16 thg 10, 2022

Chuyện nữ anh hùng Neáng Nghés

Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Neáng Nghés đã hy sinh từ 60 năm trước, khi chị tròn đôi mươi. Nhưng với người dân xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), chị sống mãi cùng phum sóc, cùng Tha la Păng-xây, cánh đồng phum Chông Khsách nơi xứ mình…


Xã Ô Lâm có hơn 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Trong chiến tranh, nhân dân Ô Lâm kiên cường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, bất khuất, trong đó có nữ anh hùng Neáng Nghés.


Khu tưởng niệm nữ liệt sĩ Neáng Nghés được đầu tư xây dựng khang trang hơn 5 tỷ đồng, là “địa chỉ đỏ” cho huyện Tri Tôn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung về truyền thống cách mạng hào hùng ở vùng Bảy Núi, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa 2 dân tộc Kinh – Khmer.


Tấm bia trong khu tưởng niệm tóm tắt 20 năm ngắn ngủi mà đầy anh dũng của người con gái dân tộc thiểu số Khmer ấy. Mới 18 tuổi thôi, chị đã đóng vai trò nòng cốt, đi đầu ở địa phương trong đấu tranh trực diện với kẻ thù. 2 năm sau đó, khi đi làm nhiệm vụ, chị bị địch bắt về đồn Tha la Păng-xây, bị tra khảo, hành hạ dã man. Chị vẫn một dạ trung kiên với cách mạng, dùng sự hy sinh của mình để cứu sống quê hương.


Ngày 15/3/1962, người con gái ấy mãi mãi nằm lại với đất mẹ, sau khi bị địch xử tử. Chị được Huyện ủy Tri Tôn tổ chức lễ truy điệu, công nhận là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam; là phụ nữ dân tộc thiểu số Khmer duy nhất trong tỉnh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Bà Neáng Neth (71 tuổi) hiện phụ trách quét dọn khu tưởng niệm, ngày ngày chăm sóc, nhang khói cho nữ liệt sĩ. Bà chia sẻ: “Tôi làm công việc này là vì cảm phục lòng dũng cảm của chị Neáng Nghés. Mong sao thế hệ trẻ trong phum, sóc hiểu rõ về tấm gương chị, càng thêm yêu quê hương mình...”.

Năm tháng trôi qua, hòa bình trở lại. Nhân dân xã Ô Lâm anh hùng từng bước thoát khỏi đói nghèo, học sinh được đến trường, đời sống mỗi gia đình ngày thêm ổn định. Xung quanh khu tưởng niệm Neáng Nghés là không gian sống đầy màu sắc, nên thơ của nông thôn mới.

Cuộc sống yên bình hiển hiện trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi con đường ở phum, sóc dưới chân núi Cô Tô. Chiến trường khốc liệt hứng chịu bao bom đạn của kẻ thù giờ đây đã được thay thế bởi những cánh đồng lúa xanh tươi, hàng cây thốt nốt vươn mình, mang đến hương vị ngọt ngào.

Hàng ngày, học sinh thường ghé khu tưởng niệm để ngắm cảnh, vui chơi trước khi về nhà. Các em khó hình dung ra khói lửa chiến tranh ngày trước, nhưng lại cảm nhận rất rõ hạnh phúc của hòa bình hôm nay.


Khu tưởng niệm Neáng Nghés cũng là không gian sinh hoạt cộng đồng đầy sôi động mỗi khi đến ngày lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer địa phương. Lời tri ân thiết thực, ý nghĩa nhất của đời sau dành cho nữ anh hùng Neáng Nghés chính là nỗ lực xây dựng quê hương, cùng hướng về tương lai tươi đẹp.

KHÁNH ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét