23 thg 10, 2022

Tục phát rẫy của người Ca Dong

Đến bây giờ, người Ca Dong ở miền Tây Quảng Ngãi, cũng như đồng bào ở miền núi đã không còn gieo nhiều lúa rẫy. Việc canh tác lúa nước dần thay thế lúa rẫy truyền thống. Nhưng dẫu có thay thế bằng một phương thức sản xuất mới, thì trong truyền thống và cả đến bây giờ, người Ca Dong vẫn thực hiện những nghi lễ gắn liền với vòng đời cây lúa rẫy, trong đó có các nghi thức khai thác rẫy.

Dấu “hakép” trên những mảnh rừng và giấc mơ

Khi nghe có tiếng chim “Teorơweo! Teorơweo!”, người Ca Dong biết đã hết Tết (Ốh Karế), bắt đầu sang tháng Một. Mọi gia đình trong plây chuẩn bị đi làm vroong - tỉa bắp rala. Việc tỉa bắp không hề vội vã, lai rai đến chừng vài tháng trên rẫy cũ. Không phải một loại bắp mà người Ca Dong tỉa nhiều loại bắp khác nhau.

Đến khi nghe tiếng chim kêu “Cúc cu! Kích cù!” là người Ca Dong biết phải đến quây quần bên nhà kră cùng uống nước chè, cùng ăn thuốc, ăn trầu để bàn hướng đi tìm rẫy cho mùa lúa mới. Bởi lúc này đã là đầu tháng Ba.

Mảnh rừng mà người Ca Dong lựa chọn không phải là rừng già, mà là một trong những khoảnh rừng họ từng trồng trọt, rồi bỏ hoang chừng 20 năm trước. Trong 20 năm ấy, rừng đã kịp tái sinh, muôn thú đã về sinh sống.

Tại khoảnh rừng cũ này, người chủ làng sẽ chọn mảnh đất ở giữa, rồi lấy cây làm dấu “hakép”, sau đó mọi thành viên trong làng sẽ chọn những vị trí đất tiếp theo, quanh đất của chủ làng, rồi làm dấu “hakép” của từng khoảnh rừng của họ.

Mảnh đất chủ làng (kră) lớn nhất, ở vị trí trung tâm, các mảnh đất của các thành viên khác trong làng to nhỏ tuỳ vào vị trí, giới hạn khu đất, hoặc số lượng thành viên trong gia đình. Không ai tranh giành diện tích hay vị trí đất đai, dù ranh giới của mỗi khoảnh đất chỉ bằng những gốc lồ ô hay một gốc cây khác nào đó.

Lúa rẫy của người Ca Dong ở Sơn Mùa (Sơn Tây). ẢNH: ĐINH KIM THY

Sau khi lựa chọn được từng khoảnh đất, chủ làng cùng ông chủ các gia đình khác sẽ khấn thần T’trook, thần Wing, thần rừng, thần Yang Te Nẻh, cho một năm lúa đầy chòi, bắp đầy giàn, không bị thú rừng quấy phá...

Nếu đêm đó mà ông chủ gia đình nào nằm mơ thấy sông nước êm đềm, thấy buồng cau, hay một phụ nữ đẹp... thì đó sẽ là nơi trồng tỉa được mùa, nhưng nếu mơ thấy lũ lụt, đất lở, lửa cháy, người chết... thì ngày hôm sau chủ làng sẽ tìm cho họ khoảnh đất khác, kể cả đất chủ làng. Khi mọi giấc mơ đều êm đẹp, khi giò gà đã “báo hiệu” những điều thuận lợi, công việc phát rẫy (lăm muih yet) sẽ bắt đầu.

"Rẫy phép" và rẫy chủ làng

Trước khi đi phát rẫy cho làng, kră sẽ cử hai thanh niên khỏe mạnh đi phát “rẫy phép”. Hai thanh niên sẽ mang 2 ống cơm lam, làm bằng lúa padhăm mùa trước - tức lúa thiêng, thịt chuột, cá nướng, cùng với rìu, rựa lên núi.

Tại khoảnh rừng mà người Ca Dong đã chọn để phát rẫy, họ sẽ phát một chòm chừng 20 m², rồi nói giữa đại ngàn rằng: “Kră và cả làng “ưu tiên” phát cái rẫy này là để cho chim, chuột, dúi, chồn, cheo, nai, heo rừng...

Phần rẫy còn lại là của con người. Chim, chuột, cheo, chồn, heo rừng không được phá rẫy của con người”. Sau ngày phát "rẫy phép" đó, người trong làng sẽ tự giác tập trung tại nhà chủ làng để cùng đi phát cho rẫy chủ làng trước. Để đáp lại tấm lòng của những người trong làng, người chủ làng sẽ làm một bữa racung, tức phải lo hai bữa cơm trưa và tối cho những người đi phát rẫy.

Trong đời sống xã hội của người Ca Dong, người trong làng đi làm cho chủ làng luôn là một sự tự nguyện, bởi không chỉ vì trách nhiệm đối với người có uy tín nhất trong làng, không chỉ phải gìn giữ tôn ti trật tự của xã hội cổ truyền được trao truyền từ nhiều thế hệ, mà họ còn biết rằng, khi nào trong làng có gia đình nào đói kém, thì chính chủ làng là người có trách nhiệm phải “cứu” họ.

Sau khi phát rẫy cho chủ làng về, những người đi phát rẫy sẽ tập trung tại nhà chủ làng tiếp tục ăn cơm, uống rượu cần, chơi chiêng, hát ca lêu... Những ngày hôm sau, các hộ trong plây tiếp tục đi phát rẫy - nơi họ đã làm dấu “hakép”. Để phát dứt diểm từng khoảnh rừng, họ tự đổi công cho nhau.

Đốt rẫy và vài nghi lễ

Rẫy phát xong, người Ca Dong sẽ bỏ cho cây lá héo khô trong chừng nửa tháng rồi mới tính chuyện đi đốt rẫy. Trong lúc chờ cây lá héo khô, chủ làng sẽ kêu gọi các thành viên trong làng đi sửa máng nước.

Đó là máng nước từng được kéo từ rừng về vào thuở lập làng cùng lời cầu khấn Yă Cô Yă Vươi trộn lẫn trong nguồn nước mạch. Bởi đó là nguồn nước thiêng, chảy theo ống nứa vào làng. Mà khi đã xem là thiêng thì con người mới biết bảo vệ. Cả rừng thiêng cũng thế, đó là lẽ đương nhiên.

Sau khi sửa xong máng nước, thì đi đốt rẫy. Người Ca Dong đốt rẫy ngược - đó là một kinh nghiệm dân gian có từ lâu đời. Đốt ngược là đốt từ trên xuống, tức từ cao xuống thấp. Cách đốt này sẽ tránh lửa cháy bén từ dưới lên. Ở phía bìa rừng người Ca Dong cũng sẽ phát một rãnh đất trống chừng dăm sải tay.

Cả làng cùng đi phát rãnh. Nhờ rãnh đất trống đó mà lửa không cháy lan sang những khu rừng bên cạnh. Nhỡ ai vô tình làm lửa cháy lan, thì phải chịu phạt một con heo cho làng. Tùy đám lửa cháy lan thế nào thì làng sẽ quy định cúng heo phù hợp.

Câu chuyện phát rẫy của người Ca Dong ở miền Tây Quảng Ngãi ẩn chứa một tri thức bản địa cùng nhiều nghi lễ đặc trưng tộc người. Rừng xưa còn khá nguyên vẹn, có lẽ cũng nhờ cách phát rẫy như thế này. Với họ, rừng luôn thiêng liêng, con người là một bộ phận của rừng, nên phải thực hiện nhiều nghi lễ với rừng.

Và có lẽ, nhờ những nghi lễ đó mà người Ca Dong đã không phá rừng già, để cho rừng kịp tái sinh, không tranh giành đất đai, nghiêm ngặt trong đốt rẫy, luôn bảo vệ nguồn nước... Mặt khác, với cách ứng xử với rừng như vậy nên xóm làng luôn gắn bó với nhau, từ thưở xa xưa đến tận bây giờ.

NGUYỄN ĐĂNG VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét