10 thg 10, 2022

Ngôi đền lưu giữ nhiều tượng Phật cổ bậc nhất Nghệ An

Tồn tại qua hàng trăm năm, Tuần Thiện Đàn hay còn gọi là đền Thiện ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) đang lưu giữ một hệ thống tượng cổ đa dạng, đặc sắc có giá trị nhiều mặt về lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo...

Tuần Thiện Đàn được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, trên một khu đất cao ráo ở làng Lý Nhân xã Tiên Lý, nay là xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Trước đây, khuôn viên của đền rộng, cảnh quan thoáng đãng. Nay, khuôn viên đền Thiện khá chật hẹp và bị "bao vây" giữa một vùng quê phát triển, nhà cửa chen chúc. Ảnh: Huy Thư

Cũng như nhiều Thiện đàn khác ở Nghệ An, đền Thiện đề cao tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo), biểu hiện rõ nhất trong việc thờ tự, đặc biệt là hệ thống tượng pháp. Tượng cổ đền Thiện khá phong phú, đa dạng về loại hình (Phật, tiên thánh, thần, người hầu), kiểu dáng (ngồi, đứng, cưỡi) kích thước( to, nhỏ, cao, thấp), chất liệu (gỗ, đồng...). Ảnh: Huy Thư

Trong gần 40 pho tượng cổ, số lượng tượng phật chiếm hơn 1/3, bao gồm tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Tượng Quan Thế Âm bồ tát... Trên 3 bàn thờ ở trung điện đền Thiện thờ 3 bộ tượng Tam thế. Mỗi bộ tượng mang một kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Bộ tam thế thờ ở giữa có kích thước lớn nhất, tạc hình đức Phật theo thế ngồi tọa thiền trên đài sen với vẻ đẹp phúc hậu, được sơn son thiếp vàng. Ảnh: Huy Thư

Theo ban quản lý di tích đền Thiện, khởi thủy, Tuần Thiện Đàn được xây dựng để thờ Quan Thánh Đế Quân. Về sau phối thờ các vị thần thuộc đạo giáo. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các đền, chùa, miếu mạo, nhà thánh trong vùng bị phá hủy (như đền Cả, đền Đệ Nhất, đền Đệ Nhị, đền Bản Cảnh, Chùa Tiên Sơn, chùa Quýnh, nhà thánh Lý Nhân...), nhân dân đã rước các vị phật, thánh, thần, như Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tứ Vị Thánh Nương, Sát Hải Đại Vương, Bản Cảnh thành hoàng, thần Nhủi, cá Ông, chư Phật, chư vị Thần Tiên, Khổng Tử… về hợp tự tại đây. Ảnh: Huy Thư

Ông Trần Đình Chuyên - Phó ban quản lý Di tích đền Thiện cho biết, tượng cổ ở đền chưa xác định rõ được niên đại chế tác cụ thể, nhưng căn cứ vào chất liệu, kiểu dáng tượng, nước sơn... có thể khẳng định tượng đã tồn tại hàng trăm năm. Phần lớn các pho tượng được chế tác vào thời Hậu Lê, có tượng được cho là có từ thời Lý, Trần. Trong ảnh: Tượng Ngọc Hoàng thượng đế thờ tại đền Thiện. Ảnh: Huy Thư

Tại đền Thiện có nhiều cặp tượng đối xứng nhau, đặc biệt là cặp tượng Quan Ông mang dáng dấp của bồ tát Văn Thù và bồ tát Sư Lợi đang cưỡi voi, cưỡi sư tử khá độc đáo. Ảnh: Huy Thư

Hệ thống tượng cổ của đền Thiện được tác khắc đẹp với những đường nét mềm mại, uyển chuyển, thể hiện sự tài hoa, tinh túy của nghệ thuật dân gian. Mỗi pho tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Từ vóc dáng, khuôn mặt, ánh mắt, khóe môi, cử chỉ, trang phục... đều toát lên những vẻ đẹp thánh thiện, gần gũi, đậm chất Á Đông. Ảnh: Huy Thư

Tuần Thiện Đàn được xem là một trong những di tích còn lưu giữ hệ thống tượng pháp, tượng Phật cổ nhiều bậc nhất ở Nghệ An. Trong ảnh: Cặp tượng nữ nhân "độc lạ" với trang phục giống nhau được thờ ở đền Thiện. Ảnh: Huy Thư

Tại đền Thiện, bên cạnh những pho tượng cao lớn từ 1,2 - 1,4 m còn có những pho tượng nhỏ, chỉ cao tầm 15 - 20 cm, nhưng được tạo tác khá công phu. Trong số những pho tượng mang kiểu dáng lạ ở đền Thiện, tượng "Mẹ bồng con" là một pho tượng độc đáo. Nhiều người cho rằng đây là hình ảnh đẹp của tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát.. Ảnh: Huy Thư

Ngoài tượng pháp, tại đền Thiện còn lưu giữ nhiều đồ tế khí cổ kính như long ngai, bài vị, câu đối, đại tự, bia đá... Trong ảnh: Bia Văn hội làng Lý Nhân “Lý Nhân Văn hội bi” được tạc bằng đá xanh là 1 hiện vật quý. Đây là tấm bia cổ, nội dung văn bia bằng chữ Hán khắc tên những người đậu đạt của làng Lý Nhân từ thời Trần đến thời Nguyễn. Tuần Thiện Đàn đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Huy Thư

Huy Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét