15 thg 10, 2022

Trăm năm mảnh đất cù lao Bình Thủy

Là xã cù lao của huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), Bình Thủy mang giá trị văn hóa truyền thống từ thời mở đất. Nơi đây đang từng ngày đổi thay với diện mạo một xã nông thôn mới (NTM), hướng tới mục tiêu trở thành đô thị ven sông trù phú.

Xã Bình Thủy bình yên nép mình bên xép Năng Gù

Văn hóa trăm năm


Theo Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật đình thần Bình Thủy, cù lao Bình Thủy xưa kia có tên gọi Bình Lâm thôn. Đây là một trong những thôn được hình thành sớm nhất trên địa bàn huyện Châu Phú, cùng với Bình Thạnh Tây, Mỹ Đức. Quá trình khai hoang, mở đất trên xứ cù lao gắn chặt với tên tuổi vị tiền hiền Dương Văn Hóa, người có công khai khẩn và quy tụ người dân đến định cư tại Bình Lâm thôn mấy trăm năm trước.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thủy Trương Phương Tùng nhấn mạnh: “Với quá trình định cư lâu dài trên mảnh đất cù lao, thế hệ cha anh đã để lại truyền thống văn hóa đặc sắc mà chúng tôi đang cố gắng kế thừa, gìn giữ. Trong đó, phải kể đến giá trị tín ngưỡng tâm linh cùng những lễ hội mang đậm dấu ấn thời mở đất còn lưu giữ đến ngày nay. Với người dân địa phương, Lễ hội Kỳ yên đình thần Bình Thủy vào các ngày mùng 9, 10 và 11/5 (âm lịch) là sự kiện văn hóa đặc sắc nhất trong năm. Đây là dịp để mọi người thắp nén hương tưởng nhớ công đức tiền nhân, cầu nguyện quốc thái dân an và mọi chuyện được hanh thông trong cuộc sống”.

Theo ông Tùng, cứ đến Lễ hội Kỳ yên đình thần Bình Thủy thì người dân Bình Thủy lại tự quét dọn đường sá, phát dọn cây cối quang đãng để “nghinh thần”. Đoàn thỉnh sắc thần sẽ đi một vòng quanh đất cù lao, nên người dân cũng chuẩn bị nghênh đón nhằm thể hiện lòng biết ơn Thành Hoàng và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ vùng đất cù lao trù phú này. Có những gia đình còn lập hương án, thực hiện nghi lễ rất long trọng để cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đạo an vui.

“Đặc sắc nhất trong Lễ hội Kỳ yên đình thần Bình Thủy là hội đua thuyền truyền thống. Đây là hoạt động thể thao được duy trì qua nhiều thế hệ và trở thành “thương hiệu” cho Bình Thủy mấy chục năm qua. Sự kiện thể thao này thu hút hàng chục đội thuyền trong, ngoài xã tham dự, có cả những đơn vị từ tỉnh Kiên Giang, TP. Cần Thơ đến giao lưu, tạo nên không khí vô cùng hấp dẫn. Trong những ngày này, hầu như người dân Bình Thủy đều gác lại chuyện sản xuất - kinh doanh và quy tụ về mái đình thiêng liêng, dưới bóng những cây cổ thụ già nua để cùng tưởng nhớ công ơn tiền nhân, cũng như tham gia cổ vũ cho các đội thuyền hăng hái tranh tài” - ông Tùng thông tin.

Ngoài đua thuyền, Lễ hội Kỳ yên đình thần Bình Thủy còn có các trò chơi dân gian và hoạt động múa mọi rất độc đáo, tạo nên dấu ấn riêng thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham gia, mang đến không khí vui vẻ, hào hứng trong dịp lễ hội sôi động nhất của xứ cù lao.

Hội đua thuyền, hoạt động văn hóa – thể thao đặc sắc trong Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy hàng năm

Nỗ lực chuyển mình

Bên cạnh truyền thống văn hóa đặc sắc, Bình Thủy còn là xã NTM của huyện Châu Phú. Với mục tiêu tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển, cả hệ thống chính trị và người dân Bình Thủy đang chung tay duy trì các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM. Đồng thời, xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

“Đảng ủy, UBND xã Bình Thủy xác định hướng phát triển của địa phương trong những năm tới là duy trì vùng chuyên canh rau màu, kết hợp phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp. Song song đó, sẽ xây dựng khu vực đô thị ven sông ở ấp Bình Hòa, Bình Yên với các dịch vụ, hoạt động thương mại sầm uất, trở thành điểm nhấn đặc biệt của xã cù lao. Đó sẽ là nền tảng để Bình Thủy chuyển mình, trở thành một phần trong trục đô thị của huyện Châu Phú trong tương lai” - ông Trương Phương Tùng cho hay.

Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng ủy, UBND xã Bình Thủy đang từng bước nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Cụ thể, địa phương đã đầu tư nâng cấp tuyến đê Mương Chùa với chiều dài 2,1km, tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây là tuyến giao thông nội đồng kiên cố, với chiều rộng mặt đường hơn 5m, phục vụ đắc lực nhu cầu sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân địa phương. Ngoài ra, tuyến đường giao thông chính của xã cũng được huyện cho chủ trương đầu tư để nâng cấp trong những năm tới, nhằm tạo sức bật cho kinh tế - xã hội xứ cù lao.

UBND xã Bình Thủy hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) chế biến nông sản Như Bình, với vốn điều lệ hơn 8 tỷ đồng. Mục tiêu của HTX là thu mua nông sản của nông dân, chế biến và cung cấp cho những thị trường tiềm năng trong, ngoài tỉnh. “Trước mắt, HTX sẽ thực hiện chế biến một số loại nông sản của địa phương, như: Xoài, vỏ bưởi, củ cải trắng… để đưa ra thị trường. Sau đó, sẽ từng bước hướng tới các loại nông sản khác nhằm giúp nông dân gỡ khó về đầu ra, bảo quản nông sản và tạo ra những sản phẩm chế biến đặc trưng của địa phương.

“Dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân, xã Bình Thủy sẽ tiếp tục giữ vững, nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM. Xã nỗ lực phát huy thế mạnh vùng chuyên canh rau màu kết hợp dịch vụ du lịch, nâng chất hạ tầng giao thông để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đồng thời, tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa trăm năm trên mảnh đất cù lao Bình Thủy” - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thủy Trương Phương Tùng khẳng định.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét