29 thg 10, 2022

Bên trong thánh đường Hồi giáo duy nhất ở miền Bắc: Khám phá những điều bất ngờ

Trưa thứ 6 hàng tuần, hàng trăm tín đồ theo đạo Hồi lại đổ về thánh đường hồi giáo Al-Noor (Al-Noor Mosque) tại số 12 Hàng Lược, Hoàn Kiếm (Hà Nội) để hành lễ, cầu nguyện. Hiện ở Hà Nội có hơn 500 người ở các Đại sứ quán, người dân trên 20 nước và trên 100 người Việt theo đạo Hồi thường xuyên đến Al-Noor cầu nguyện.

12 giờ 30 trưa thứ 6 (ngày 10/4), tiếng cầu nguyện của hàng trăm tín đồ hồi giáo bắt đầu vang lên tại thánh đường hồi giáo Al-Noor (Al-Noor Mosque) tại số 12 Hàng Lược, Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Từng người bước vào bên trong thánh đường hồi giáo Al-Noor một cách lặng lẽ, họ tìm cho mình một chỗ trống để bắt đầu cầu nguyện.

Hôm nay, người hướng dẫn hành lễ tại thánh đường là Nasit. Mỗi ngày anh đều có mặt ở thánh đường từ rất sớm để chuẩn bị cho công việc hành lễ của các tín đồ.

Tọa lạc tại số 12 phố Hàng Lược, giữa trung tâm khu phố cổ Hà Nội, thánh đường Al-Noor là thánh đường Hồi giáo duy nhất của Hà Nội cũng như toàn miền Bắc.

Nasit sinh năm 1990, quê ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, anh sinh ra trong một gia đình có bố, mẹ đều theo đạo Hồi. Anh đã làm công việc người hướng dẫn hành lễ ở Thánh đường Hồi giáo Al-Noor được 3 năm.

Chia sẻ về nguồn gốc hình thành của Thánh đường Hồi giáo Al-Noor, Nasit cho biết, từ những năm đầu thế kỷ 19, các thương gia từ Ấn Độ và các nước Trung Đông đã đến miền Bắc Việt Nam để mua bán vải vóc và trao đổi tiền tệ. Những năm 1830, có khoảng 1.000 người Ấn ở khu vực Đông Dương. Họ là nhóm thương gia giàu có và nắm giữ thị phần lụa, vải vóc lớn.

Tại Hà Nội, nhóm người này sống tập trung ở khu Hàng Đào, (Hoàn Kiếm). Để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, năm 1885, nhóm cộng đồng người Ấn từ Bombay (nay là Mumbai, Ấn Độ) đã quyên góp tiền để dựng Thánh đường Hồi giáo Al-Noor.

Al-Noor trong tiểng Ả Rập nghĩa là Soi Sáng.

Công trình đã chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1890. Với diện tích khoảng 700 m², những nơi thờ phụng được xây dựng theo phong cách Hồi giáo điển hình.

Theo Nasit, Thánh đường Al-Noor đặt ở hướng tây để quay về hướng thánh địa Mecca linh thiêng của người Hồi giáo. Mỗi chi tiết kiến trúc đều là những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Islam, đặc biệt là ảnh hưởng kiến trúc Ấn Độ như mái vòm, cửa vòm, tháp nhọn…

Khuôn viên thánh đường Al-Noor rộng khoảng 700 m², 300 người có thể hành lễ cùng một lúc.

Hiện, Al-Noor là thánh đường Hồi giáo duy nhất ở Hà Nội và miền Bắc. Hàng ngày vẫn có những tín đồ đến đây để cầu nguyện nhưng đông nhất sẽ vào ngày thứ 6.

"Thứ 6 là ngày lễ chính trong tâm linh của người Hồi giáo. Vào ngày này, họ sẽ đội mũ tròn trên đầu, mặc trang phục truyền thống và đến Thánh đường để cầu nguyện" - Nasit chia sẻ.

Các công trình của thánh đường được sơn màu trắng – màu của ánh sáng – phù hợp với tên gọi thánh đường Soi Sáng.

Bệ đá nơi Imam (chủ lễ) thực hiện những nghi thức tôn giáo vào sáng thứ 6 hàng tuần. Hiện nay, Imam của thánh đường Al-Noor là anh Nasit tới từ An Giang, anh cũng là trưởng ban quản lý tại đây.

Nasit chia sẻ, hiện nay ở Hà Nội có trên 500 tín đồ Hồi giáo, bao gồm các quan chức ngoại giao và các doanh nhân đến từ trên 20 quốc gia cùng với đó trên 100 người Việt theo Hồi giáo thường xuyên đến Thánh đường Al-Noor để cầu nguyện.

"Thánh đường Al-Noor có sức chứa khoảng 200 người đến cầu nguyện, nếu tính cả sân bên ngoài là 300 người. Các vị đại sứ đến đây hành lễ cũng bình đẳng như bao tín đồ đạo Hồi khác. Ai đến sớm sẽ được vào sảnh bên trong cầu nguyện, ai đến muộn phải chấp nhận hành lễ ngoài sân" - Nasit cho hay.

Các tín đồ trải thảm cầu nguyện từ ngoài sân của Thánh đường Al-Noor.

Khi hành lễ, thông thường các nhà ngoại giao đọc kinh Qu'ran bằng tiếng Ả Rập, tuy nhiên cũng có nhiều người không biết tiếng Ả Rập thì đọc theo tiếng bản ngữ của họ, trong đó có cả tiếng Việt cho những tín đồ là người Việt Nam.

Vào tháng Ramadan (khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 âm lịch, tính theo tuần trăng) tín đồ Hồi giáo tại Hà Nội sẽ tập trung về thánh đường Al-Noor nhiều nhất trong năm. Bên cạnh hoạt động về tôn giáo, thánh đường còn là nơi giao lưu của cộng đồng đạo Hồi.

Theo Nasit, người Hồi giáo có quy định hành lễ 5 lần mỗi ngày, dù đang ở bất kỳ nơi nào. Việc đến thánh đường hành lễ vào ngày thứ 6 linh thiêng không hoàn toàn bắt buộc, song nếu ở trong bán kính dưới 30 km, các tín đồ vẫn thường đến cầu nguyện.



Thánh đường có một bộ sưu tập phong phú các loại kinh sách, tranh ảnh được đưa đến từ các nước Hồi giáo.


Vào ngày thứ sáu hàng tuần, các tín hồ Hồi giáo sẽ đến Thánh đường Al-Noor cầu nguyện đông nhất.


Người theo đạo Hồi không khuyến khích phụ nữ đến thánh đường, nhưng Thánh đường Al-Noor vẫn bố trí một phòng hành lễ cho phụ nữ, cách biệt bởi những tấm vải lớn tạo không gian riêng biệt.

Quản lý và trông coi Thánh đường Al-Noor hiện nay là ông Đoàn Hồng Cương, một người Việt gốc Pakistan. Ông đã gần 70 tuổi và nối nghiệp cha (người Pakistan) trông coi ở đây đã gần 30 năm.

Ông Cương chia sẻ: "Thượng đế là vô hình với những người bình thường, hữu hình với những người có lòng tin. Điều quan trọng với các tín đồ là luôn luôn tin tưởng và đặt lòng tin vào Thượng đế".

Theo ông Cương, Thánh đường Al-Noor đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Vào những năm 1964 – 1973, Thánh đường đã phải đóng cửa vì chiến tranh. Tuy nhiên, may mắn là Thánh đường lại chưa một lần bị bom đạn tàn phá.

Mỗi chi tiết kiến trúc của thánh đường mang những dấu ấn đặc trưng của văn hóa Hồi giáo Ấn Độ, thể hiện qua mái vòm, cửa vòm, đặc biệt là tòa tháp nhọn cao vút.

Các công trình của thánh đường được sơn màu trắng – màu của ánh sáng – phù hợp với tên gọi thánh đường Soi Sáng.

Căn phòng này hướng về phía Tây, hướng của thánh địa Mecca linh thiêng của người Hồi giáo.

Bên cạnh hoạt động về tôn giáo, thánh đường còn là nơi giao lưu, chia sẻ về công việc, cuộc sống của cộng đồng đạo Hồi sinh sống ở Hà Nội.

Minh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét