5 thg 7, 2018

Nghĩa tên gọi "Châu Đốc" là gì?


Xin sơ lược trình bày tình hình tra cứu như sau:
1- Gia Định Thành Thông Chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức (THĐ) là sách đầu tiên chép về tên sông tên đất ở Gia Định xưa (Nam bộ ngày nay) kể từ lúc người Việt ta đặt chân đến đây rồi dần dần làm chủ đến giờ. (Chắc chắn sách được chép vào đời vua Gia Long 1802 – 1820. Bởi sang đầu đời vua Minh Mạng vừa có chiếu cầu sách cũ THĐ đã kịp thời dâng lên).
Theo lời giới thiệu của viện Sử Học Việt Nam trong dịp ấn hành ra mắt GĐTTC vào năm 1998 các sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên Đại Nam Nhất Thống Chí Phần Nam Kỳ Lục Tỉnh do các sử gia triều Nguyễn soạn ra sau đó cũng phải dựa vào đây.
2-Theo đó về một vùng đất về một con sông về một cái đồn mà sau này tất cả chúng ta đều gọi là “Châu Đốc” thì THĐ đã chép vào sách của mình bằng hai chữ Hán đọc theo âm Việt là “ Chu Đốc”.( Chữ “Chu” này thuộc bộ Mộc.Chữ “Đốc” thuộc bộ Trúc).
Với hai chữ này xét về nghĩa căn cứ chặt chẽ vào tự dạng thì “Chu” là “sắc đỏ”.Còn “Đốc”có nghĩa là “Thuần hậu không pha tạp” (“Đốc tín” là “dốc một lòng tin”. “Đôn đốc” là “dốc một lòng chăm chỉ trung hậu”).
Vậy nghĩa của tên gọi “Chu Đốc” căn cứ vào tự dạng như trên đã nói là   “Thuần hậu không pha tạp sắc đỏ ” chăng?
Xin thưa không phải vậy.
Vấn đề khá lắc léo phức tạp.Xin trình bày rõ thêm như sau:
Năm 1757 Nặc Tôn một hoàng thân nước Cao Mên dâng đất Tầm-Phong- Long cho chúa người Việt có tên là Nguyễn Phúc Khoát (ông nội vua Gia Long).Đây là thời điểm toàn đất Nam Bộ ngày nay về mặt chánh thức người Việt ta kết thúc xong sự thu phục của mình.
Từ sự kiện này nơi mà ngày nay ta gọi “Châu Đốc” lần đầu tiên trở thành biên địa lãnh thổ của người Việt với nước Cao Mên. Hay cũng có thể nói ngược lại lúc này phủ Mật Luật đối diện bên nước Cao Mên bắt đầu trở thành khu vực giáp giới với đất “Chu Đốc”của người Việt.Về mặt hình dạng của đường biên hồi ấy khúc khuỷu quanh co trông giống “cái mỏ của con heo”.Người Khmer hai bên nhân đó gọi là “mỏ heo” .Tiếng Khmer có âm điệu là  Moọc-Churút.Khi người Việt ta tới đây sinh sống chung lộn với người Khmer cũng dựa vào người bản xứ mà gọi là Moọc-Churút theo.
65 năm sau, vào đời Gia Long.Moọc-Churút bị nói trại đi .Không biết sai chạy đến mức nào, tuy nhiên khi lọt tới tai Trịnh Hoài Đức ông đã dùng hai chữ Hán “Chu Đốc” để phỏng chú cho cụm âm thanh có nguồn gốc thổ ngữ  Khmer này.Do vậy hiện nay nếu cần giải thích nghĩa tên gọi “Châu Đốc” là gì bắt buộc phải đặt đối tượng vào lại bối cảnh lịch sử này.Và tất nhiên “Chu Đốc” chỉ có thể mang nghĩa là “mỏ con heo”.Nói chính xác hơn do đã “rơi” mất thành tố âm ngữ “Moọc” ở phía trước chỉ còn lại “Churút” nên nghĩa của nó theo đó chỉ còn là “Con Heo” mà thôi.
Nhưng chiếu theo tự dạng như trên đã nói đọc là “Chu Đốc” sao hiện nay lại trở thành “Châu Đốc” ?
Theo tôi điều này không lấy gì làm khó hiểu. Hồi ấy ông sơ của vua Gia Long tên Nguyễn Phúc Chu.Mọi người đành kỵ úy đọc chữ “Chu” thành “Châu”.“Chu Đốc” từ đó biến thành “Châu Đốc”.Không thể nói nghĩa của chữ “Châu” ở đây là “đất” hay “một khu vực lãnh thổ…” được. Bởi trong sách GĐTTC của THĐ không hề viết là “Châu” thuộc bộ Xuyên để có thể giải thích nghĩa như trên.Thậm chí giả dụ có là chữ “Châu” thuộc bộ Xuyên đi nữa cũng  vẫn không thể giải nghĩa nó là “một khu vực lãnh thổ…”.Vì hai chữ Hán trong sách GĐTTC nói trên  chỉ làm nhiệm vụ phỏng chú một ngữ âm khmer đã có trước.Một dạng ký âm bằng Hán tự.Rồi sau này khi ta dịch hai chữ Hán kia ra chữ  quốc ngữ mẫu tự La tinh đang dùng hiện nay nó đương nhiên trở thành C-h-â-u  Đ-ố-c. Một kiểu ký âm của ký âm. Thế thôi.

Sa Đéc, Đồng Tháp 25 Tết năm Tân Mão.
Trần Minh Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét