12 thg 10, 2022

Nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ (Hà Nội): Bài thánh ca trù phú bên dòng sông Hồng

Nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) được xây dựng cách đây gần 100 năm, với lối kiến trúc độc đáo, vừa mang nét đẹp của phương Tây, vừa gợi nét kiến trúc phương Đông cổ kính. Nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ ví như bản thánh ca trù phú bên dòng sông Hồng.

Nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ tọa lạc ở thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội. Hiện nay, giáo xứ Cẩm Cơ có 4 họ lẻ là Nội Thôn, Phú Mỹ, Vĩnh Lộc và Tự Nhiên, với số giáo dân là gần 1.500 người.

Vẻ đẹp bên ngoài của nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ. Ảnh: Bình Minh

Vùng đất Cẩm Cơ xưa kia chỉ là một vùng đầm lầy. Trải qua thời gian khai hoang phục hóa của các vị tiền nhân, vùng đất Cẩm Cơ ngày nay đã trở thành mảnh đất trù phú màu mỡ có sông lớn, đê cao, ruộng đồng ngày càng được mở rộng. Người dân Cẩm Cơ chủ yếu sống bằng việc canh tác nông nghiệp và trồng cây cảnh. Những con đường chạy quanh thôn Cẩm Cơ hiện đã được đổ bê tông mới, khang trang đẹp đẽ.

Phía bên trong của nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ. Ảnh: Bình Minh

Ông Nguyễn Xuân Lộc (84 tuổi), nguyên Trưởng ban hành giáo, Giáo xứ Cẩm Cơ kể rằng, năm 1920, nhà thờ được dựng bằng tre, lợp bằng lá để làm nơi thờ phượng và sinh hoạt.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, một trong những giáo dân có nhiều kỷ niệm, gắn bó với sự thay đổi của nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ. Ảnh: Quang Minh

Đến năm 1927, các giáo dân đã đồng lòng xây dựng ngôi nhà thờ bằng gạch, lợp ngói có tổng diện tích là 192 m², trong đó chiều dài là 24 m, chiều rộng là 8 m, và ngọn tháp cao 17 m. Những ngày cuối tuần, giáo dân thường đến nhà thờ hành lễ.

Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, vào ngày cuối tuần, các giáo dân thường đến nhà thờ hành lễ rất đông. Ảnh Bình Minh.

Trải qua thời gian, nhà thờ đã bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh Mỹ và Pháp, nhiều hạng mục của nhà thờ bị rạn nứt và hư hỏng. Cũng nhiều lần Giáo phận, giáo xứ và cộng đoàn giáo dân trong vùng đã trùng tu sửa chữa, nhưng vẫn không bảo đảm an toàn cho các buổi cử hành phụng vụ.

Bức tranh được treo trang trọng phía bên trong nhà thờ. Ảnh: Bình Minh

Cũng vì vậy, ngày 13/5/2012, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Fa-ti-ma, Cha An-tôn đã chủ sự thánh lễ cầu bình an, khởi công xây dựng nhà thờ, với chiều dài là 41,02 m; chiều rộng 13,03 m và tổng diện tích bao gồm cả hai cánh thánh giá là 580 m²; hai tháp của nhà thờ cao 38 m. Đến năm 2016, nhà thờ được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hai bên hành lang nhà thờ được đặt những giỏ hoa tươi đẹp. Ảnh Bình Minh

Nhà thờ được xây theo lối kiến trúc Pháp, vừa mang nét đẹp của phương Tây, vừa gợi nét kiến trúc phương Đông cổ kính. Bên trong nhà thờ là thánh đường, khu vực dành cho việc hành lễ. Phía trên là mái vòm uốn lượn, được sơn màu trắng toát lên vẻ uy nghiêm, trang trọng. Các hàng ghế màu nâu được xếp ngay ngắn.

Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo. Ảnh: Bình Minh

"Kinh phí để xây dựng nhà thờ chủ yếu do các nhà hảo tâm quyên góp, bà con chỉ đóng góp một phần nhỏ. Việc xây dựng nhà thờ là một quá trình rất dài, tốn rất nhiều công sức tiền của. Tuy nhiên, bà con giáo dân vẫn luôn đồng lòng ủng hộ, quyên góp để để ngôi thánh đường xứ Cẩm Cơ sớm được hoàn thành như mong muốn", ông Lộc chia sẻ.

Cha xứ của nhà thờ là Antôn Phạm Văn Dũng (người đeo kính). Ảnh: Bình Minh

Ông Lộc cho biết, hiện nay, bà con thường ra nhà thờ hành lễ vào lúc 19h tối hàng ngày. Còn đối với những ngày lễ lớn trong năm như ngày Lễ Phục Sinh, đêm Giáng Sinh… các giáo dân thường đến rất sớm tham gia các buổi hành lễ.

Tượng thánh phía trong nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ. Ảnh Bình Minh.

Năm 2020- 2021, là một năm có diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tuy nhiên, bà con giáo xứ Cẩm Cơ chấp hành tốt chủ trường của Đảng và Nhà nước, không có giáo dân vi phạm quy định pháp luật. Trong thời điểm Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 15, 16, bà con giáo dân ở nhà, không đến nhà thờ hành lễ.

Giáo dân lau dọn phía bên trong nhà thờ. Ảnh Bình Minh.

"Đạo thiên chúa đã giúp chúng tôi hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, sống sao cho tốt đời đẹp đạo. Chúng tôi cũng như các giáo dân khác luôn chấp hành tốt chủ chương chính sách của Nhà nước.

Nhà thờ được xây theo lối kiến trúc Pháp, vừa mang nét đẹp của phương Tây, vừa gợi nét kiến trúc phương Đông cổ kính. Ảnh Bình Minh.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 phức tạp như vậy, nhưng không một ai trong thôn Cẩm Cơ thuộc trường hợp F0, F1. Điều đó cũng cho thấy người dân chấp hành rất tốt quy định về phòng chống dịch", ông Lộc chia sẻ thêm.

Bình Minh - Quang Minh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét