10 thg 7, 2018

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - sức hút của văn hóa lãng mạn

Đoạn đường bích họa giới thiệu về cuộc đời và âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sân khấu biểu diễn nghệ thuật dân gian và đương đại hay các gian hàng ẩm thực mang kiến trúc phố cổ ... là những điểm nhấn tạo nên không gian lãng mạn, thư thái của phố đi bộ thứ 2 ở Hà Nội. Vào mỗi dịp cuối tuần, người dân Thủ đô và du khách trong ngoài nước có thêm điểm đến hấp dẫn mới. 

Đây là một không gian đi bộ hoàn toàn mới lạ, nằm ngay sát các đầm sen quanh khu vực hồ Tây, tạo cảm giác thoáng đãng, thư thái cho du khách khi đến với con phố đầy lãng mạn mang tên người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tại đây diễn ra các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc từ dân gian đến đương đại, từ nghệ thuật đường phố đến nghệ thuật chuyên nghiệp như: ca trù, xẩm, chầu văn, hát chèo, nhạc cụ dân tộc, âm nhạc đương đại, triển lãm tranh ảnh, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, tổ chức các trò chơi dân gian và nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác. 

Không gian phố đi bộ gắn với những hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.


Phố đi bộ Trịnh Công Sơn được đầu tư khá kỹ về không gian cũng như những nơi vui chơi, giải trí phù hợp cho mọi lứa tuổi.

Không gian lãng mạn, thoáng đãng bên bờ hồ điều hòa trong khuôn viên phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Một góc phố đi bộ về đêm lung linh sắc màu.

Một ban nhạc đường phố biểu diễn tại một góc nhỏ trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Người dân và du khách thưởng thức những ca khúc để đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Người dân thích thú chụp hình tại các gian hàng được mô phỏng theo kiến trúc phố cổ Hà Nội, Hội An…

Gian trưng bày những tà áo dài truyền thống của người Việt.

Phóng viên Hà Nội phỏng vấn du khách nước ngoài về những trải nghiệm ở không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn. 

Mọi hoạt động được diễn ra trên đường phố, dưới hồ nước, bên vườn hoa tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng của Tây Hồ, hài hòa thân thiện giữa con người và thiên nhiên. Kết hợp là các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại, du lịch phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của người dân và du khách. Các gian hàng ở đây được mô phỏng theo kiến trúc phố cổ Hà Nội, Hội An, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền... Nhờ đó, người dân và du khách đến đây sẽ có những trải nghiệm mới hoàn toàn khác với khu phố đi bộ ở trung tâm.

Theo ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, để tạo không gian sinh hoạt giao thương cho 5.000 người đang sinh sống tại quận Tây Hồ, UBND quận quyết định trong thời gian tới sẽ chuyển khu chợ đồ Tây từ phố Xuân Diệu về không gian đi bộ đường Trịnh Công Sơn. “Hiện nay, chợ đồ Tây ở phố Xuân Diệu đang hoạt động rất tốt, nên tôi tin khi chuyển về khu phố Trịnh Công Sơn sẽ tăng thêm các hoạt động cho du khách nước ngoài” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Nơi đây còn tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm ẩm thực, sản phẩm lưu niệm của các làng nghề truyền thống của Hà Nội như: xôi, chè, bánh đa kê Phú Thượng, thưởng thức chè sen, chè nhài Quảng An, bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng…. Anh Hoàng Việt Hà (Xuân La – Tây Hồ) cho biết, anh cùng người dân quanh khu phố rất hào hứng với không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ. Gia đình anh Hà và một số gia đình quanh đó thường xuyên đưa con nhỏ đến chơi, khám phá và thưởng thức những “đặc sản” của phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Đến với phố đi bộ Trịnh Công Sơn mỗi dịp cuối tuần, du khách sẽ được dạo chơi trong không gian đi bộ rộng lớn, thoáng mát với nhiều loài hoa đua sắc, với quang cảnh hồ Tây mênh mông sóng nước và cảm nhận phong cách lãng mạn chứ không cổ kính, uy nghiêm như không gian đi bộ quanh Hồ Gươm.

Một gian hàng tò he đầy màu sắc trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Gian hàng bán xôi Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) được biết đến là một món ăn cổ truyền nổi tiếng của làng nghề Phú Thượng.

Món xôi ngũ sắc nổi tiếng của làng nghề Phú Thượng.

Những em nhỏ thích thú với gian hàng bán những chú chuột bạch xinh xắn.

Du khách thưởng thức những món ăn đặc sản của Hà Nội trong khu ẩm thực.

Những trò chơi dân gian được tổ chức trong phố đi bộ Trịnh Công Sơn thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân và du khách. 

Sau phố đi bộ Hồ Gươm, không gian phố đi bộ Hồ Tây có chiều dài 900m, tính từ ngõ 612 đường Lạc Long Quân đến đoạn giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ, mở cửa từ 17h thứ 6 đến hết tối chủ nhật hàng tuần sẽ tiếp tục góp phần tôn vinh giá trị văn hóa và phát triển du lịch gắn với phát triển thương mại của Hà Nội.

Bài và ảnh: Thanh Giang – Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét