14 thg 10, 2022

Chùa Sirivansa

1. Lịch sử hình thành

Sirivansa (theo âm Hán – Việt là Hạnh Tâm), là ngôi chùa Khmer duy nhất có mặt tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Chùa tọa lạc tại số 39, đường C2, khu phố Phước Bình, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài. Chùa được khởi công xây dựng ngày 30 tháng 12 năm 2011 và hiện đang tiếp tục hoàn thành các công trình kiến trúc.


Trước đây người Khmer ở Đồng Xoài sinh sống tập trung một khu vực nằm ven Quốc lộ 14. Vị trí này hiện còn lưu lại qua tên gọi địa danh của người địa phương là “ngã tư sóc Miên”. Do nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, năm 1963 người Khmer ở Đồng Xoài đã dựng lên một ngôi chùa Phật giáo mang tên là chùa Sirivansa Kemararam nằm trên một nền đất đã từng tồn tại một ngôi miếu thờ Neak Ta của người Khmer từ khi mới lập sóc (làng), (Neak Ta là vị thần thổ công theo tín ngưỡng dân gian). Sau năm 1975 do một số biến động về mặt xã hội, người Khmer đã rời bỏ nơi sinh sống, di dời vào sâu hơn về phía ruộng rẫy, các vị sư Khmer còn ở lại một thời gian nhưng không có lương thực để sinh tồn, họ đành rời bỏ ngôi chùa ở Đồng Xoài để trở về miền Tây Nam Bộ. Chùa Sirivansa Kemararam cũng dần bị hư hại theo thời gian và ngày nay vị trí của ngôi chùa khi xưa đã trở thành một khu dân cư đông đúc. Chùa Sirivansa hiện nay vốn xuất phát từ cái tên rút gọn của ngôi chùa cũ là Sirivansa Kemararam. Vị trí của chùa mới cách chùa cũ khoảng 3 km.


Từ năm 2001, các già làng người Khmer tại địa phương đã ra sức vận động người dân tìm đất xây chùa, đặc biệt với sự hỗ trợ của ông Thái Oanh, một thương nhân gốc Khmer đã đóng góp tài chính, làm thủ tục xin phép chính quyền và đồng thời cúng dường mảnh đất của gia đình nằm trên đường C2 để dựng chùa. Khi chùa Sirivansa bắt đầu khởi công xây dựng, ông Thái Oanh và người Khmer ở địa phương đã liên hệ với Hòa thượng Danh Lung, trụ trì chùa Candaransi, lãnh đạo của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ xin cử một vị tăng sĩ về làm trụ trì. Đại đức Danh Dara được cử về Đồng Xoài trụ trì chùa Sirivansa từ năm 2011 đến nay.

2. Kiến trúc và tượng thờ

Hiện tại chùa Sirivansa đã xây dựng được một số hạng mục công trình như nhà tăng xá, nhà Sala dùng để tiếp khách và làm chánh điện tạm thời, nhà bếp, một tháp Phật, một tháp cốt, một nhà sàn Khmer bằng gỗ lợp lá dừa nước. Chánh điện, hàng rào và cổng chùa đang xây dựng, dự kiến hoàn thành trong hai năm nữa. Quá trình xây dựng chùa Sirivansa được chia làm hai phần, phần xây dựng thô của các công trình kiến trúc do thợ người Việt tại địa phương thực hiện. Phần điêu khắc và trang trí hoa văn mang đặc trưng văn hóa của các chùa Khmer Tây Nam Bộ phải do thợ Khmer có tay nghề cao thực hiện. Hiện chùa đã hoàn thành một pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 7 m đặt trước chánh điện do thợ Khmer ở Kiên Giang làm. Các loại hình hoa văn trang trí trên cột, bờ tường, tượng chư thiên và các linh vật trong Phật giáo Nam tông Khmer do thợ từ tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng lên Bình Phước thực hiện.


Chi phí xây dựng chùa Sirivansa tốn kém hơn các chùa Khmer khác ở miền Tây Nam Bộ do phải chi trả toàn bộ tiền công, phí đi lại, ăn ở và chi phí phát sinh cho tất cả nhóm thợ Khmer từ miền Tây lên Đồng Xoài xây dựng chùa. Điều kiện phong thổ ở miền Đông Nam Bộ cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động của các kíp thợ Khmer vốn quen sinh sống ở vùng miền Tây sông nước. Điều này cũng làm chậm tốc độ xây chùa và phát sinh thêm những khoản kinh phí mới.

3. Hoạt động Phật sự và xã hội

Hiện chùa Sirivansa có 11 vị sư và một chú tiểu, có hai vị tỳ kheo gồm sư cả, sư phó gốc từ miền Tây Nam Bộ và một vị sadi gốc ở Đồng Xoài. Các sư còn lại là người Khmer ở địa phương xuất gia tu Phật tại chùa.


Hàng năm, nhà chùa tổ chức ba loại hình lễ hội, lễ hội của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer như lễ Phật đản, lễ Nhập hạ (mở đầu mùa An cư kiết hạ), lễ mãn hạ (kết thúc mùa An cư kiết hạ), lễ dâng y (Kathina); loại hình lễ hội dân tộc Khmer bao gồm lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay), lễ báo hiếu tổ tiên (Sel Donta), lễ cúng trăng (Ok Om Bok); ngoài ra chùa Sirivansa còn tổ chức một số lễ hội mang tính chất nối kết cộng đồng như Tết Nguyên Đán, Rằm tháng Bảy, lễ Trung Thu.


Hoạt động giáo dục và an sinh xã hội: nhà chùa mở nhiều khóa học giảng dạy cho con em đồng bào Khmer và các tộc người khác ở địa phương như mở lớp dạy tiếng Khmer-Pali, các khóa tu mùa hè, khóa tu gieo duyên, kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp học tình thương, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cứu trợ cho người dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh phí đi học, nuôi ăn học cho một số con em của những hộ nghèo trong khu vực. Vào ngày đầu năm (Tết Nguyên Đán) chùa tổ chức lễ cầu an cho người dân trong vùng, tổ chức các chuyến hành hương cho đồng bào Phật tử đến chiêm bái các ngôi chùa ở Nam Bộ và các nước láng giềng như Thái Lan và Myanmar. Tổ chức cho Phật tử Khmer tham dự lễ Kiết giới sây ma (lễ khánh thành) ở các chùa Khmer khác, tổ chức giao lưu trao đổi Phật pháp, kết nối đạo tình với các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh và Bắc tông trong tỉnh Bình Phước.


Đặc biệt, do hoàn cảnh sống và sinh hoạt tín ngưỡng của người Khmer ở địa phương từ lâu đã không còn kết nối với ngôi chùa, cho nên kể từ khi chùa Srey Wongsa được thành lập vào năm 2001, Sư cả Danh Dara và chư tăng đã ra sức xây dựng lại mối quan hệ kết nối giữa nhà chùa và cộng đồng thông qua vai trò của ban hộ tự, hội đồng già làng và các gia đình Phật tử sinh sống trong khu vực Đồng Xoài và Đồng Phú. Việc hướng dẫn bà con Khmer ở địa phương thực hiện nghi lễ tang ma theo nghi thức của Phật giáo Nam tông là rất quan trọng. Trong đó nhà chùa đã khuyến khích được người Khmer ở địa phương thay thế nghi thức địa táng, dựng nhà mồ bằng hình thức hỏa thiêu gửi tro cốt vào chùa như phong tục của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ.

Mối quan hệ kết nối giữa chùa Sirivansa và cộng đồng người Khmer ở Đồng Xoài, Đồng Phú hiện nay được xem là ưu tiên hàng đầu. Khi tổ chức sự kiện Phật giáo hoặc văn hóa dân tộc hay mở các lớp học… nhà chùa thường tổ chức cuộc họp với các thành phần liên quan tham dự, thông báo kế hoạch, ngày tổ chức, gọi điện trực tiếp cho các gia đình Phật tử, già làng, kết hợp gửi thư mời đến những nhóm Khmer ở xa chùa nhất để họ biết và đến tham dự. Nhờ những nỗ lực này mà khi diễn ra các sự kiện tại chùa có rất nhiều người Khmer ở cách xa chùa 30 km cũng đến tham gia, đã làm nên một sức mạnh kết nối cộng đồng Khmer với Phật giáo Nam tông.

Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét