Giác Lâm là tổ đình của dòng Lâm Tế, tại nơi đây chùa lưu trữ hài cốt của tổ Phật Ý. Ngôi chùa cung cấp nhiều giá trị tư liệu lịch sử, về quá trình phát triển, con đường truyền đạo của các vị thiền sư trong các giai đoạn khác nhau.

1. Bối cảnh lịch sử hình thành chùa Giác Lâm

Vào khoảng thế kỷ thứ XVI (1558), quận công Nguyễn Hoàng đến trấn thủ xứ Thuận Hóa. Nhiều lần di dân bắt đầu từ đây, đưa nhân dân ta tiến về vùng đất khai phá phương Nam. Đi kèm theo đó là các nhà sư chúng ta và cả các nhà sư Trung Hoa theo chân với câu: “Bài Thanh, phục Minh” đến vùng Trung-Nam bộ. Từ thuở ban sơ với cuộc di dân, Phật giáo chúng ta cũng đã lan tỏa đến các vùng lân cận như là Biên Hòa, Mỹ Tho… Lúc này, đất tại vùng: “Đồng Nai- Gia Định (nay thuộc vùng đất Nam bộ) còn hoang vu, kinh rạch chằng chịt, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, đã gây khó khăn không ít khó khăn cho cuộc sống buổi đầu di dân.”[1] Ngoài ra, trong Đại Nam nhất thống chí cũng có viết: “Từ những thế kỷ XV hay XVI đã có những lưu dân Việt Nam tới khẩn hoang lập ấp trên những đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long. Năm 1698 (Mậu Dần), Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược đất ấy, đặt phủ Gia Định và lấy xứ là Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đồng thời dựng dinh Phiên Trấn.”[2] Bởi sự nhập cư đông, cùng với sự gia tăng nơi đó làm cho: “vùng đất Gia Định- Tân Bình vào cuối thế kỷ XVII, trở thành một trung tâm trù phú, với khoảng 200.000 dân”[3] Cũng chính thế, mà giao thông nơi đây rất thuận tiện, tạo nên sự hội tụ của nhiều dân tộc với người dân Khmer.

Trong bối cảnh xã hội như thế, sự phát triển kinh tế về nhiều mặt là điều hết sức bình thường như là: “Mở rộng diện tích khẩn hoang sản xuất nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp… sự phát triển này tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế văn hóa tại vùng đất Gia Định, trong đó có các hình thức tín ngưỡng.”[4] Như là các ngôi chùa của người dân ta được xây, hay miếu thờ và các hội quán của người Hoa cũng đan xen vào tại đây. Và có hai vị thiền sư trong tổng số các vị theo đoàn đến đây được xem như: “Sơ tổ của Phật giáo Đàng Trong là thiền sư Bổn Quả thuộc đời thứ 32 và thiền sư Nguyên Thiều thuộc đời thứ 33 của dòng Lâm Tế vốn dĩ xuất phát từ Trung Hoa. Nhiều thế hệ đệ tử của các vị đã đặt dấu chân hoằng hóa của mình theo dọc bờ sông Đồng Nai, như chùa Phổ Quang, Đại Giác, và đi cùng vào đất Gia Định với các chùa Từ Ân, Khải Tường, Giác Lâm, Kim Chương…”[5] cùng với sự nhập cư của các người Khmer, người Việt, Chăm, Hoa, thì sự Việt hóa vẫn tiếp tục diễn ra. Số ít người Hoa đến Gia Định chọn làm quê hương thứ hai của họ, cũng cùng nhân ta giải quyết những khó khăn của buổi ban sơ để sản xuất, lao động. Kinh tế phát triển cùng với nhu cầu của tinh thần mang đậm tính bức thiết của lưu dân cần nơi thờ tự như là cầu an, cầu siêu, dẫn đến sự ra đời các ngôi chùa “Do người Minh Hương quyên tiền xây dựng, Chùa Giác Lâm một trong những ngôi chùa có tiếng của vùng đất Gia Định được hình thành trong bối cảnh này”[6].

Cổng chùa Giác Lâm. Ảnh: St

2. Lịch sử hình thành và phát triển chùa Giác Lâm

Tại nơi: “Xã Phú Mỹ Thọ, huyện Bình Dương, trên chỗ gò bằng, có gò kim đôi rộng khoảng độ 3 dặm trên gò có cỏ thơm mọc dày như trải niệm, cây cao bóng mát như lọng che.”[7] Thời tiết cũng như khung cảnh nơi đây vô cùng hữu tình tuy địa thế hơi hẹp nhưng tạo nên nhã thú vô cùng thú vị, vào “Mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời vua Thế Tôn thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng nhà chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch.”[8] Quan cảnh thơ mộng nơi được chọn để xây chùa cho người Minh Hương mang tên là “Cẩm Sơn, Sơn Can hoặc Cẩm Đệm” tức là tiền thân của chùa Giác Lâm sau này. Ban đầu lập chùa Cẩm Đệm là một ngôi chùa tương đối nhỏ, tương xứng với các bộ tượng cũ nay còn lưu lại, không lâu sau ngày thành lập chùa thu hút rất nhiều người đến, ngoài ra các người minh hương tại nơi đây cũng thường xuyên đến nói chuyện, ngắm cảnh về đêm, ngâm thơ trên “nhà thủy tạ giữa ao sen” nhìn rất thơ mộng, mỗi lần đến tiết thanh minh họ cùng rủ nhau đến “mở tiệc, thưởng hoa, ngâm thơ”, nhìn xa xăm xuống chợ để ngắm nhìn sự nhộn nhịp nơi đây dù cách xa. Chùa Cẩm Đệm là nơi có quan cảnh vô cùng lý tưởng, “Phía trước chùa là một vùng đất trũng sâu luôn có nước dù trời nắng hay là trời mưa, có lẽ đây là Minh Đường, theo lời kể của các vị sư trù trì, chùa đã có nhà thủy tạ trên ao sen này. Phái trái chùa là vuông đất rộng trống kéo dài ra tận đường Lê Đại Hành ngày nay, bên phải là thế đất cao rộng bọc theo đường Lạc Long Quân ngày nay.”[9] Tóm lại, vị trí hiện nay là chùa nằm về hướng Bắc Nam. Chính điện theo hướng Nam, cách trung tâm thành phố tầm “6 cây về hướng chim bay, trên đường 118 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, Tp.HCM.”

Năm 1744 – 1772, chùa là một Niệm Phật Đường để khách thập phương lễ bái, chiêm ngưỡng, chứ chưa có chư tăng trụ trì. Sau khoảng 30 năm sau đó, “Lý Thụy Long đến chùa Từ Ân, là ngôi chùa xuất hiện sớm nhất ở Gia Định (theo lời truyền lại của các vị tổ chùa Giác Lâm sau này, thì chùa Từ Ân do Hòa thượng Linh Nhạc- Phật Ý trụ trì, một ngôi đại già lam đã có các thiền sư uyên thâm Phật pháp) xin một tăng sĩ về trụ trì chùa Cẩm Đệm. Hòa thượng Phật Ý đã cho đệ tử của mình là thiền sư Viên Quang”[10] về đây, sau đó đổi tên thành Giác Lâm. Với trình độ học thức cùng với đạo đức của thiền sư Viên Quang đã đem đến ngôi chùa từ phương thức sinh hoạt cho đến các nghi lễ quy y, truyền giới cho phật tử ngày một lan tỏa rộng rãi.

Chùa Giác Lâm tính đến hiện tại ngày nay, thì chùa đã trải qua gần 300 năm, một thời gian phải nói khá là dài, chùa được trùng tu và đã được 8 đời kế thừa.

Sau khi thiền sư Viên Quang về trù trì, chùa dần trở nên nhộn nhịp, các hoạt động như đào tạo tăng tài, dạy kinh giảng luật bắt đầu xuất hiện. Nhiều vị tăng sĩ đã đến đây tu và học và chùa trở thành một “Phật học xá”. Kinh tế tại vùng Gia Định này càng phát triển, các chi phí sinh hoạt đều được các vị Phật tử cúng dường. Sách sử còn ghi lại: “Thời Gia Long, năm thứ 18 (1819), giới đàn được mở rộng cho thiện nam tín nữ đến quy y rất đông”[11].

Thiền sư Viên Quang đã tiến hành trùng tu lần đầu, trải qua sáu năm. Với các cột gỗ quý đưa về ngôi già lam tràn đầy sự nguy nga, mỗi cột đều có sự chạm khắc làm nổi bật lên những câu đối. Tổng số câu đối toàn ngôi chùa có 86 câu, trên tổng số 98 cột tròn chạm khác với nhiều nét khác lạ. Điểm đặc biệt của sự trùng tu này là đôi câu đối đặt tại chính điện:

“Đại hùng điện thượng diễm tam thừa diệu điển, chúc quốc vương nghiêu thiên thuấn nhật.
Vạn pháp đường trung tuyên chư phẩm long hàm nguyện thí chủ thọ hải phước sơn”[12].

Năm 1804, kết thúc lần trùng tu đầu với diện tích được mở rộng, một số tượng không còn phù hợp nên tạo tượng mới với kích thước lớn hơn, việc trùng tu đã hoàn mãn thiền sư viên quang tiếp tục việc giảng kinh, luật bình thường trở lại. Chư tăng mỗi ngày về học rất đông. Dòng thiền Đạo Bổn Nguyên chi phái Lâm Tế tiếp tục truyền thừa theo bài kệ:

“Đạo Bổn Nguyên thành Phật tổ
Minh như hồng nhật lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chân đăng vạn cổ huyền”

Ngày mùng 3 tháng chạp năm đinh hợi, ngài trụ trì viên tịch tại Giác Lâm. Để ghi nhớ công lao của ngài các đệ tử đã cho người khắc cặp liễn ca ngợi công hạnh của ngài như sau:

“Sinh tiền giáo dưỡng đắc nhấn, vô tử nhi hữu tử
Một hậu thanh danh tại thế, tuy vong dã bất vong”

Chúng ta nói thiền sư viên quang có công trong việc đặt nền móng cho Phật giáo thì thiền sư có công trong việc truyền bá nơi đây không ai khác chính là thiền sư Hải Tịnh. Chính là đệ tử của hai vị thiền sư: “Phật Ý và Viên Quang”.

Thiền sư Hải Tịnh trở thành danh Tăng giỏi. Thay thế tổ Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm sau khi viên tịch, nhưng thực tế từ năm 1822, ngài Hải Tịnh đã được vua Minh Mạng mời ra kinh đô phong chức Tăng cang, giao trụ trì chùa Thiên Mụ. Mãi đến năm 1844, Thiền sư Hải Tịnh trở về chùa Từ Ân, có nhiệm vụ giúp cho đạo pháp hưng thịnh và hoằng dương Phật pháp. Chính “năm này, ngài đứng ra thành lập trường đầu tiên tại chùa”. “Năm 1849, lại khai mở trường kỳ tại đây”[13]. Trong lần trùng tu chùa Giác Lâm, tại bến Hộ Đất chùa dựng một lều nhỏ cho hương đăng ngủ giữ gỗ từ bến kéo lên, căn lều ấy sau này là Quán Âm Các. Đến năm 1850, Thiền sư Hải Tịnh đổi tên thành chùa Giác Viên và được chính Thiền sư trụ trì chùa Giác Lâm trông nom. Mỗi lư hương, chân đèn ở hai chùa đều có chạm nổi “Giác Viên” và “Giác Lâm” bằng Hán tự.

Thời kỳ “Pháp đánh chiếm Gia Định, các chùa cổ như Từ Ân, Khải Tường”, đều bị hư hoại. Riêng hai chùa Giác Viên và Giác Lâm do ở xa phòng tuyến nên còn nguyên vẹn.


Thời của Thiền sư Hải Tịnh, hoạt động Phật pháp của hai chùa được đẩy mạnh, ngoài vai trò là Phật học viện, đào tạo chư Tăng về Kinh điển, Giới luật ở “Giác Lâm và đào tạo ứng phú sư ở Giác Viên”, hai chùa còn là nơi khai mở “Trường hương, Trường kỳ”. Thông qua hoạt động của Thiền sư Hải Tịnh, Phật giáo Gia Định đã “giao lưu và ảnh hưởng” đến Phật giáo Trung bộ, cả ở miền Tây Nam bộ như chùa Phú Thạnh, Giang Thành, Viên Thành, đặc biệt là chùa Tây An (An Giang) , Thiền sư đã trụ trì cùng với Phật Thầy “Tây An một thời gian dài 7 năm cho đến ngày viên tịch”. Vào giai đoạn trụ trì của Thiền sư Hoằng Ân Minh Khiêm (1873 – 1903) , chùa Giác Lâm, “việc đào tạo về kinh điển và giới luật cho Tăng sĩ, còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, cho khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số sách Phật giáo, như tác phẩm bằng thơ lục bát dưới dạng chữ Nôm, tập Hứa sử vãn truyện ; chép tay kinh Pháp Hoa, tóm tắt lại bộ Luật Trường Hàng”, cũng là nơi tàng bản kinh sách Phật giáo. Một số sách Phật giáo cũng được các Hòa thượng trong chùa “chứng minh” trước khi in ấn. Truyền bá Phật pháp tại nhiều chùa ở “Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long, Hà Tiên” cũng được Thiền sư thực hiện.

Năm 1900, “Thiền sư Hồng Hưng Thạnh Đạo, thuộc đời thứ 40, đứng ra trùng tu lần thứ hai ngôi chùa Giác Lâm”. Lần trùng tu này thay đổi một số nét kiến trúc như: “xây rào, lót gạch ở chính điện, trang trí nền vách chùa bằng sành sứ. Tất cả đều sự suy tính của Thiền sư. Các bao lam tại chính điện cũng được chạm khắc vào giai đoạn này”.

Thời gian Pháp chiếm đóng Gia Định và Nam Kỳ, dù rằng đã có một số công trình kiến trúc Phật giáo bị phá hủy, nhưng đây lại là “thời kỳ có nhiều luồng văn hóa từ phương Tây được du nhập, đã có ảnh hưởng nhất định đến kiến trúc và phong cách nghệ thuật của chùa Giác Lâm trong lần trùng tu thứ hai này”[14].

Giai đoạn những năm 1939-1945, lần trùng tự chùa thứ ba cũng được tiến hành. Chủ yếu là việc xây lại vách chắn của chùa cho dày hơn (trước kia 20 cm, nay là 30 cm); xây thêm vòng rào thứ hai bên trong , chạm cần thêm các đĩa lên vách chùa; đặt lại vị trí một số bàn thờ ở nhà trai. Vị trí bàn thờ vọng hiện nay trước 1940 là liệu phòng của chư Tăng và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là nơi trú ẩn khả an toàn cho các thầy hoạt động cách mạng .

Sau khi Hòa thượng Hồng Hưng viên tịch (1946), theo di chúc lập sẵn, Thiền sư Nhựt Dần Thiện Thuận được giữ chức trụ trì chùa Giác Lâm. Thời gian này, một số Tăng sĩ ở chùa đã lên đường kháng chiến chống thực dân Pháp và để quốc Mỹ. Chùa là nơi nuôi chứa cán bộ, nơi hội họp của cấp ủy. Chùa có hầm bí mật đặt tại chùa Đức Lâm (hiện nay ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1953, Đại đức Narada từ Sri Lanka sang tặng cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một cây bồ đề và viên ngọc Xá lợi Phật. Văn phòng Giáo hội đặt tại chùa Giác Lâm. Xá lợi Phật do Đại đức Narada trao tặng cung nghinh vào Tổ đình Giác Lâm ngày 24-6-1953, cùng với cây bồ đề. Cây bồ đề được Ngài Narada đích thân đặt vào chậu hoa, khi cây lớn mới đem trồng trước sân chùa; đến nay (2019) đã 66 năm).

Xá lợi Phật đưa vào chùa làm lễ xong, sau đó được đưa về chùa Long Vân (quận Bình Thạnh hiện nay), vì lúc ấy chùa là trụ sở của hội Lục Hòa Phật Tử.

Trong thời gian chùa Giác Lâm trực thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Hòa thượng Thiện Thuận – trụ trì chùa Giác Lâm, là thành viên Hội đồng Viện Tăng thống (1971), là Viện trưởng Viện Hoằng đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (1972).

Để có nơi trang nghiêm xây tháp thở Xá lợi Phật, Hòa thượng Thiện Thuận đã cúng dường một mẫu đất trước sân chùa. Công cuộc xây dựng được tiến hành vào tháng 2-1970. Bảo tháp dự kiến đặt Xá lợi Phật và Linh vì tất cả chư tôn Hòa thượng Tổ sư tiền hiền quá vàng thuộc các tông phái Phật giáo, nên có tên gọi “Ngũ gia tông phái”. Lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 29-11-1970, xây tháp 7 tầng, Việc xây dựng tiến hành đến năm 1975 thì bị ngưng trệ Lúc ấy tháp chỉ đặt được nền móng của tầng trệt.

Sau khi Hòa thượng Thiện Thuận viên tịch, chùa Giác Lâm được Thượng tọa Huệ Sanh nối tiếp. Bằng oai nghi và đức độ khiêm tốn, điềm đạm của mình, Thượng tọa Huệ Sanh là tấm gương cho Tăng chúng noi theo. Kế thừa và tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của chư Tổ tiền bối, càng ngày ngôi đại già lam , Tổ đình Giác Lâm , dưới sự tổ chức của Thượng tọa Huệ Sanh, càng có nhiều hoạt động văn hóa – xã hội Phật giáo. Năm 1990, Thượng tọa đã phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thông tin, Phòng Văn hóa – Thông tin quận Tân Bình và chuyên gia nghiên cứu Phật giáo lập lại hồ sơ về ngôi Tổ đình Giác Lâm, đã tổ chức hội thảo khoa học tại chùa. Sau đợt lập lại hồ sơ, một số tình hình về sinh hoạt của chùa và tư liệu về chùa Giác Lâm từ ngày thành lập đến nay được lưu giữ trong hai quyển sổ lớn phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước.

Bài thơ ngũ ngôn cổ điệu do Trịnh Hoài Đức tặng Hòa thượng Viên Quang đã được trang trọng khắc mạ vàng trên 3 tấm sơn mài đặt trước bàn Tổ chùa vào tháng 8-1991. Việc trùng tu các ngôi tháp cổ, xây thêm hàng rào và tráng nền cho lối đi vào tháp cũng được Thượng tọa Huệ Sanh tiến hành vào năm 1992: từng bước giải tỏa các hộ dân đã chiếm đất chùa trong thời gian có chiến tranh (1968 – 1975); đem lại cho ngôi Tổ đình, một di tích lịch sử – văn hóa được Nhà nước công nhận ngày 16-11-1988, một phong cảnh mới mẻ.

Ngày 20-6-1992 , cuộn phim video giới thiệu về di tích cấp quốc gia này bắt đầu quay, và đưa in thành hai bằng Việt ngữ và Anh ngữ.

Một cuộc trùng tu nữa được tiến hành làm đẹp thêm cho di tích Quốc gia, Mái ngói chùa được đặt làm từ lò gạch Đồng Tháp theo đúng quy cách và chất lượng ngói cổ, làm lại diềm mái, quét vôi lại các tháp Tổ, thay mới một số sườn, rui bị hư, đặt thêm một số kính trên mái giúp thêm ánh sáng cho ngôi chỉnh điện và nhà trai.

Sau ngày giải phóng, tiếp nối truyền thống xưa cuối năm 1992, Thượng tọa cũng phối hợp với Ban Đại diện Phật giáo quận Tân Bình mở thường xuyên các buổi thọ bát quan trai vào chủ nhật hằng tuần, tạo điều kiện cho cư sĩ Phật tử làm quen dần với nếp sống Tăng già.

Ngày 17-4-1993, chùa Giác Lâm, lễ khởi công tái thiết bảo tháp Xá lợi được tiến hành, đến ngày 9-5-1994, lễ khánh thành và cung nghinh Xá lợi Phật đã được tổ chức trọng thể tại Tổ đình với gần 10.000 người tham dự.

“Là một di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia, chùa Giác Lâm đã được Cục Bảo vệ di tích hỗ trợ kinh phí nâng cấp trùng tu thường xuyên. Hằng năm, chùa đón nhận hàng triệu lượt du khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm bái, lễ Phật, nghiên cứu, tìm hiểu thêm về các mặt văn hóa, kiến trúc, lịch sử, phong cách nghệ thuật của các tượng tròn, phù điêu, bao lam, hoành phi, câu đối”. Chùa Giác Lâm góp phần làm sáng tỏ hơn nữa một kho tàng lịch sử – văn hóa ở Nam bộ.

3. Giá trị các câu đối chùa Giác Lâm

Câu đố mà gây sự chú ý đến với khách tham quan và giới nghiên cứu học thuật có lẽ là:

“朝 朝 朝 朝 朝 拜 朝 朝 朝 拜
齊 齊 齊 齊 齊 戒 齊 齊 齊 戒”

Cao Tự Thanh dịch:

“Người người chầu, người người bái, người người chầu bái
Thảy thảy trai, thảy thảy giới, thảy thảy trai giới”[15].

Mỗi cặp câu đối lặp lại 6 chữ “triêu”, 6 chữ “tề”, 2 chữ “trai”, 2 chữ ”giới”. Có tác dụng nhấn mạnh sự nghiêm trì giới luật của giới tu sĩ và có ý nghĩa chơi chữ. Về mặt giới luật, vị trí câu đối được treo nơi thích hợp để các vị tu sĩ mỗi khi tụng kinh, lên chính điện dễ dàng nhìn thấy. Câu đối được treo nơi bàn ngài hộ pháp đối diện với chính điện, khi lên chùa chúng ta rất dễ dàng tiếp cận được.

Một điểm nhấn ở câu đối này chính là chữ cuối hai câu đều mang thanh trắc; trong khi đúng ra phải là một trắc, một bằng; do đó cặp đôi buộc người đọc phải theo Hoa Hán, có thể đọc là:

“Chiêu chiêu chiều, chiêu chiếu pái, chiều chiêu chiều pái
Chài chài chái, chài chài cai, chài chài chái cai”.

Phần lạc khoản của vế trước câu đối có hàng chữ:

“Sắc tứ Kiển Phước tự trụ trì Trần Bảo Hương phụng cúng”, về sau là hàng chữ: “Tuế thứ Kỷ Dậu niên Giác Lâm tự lạc thành chi khánh”. Như vậy cặp đôi đã được trụ trì chùa Kiển Phước là Trần Bảo Hương tặng nhân dịp chùa Giác Lâm mừng lễ lạc thành trùng tu thứ hai (1909).

Ngay chính điện, hai bên tiền đường và thiêu hương có cặp đối:

“Đại hùng điện thường diễn tam thừa, chúc hoàng vương thánh thọ, nguyện quốc thái dân an.
Vạn pháp đài trung tuyên tử đế, báo Phật Tổ hồng ân kỳ phong điều vũ thuận an”.

Phần lạc khoản cặp đối ghi:

“Gia Long tam niên Giáp Tý thái tuế trọng đông kiết đán
Mộc Ân đệ tử thiện tín chúng đắng phụng cúng khấn bái”.

“Nhà Tổ, cặp đôi gợi lại cuộc sống, cảnh quan chùa Giác Lâm ở buổi đầu thành lập, hình ảnh của một ngôi chùa ẩn mình trong cây lá, thanh nhàn, Tu sĩ có mây trời làm bầu bạn”:

“Tự cố Tăng nhàn thường dẫn yên hà vi bạn lữ
Sơn thâm thế cách chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu”

Ở nhà trai, hai bên bàn Chuẩn Đề, cặp đối cho biết sự việc khai mở trường kỳ tại chùa vào năm 1922, sự tham gia giới đàn của Hội Lục Hòa Liên xã và chữ đầu của pháp danh 3 vị Tổ trong giới đàn:

“Từ Hải viên thông khỏi tam hoàng quang huy châu pháp giới.
Thanh phong Hoằng đạo khai thất tụ phổ thí độ nhân gian”.

Đặc điểm của liễn đối chùa Giác Lâm có 86 câu đối được treo dưới dạng liên hoặc khắc hẳn vào cột gỗ, tạo phần trang hoàng cho bên trong chùa. Ngoài ra tại cổng tam quan cũng có hai câu đối đắp nổi trên nền xi măng, do ông Huệ Chí đặt được phân chia theo như sau: “Hành lang 4 câu liễn, chính điện 16 câu đối khắc chìm và nổi (trong đó có 4 câu dạng liễn , gồm 2 khắc chìm , 2 khắc nổi , còn lại 12 câu đối khắc chìm vào cột ), nhà Tổ 22 câu đối (8 câu đối khắc chìm vào cột , 14 liễn khắc chìm) , nhà trai 20 câu (12 liễn khắc chìm , 8 câu đối khắc chìm vào cột ) nhà giảng giáo lý 24 câu đối (4 liễn khắc chìm , 4 câu đối khắc nối vào cột ở hành lang , 16 câu liễn khắc chìm)”[16].

Chất liệu được làm từ “bảng gỗ, nền đỏ, thếp chữ vàng . Câu đối khắc trên cột thường là dạng gỗ sao”.

“Kỹ thuật chạm khắc theo nhiều cách khác nhau. Tuy được khắc trên gỗ nhưng khắc tinh xảo, nét mộc, sắc. Lỗi khắc chìm da cá trên cột và liền . Ngoài ra còn có lỗi khắc nối trên cột và lên. Cột liền có dạng mặt bằng, khắc chìm trên liên dạng Cung treo vào cột”.

“Niên đại các câu khác nhau, do được hiển tăng nhân dịp chùa có các đại lễ: Trường hương, Trường Lý”. Chúng ta có thể căn cứ vào đó, có thể đoán được niên đại các câu đối một cách dễ dàng.

Câu đối ở chính điện được dựng nhân kỷ niệm ngày Lạc thành, kết thúc đợt trùng tu chùa lần thứ 2 năm Kỷ Dậu (1909).

Câu đối ở nhà Tổ được Lục Hòa Liên xà tặng nhân địp lễ Trường kỳ-năm Nhâm Tuất (1922). Các câu đối ở trai đường cũng do Lục Hòa Liên xã gửi tặng nhân dịp Trưởng kỳ năm 1922 do chùa Giác Lâm khai mở.

Phong cách nghệ thuật ảnh hưởng Trung Hoa, ngay trong bản thân chữ viết cũng như qua màu sắc làm nền của câu đối. Người Hoa cho rằng, màu đỏ thể hiện sự may mắn màu đen là màu của sự trang trọng. Hai màu sắc đen làm chủ đạo cho các câu đối. Một số câu đối treo tại các hàng cột gần nơi thờ tự chính trang trí thêm những phù điêu làm đường viền trang trí này vừa làm tôn lên nội dung vừa thể hiện một số chủ đề quen thuộc trong Phật giáo. Một đôi liền cẩn có ốc xà cừ thể hiện phong cách nghệ thuật ở triều Nguyễn.

“Giá trị lịch sử trong các câu đối được phân bố phù hợp với vị trí của nơi thờ tự cho thấy ngoài chức năng trang hoàng làm nền cho khung cảnh bên trong chùa, còn mang chức năng khác, góp phần thể hiện tư tưởng giáo lý, phương cách sống và hành đạo của chư tăng góp phần lớn vào việc tăng cường tính giáo dục. Nội dung còn cho thấy hoài bão của các tu sĩ Việt Nam, lúc nào cũng thực hành dựa trên căn bản giáo lý Đại thừa, trong đó sự tồn tại và phát triển của Phật giáo không đi ngoài sự tồn vong của đất nước và của dân tộc”. Những mong cầu cho “lợi lạc quần sinh” , “phong điều vũ thuận”, “quốc thái dân an” là chủ đề chính góp phần đem lại giá trị lịch sử về mới quan hệ gắn bó giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa (thờ cúng Thần Nông cầu mong mưa thuận gió hòa) đồng thời cũng là một đặc điểm “Phật giáo Nam bộ là một trong những bộ phận của Phật giáo Đông Nam Á”.

Bản thân các câu đối cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa ở Nam bộ và Việt Nam vào thế kỷ XVIII và XIX cũng như tư tưởng về giáo lý, lễ nghi và phương pháp tu học qua nội dung các câu đối. Còn xác định được niên đại một số “Trường Hương Trường kỳ khai mở tại; nêu lên một số nhân vật chủ trì trong các buổi lễ đó.”

Về mặt khoa học, các câu đối là một sử liệu quý giá về các giai đoạn lịch sử khác nhau, có liên quan đến con người sự kiện tố chức Hội Phật giáo, cũng thể hiện mối quan hệ sự kết hợp về tư tưởng trong bản thân Phật giáo với Khổng giáo.

Ý nghĩa về giáo lý của Phật giáo thể hiện qua nội dung các câu đối ngoài tinh thần Phật học giáo ý căn bản thể hiện phẩm hạnh cũng như khuyên nhủ, cuộc sống thanh tịnh, người ta còn thấy tinh thần của 5 bộ kinh căn bản của Phật giáo. Các bộ kinh này thể hiện 5 thời thuyết pháp của Phật Thích Ca trong 6 năm, gồm: “Hoa Nghiêm, A Hàm, Phường Đồng Bát Mi Và Pháp Hoa – Niết Bàn”. Hoa Nghiêm thể hiện trên các câu đối tại nhà Tổ “với tam thân viên hiển, Phật thừa là tối thượng. Tinh thần A Hàm thấm nhuần lời Phật dạy, trong cuộc sống thực tế, Phương Đằng chỉ rõ tâm tính phàm phu tu thành Phật đạo, đưa hàng nhị thừa lên nhất thừa. Bát nhã khai thị trí huệ giải thoát. Pháp Hoa – Niết Bàn khuyên giữ giới luật khai mở Phật tính của mình”[17]. Đó là giá trị thực sự của các câu đối tại ngôi chùa Giác Lâm mang lại cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của câu đối.

KẾT BÀI

Trải qua thời gian dài của chiều dài lịch sử nhưng đến nay chùa vẫn còn đọng lại trong mỗi người dân nơi đây một ngôi chùa ý nghĩa thân thiện, tạo nên sự gần gũi như thuở ban đầu dù cuộc sống ngày nay nhộn nhịp chạy theo cái lạ của xã hội. Chùa vẫn giữ nguyên cảnh quan đi kèm sự thanh tịnh cùng với các lớp học giáo lý nhẹ nhàng, chính nơi ngôi chùa đã đào tạo ra các bậc danh tăng vượt bậc mục đích là đi hoằng dương giáo lý Phật Đà. Ngoài ra, chùa cũng là nơi để chúng ta quay về nương tựa, chùa còn là quê hương của những người Minh Hương với những buổi đầu thành lập, các câu đối của chùa cũng lấy từ âm hán mà viết nên. Mang lại sự tương tác giữa các nền văn hóa với nhau chứ không chỉ riêng của Việt Nam chúng ta. Vào chùa chúng ta thấy được các chữ trong các câu đối chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của giá trị kinh điển bằng chữ Hán, chính những câu đối đó nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên trau dồi kiến thức cho chính bản thân mình để giải quyết những ý nghĩa quan trọng mà câu đối chứa đựng. Chứ không phải câu đối là câu đối, thật ra thường câu đối treo trong chùa cũng là một trong những phong tục của nhân dân ta. Các câu đối có sức hút rất lớn đối với giới học thuật nghiên cứu, khảo cổ ngày này. Bởi chính con chữ, chất liệu trong câu đối nói lên mỗi thời đại đó như thế nào, ngoài ra câu đối còn cung cấp cho chúng ta về mặt sử liệu, niên đại, lịch sử vô cùng ý nghĩa và quan trọng.

Thích Chúc Hòa – Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
———————

CHÚ THÍCH

[1] Trần Hồng Liên, “Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa”, Nxb khoa học xã hội, 2008, tr. 7.
[2] NguyễnTạo dịch, “Đại Nam nhất thống nhất chí, tập thượng Biên Hòa- Gia Định”, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 58-59.
[3] Huỳnh Hứa (chủ biên), “Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ”, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1897, tr. 49.
[4] Trần Hồng Liên, “Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa”, Nxb khoa học xã hội, 2008, tr. 9.
[5] Sđd, tr. 9.
[6] Ctsđd, tr. 9.
[7] Nguyễn Tạo dịch, “Đại Nam nhất thống nhất chí, tập thượng Biên Hòa- Gia Định”, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 96.
[8] Trịnh Hoài Đức, “Gia Định thành thông chí”, Phủ Quốc khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 89.
[9] Trần Hồng Liên, “Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa”, Nxb khoa học xã hội, 2008, tr. 12.
[10] Ctsđd, tr.12.
[11] Trịnh Hoài Đức, “Gia Định thành công chí, tập hạ”, tr. 90.
[12] Trần Hồng Liên, “Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa”, Nxb khoa học xã hội, 2008, tr. 13.
[13] Sđd, tr. 15.
[14] Sđd, tr. 17.
[15] Cao Phi Hồng, “về một câu đối độc đáo ở chùa Giác Lâm”, Tập văn hóa số 27, 1993, tr. 74-75.
[16] Sđd, tr. 142.
[17] Sđd, tr. 146.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm di tích lịch sử- văn hóa, Nxb khoa học xã hội, 2008.
2. Nguyễn Tạo dịch, Đại Nam nhất thống nhất chí, tập thượng Biên Hòa- Gia Định, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973.
3. Huỳnh Hứa (chủ biên), Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1897.
4. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Phủ Quốc khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét