30 thg 7, 2018

Từ bờ xe nước đến công trình Thạch Nham

Theo quy luật, khi cái mới ra đời thì cái cũ sẽ mất đi. Vì vậy, khi công trình thủy lợi Thạch Nham hình thành, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng rộng lớn khắp các huyện đồng bằng của tỉnh thì cũng là lúc những bờ xe nước – một công trình thủy lợi đầy sáng tạo của người dân Quảng Ngãi đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ven tả ngạn sông Trà đoạn qua huyện Sơn Tịnh, những bờ xe nước cần mẫn đưa nước lên đồng dần dần vắng bóng. Công trình thủy lợi Thạch Nham hoàn thành đưa nguồn nước từ đầu nguồn sông Trà về thì làng quê dần xanh tốt, nông dân trong tỉnh từng bước đổi đời. Công trình vĩ đại ấy đã làm nên một cuộc cách mạng không chỉ trong nông nghiệp mà giờ đây còn phục vụ công nghiệp của tỉnh nhà sau 1/4 thế kỷ từ ngày tái lập tỉnh.

Ký ức bờ xe
Soi Đông Dương (giờ là thôn Thống Nhất, Tịnh Ấn Tây) giờ đã khác xưa rất nhiều, nơi đây đã là địa danh của TP. Quảng Ngãi. Những ông “trùm”, ông “trọn” đã từng tham gia vào “đội quân xe nước” ngày trước giờ trẻ nhất cũng đã đến tuổi lục tuần. Ông Trần Ưng (81 tuổi) là một trong số những anh “trọn”- một người thợ gắn bó với bờ xe nước núi Sứa kể: Ông không nhớ bờ xe nước có từ thời nào, nhưng khi lớn lên đã có. Vào những năm 80, có chừng 45 bờ xe nước được dựng bên dọc tả ngạn sông Trà Khúc từ xã Tịnh Minh đến gần cầu Trà Khúc cũ bây giờ. Chừng ấy bờ xe nước đã tưới cho hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp ven sông, nuôi sống hàng ngàn hộ dân.

Bờ xe nước sông Trà. Ảnh: NG.TRINH 

Để làm nên một bờ xe nước, đầu tiên phải có một ban “trưng cử” (giống hội đồng cổ đông bây giờ) đứng ra huy động góp vốn. Trong ban trưng cử gồm có ông trùm xe (người giỏi về kỹ thuật và là người góp vốn nhiều nhất), các ông “trọn” là những anh thợ làm bờ xe và những anh “rẻ” (người phụ giúp các anh trọn). Thường thì mỗi ban trưng cử có khoảng 7 người. Các thành viên trong ban trưng cử phải huy động một nguồn vốn rất lớn. Theo ông Ưng thì lúa phải tính bằng muôn (cả trăm triệu đồng thời nay).

Trước khi bờ xe được xây dựng thì những người trong ban “trưng cử” khảo sát địa điểm đặt bờ xe và diện tích tưới nước với người nông dân. Ông “trùm xe” thay mặt xin giấy phép chính quyền xây dựng bờ xe, và quán xuyến mọi việc. Những người thợ lên vùng thượng nguồn mua tre và bứt dây rừng (dây chiều) đóng bè thả trôi về xuôi. Tháng 11 âm lịch, khi những cơn lũ đã đi qua, những người thợ bắt tay vào dựng bờ xe. “Làm sao cho đến tháng 2 âm lịch là phải có nước lên đồng để nông dân gieo cấy”- ông Ưng nhớ lại.

Công đoạn làm bờ xe là thời điểm vất vả nhất. Những người thợ làm việc cật lực liên tục. Hàng ngàn cây tre lần lượt được lắp ghép thành những bờ xe từ 9 – 12 bánh với đường kính cả chục mét. Hàng ngàn cọc tre được đóng sâu xuống lòng sông và được áp những tấm vỉ tre, bổi để làm bờ cừ. Sau khi nước lên đồng, thì chia thành nhiều tốp lo việc đi điều tiết nước ngoài đồng và kiểm tra hệ thống mương dẫn, nhóm khác thì túc trực ở bờ xe nếu có gì trục trặc bất thường thì khắc phục ngay. Đến mùa thu hoạch thì cử người trực tiếp ra đồng đong lúa của người dân mang về. Tỷ lệ chia là nông dân 7 phần, còn 3 phần được chia với tỷ lệ 6/4 theo tỷ lệ góp vốn.

Những bờ xe hiện diện dọc đoạn sông Trà Khúc được dựng lên và tháo ra trước và sau mỗi mùa lũ trở thành công việc của những người thợ suốt nhiều năm tháng. Khi mùa màng đã kết thúc, mùa lũ về thì bờ xe được tháo rời ra chất vào kho. Lũ đi qua thì mang ra lắp lại, tỷ lệ tre hư hỏng phải thay thế hằng năm là khoảng 40%.

Đến cuối những năm 1980, có điện, một số trạm bơm được xây dựng, các bờ xe nước dần biến mất. Khi công trình thủy lợi Thạch Nham hoàn thành, đưa nước về các cánh đồng trong cả tỉnh thì bờ xe nước cũng hoàn thành sứ mệnh của mình. Từ đó, hình ảnh những bờ xe nước ven sông Trà chỉ còn là ký ức của một thời.

Thạch Nham ngày ấy

Vào khoảng năm 1984, công trình thủy lợi Thạch Nham được khảo sát trở lại sau thời Pháp thuộc. Lúc ấy, Đội 4 (nay là Công ty cổ phần Tư vấn, khảo sát và xây dựng số 4) thực hiện khảo sát địa hình, địa chất toàn bộ công trình này, gồm đập ngăn đầu mối và các tuyến kênh chính. Ông Trương Minh Khiêm- nguyên là Đội trưởng đội 4 lúc ấy nhớ lại, năm 1984, công trình thủy lợi Thạch Nham bắt đầu được thi công. Phần kênh chính nam được làm trước. Vị trí đập dâng đầu mối chưa quyết định được.

Đến 1989 thì bắt đầu thi công đập dâng đầu mối. Ông Khiêm kể, khi khảo sát xây đập dâng đầu mối là khó khăn nhất, bởi có một vết nứt trượt trong lòng sông, phải khảo sát rất nhiều lần mới phát hiện được. Lúc đầu phương án được tính đến là mặt đập cao 21m. Với cao trình này, sẽ đảm bảo diện tích tưới theo thiết kế (50 ngàn ha) mà không phải xây dựng các trạm bơm. Tuy nhiên, cả thị trấn Di Lăng sẽ bị ngập và số hộ dân trong lòng hồ phải di dời rất lớn. Cuối cùng là chọn cao trình mặt đập 19,5m.

Đầu mối có chiều dài 200m, với địa chất phức tạp nên phải mất 3 năm mới hoàn thành. Đích thân ông Phan Sỹ Kỳ - Viện trưởng Viện Khảo sát thiết kế địa chất Việt Nam vào trực tiếp chỉ đạo. Vì có vết nứt trượt trong lòng hồ, nên khi thi công phải dựng đê quay bơm hút toàn bộ nền đất yếu của khe nứt.

Khó khăn như vậy, nhưng ông Khiêm cũng rất tự hào vì trong quá trình xây đập, đơn vị khảo sát của ông cũng đồng hành với đơn vị thi công liên tục khảo sát địa chất tại đầu mối để kịp thời xử lý những bất thường.

Cụm đầu mối công trình thuỷ lợi Thạch Nham 

Sau khi công trình Thạch Nham hoàn thành giai đoạn 2 vào 1997, dấu ấn để lại lớn nhất trong mỗi người tham gia làm công trình này đã được ghi vào lịch sử của Đội 4 với những đúc kết, mà ở đó có 6 cái nhất, vui cũng lắm mà buồn cũng nhiều. Công trình có thời gian khảo sát dài nhất: từ năm 1977 – 1980 khảo sát lập luận chứng thiết kế kỹ thuật. Từ 1983 – 1995, vừa khảo sát thiết kế, vừa thi công. Công trình khảo sát gặp nhiều khó khăn nhất. Để chọn tuyến đập, tuyến kênh với phương án tốt nhất, khu vực đầu mối phải khoan trên sông rộng 200m nơi thác lúc nào cũng chảy xiết, năm nào cũng bị lũ lụt làm phà khoan trôi lật. Hệ thống kênh đi qua nhiều vùng cao lanh, đá phải khảo sát chọn tuyến nhiều lần. Là công trình có khối lượng khảo sát lớn nhất.

UBND tỉnh Nghĩa Bình bấy giờ tạo điều kiện cấp đất, cho mượn nhà để làm trụ sở, cấp các loại phiếu lương thực, thực phẩm theo chế độ ưu tiên, vận động nhân dân nhường cơm sẻ áo giúp đỡ công nhân, kỹ sư tại các công trường; tết nhất được tặng quà, giúp đỡ động viên; huy động lực lượng bộ đội của Quân khu 5 từ Đà Nẵng vào giúp đỡ vận chuyển, trục vớt máy móc bị lũ cuốn mà không tính chi phí. Công trình nhiều người hy sinh nhất với 5 người, trong đó có 3 người bị sốt rét, 2 người bị tai nạn trên công trường. Cuối cùng là công trình mang lại hiệu quả nhất. Thạch Nham hoàn thành giúp Quảng Ngãi cơ bản được thủy lợi hóa. Các vựa lúa của 7 huyện, thành phố đồng bằng đủ nước tưới mùa hạn. Năng suất lúa, mía và các loại cây trồng khác tăng cao, hệ thống giao thông trong vùng đi lại thuận tiện hơn, môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.

Một phần tư thế kỷ đã đi qua, cùng với thời gian thì những đổi thay của cuộc sống đã hiện rõ, cảnh đói nghèo đã lùi xa. Những vòng quay chậm chạp của những bờ xe nước thuở nào giờ đã được thay thế bằng những dòng kênh mang nguồn nước Thạch Nham về tưới mát những cánh đồng khô cháy, giúp nhân dân tỉnh nhà có cuộc sống ấm no như hôm nay, tiếp tục vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

XUÂN THIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét