25 thg 7, 2018

Khách Tây trải nghiệm làm thợ bạc

Lần đầu tiên đến Tp. Hồ Chí Minh và ở lại đây 1 tuần, Say Da (quốc tịch Colombia) là dân du lịch “bụi” chính hiệu. Với tấm bản đồ trên tay, Say Da tìm đến Vietnam Silver House và có một trải nghiệm thú vị được làm thợ bạc, tự tay làm hoàn chỉnh một sản phẩm trang sức bạc theo phong cách truyền thống của Việt Nam. 

Khi đến Vietnam Silver House ở 68 Nghĩa Thục, Phường 5, Quận 5, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn khách nước ngoài xếp hàng để được trải nghiệm nghề làm bạc độc đáo. Từ nền tảng kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động uy tín trong lĩnh vực chế tác – kinh doanh trang sức bạc ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn, Vietnam Silver House được ra đời từ ý tưởng mang những nét tinh túy của nghề thợ bạc Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế, cũng như góp phần làm cho văn hóa của nghề thợ bạc trở nên gần gũi hơn với người dân trong nước.

Đến Vietnam Silver House khách tham quan có thể tìm hiểu lịch sử tổ nghề, khám phá quá trình phát triển và những nét tinh hoa của nghề thợ bạc ở Việt Nam từ truyền thống thủ công xa xưa đến những công nghệ chế tác hiện đại.

Rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan và trải nghiệm tự tay làm ra các sản phẩm bạc tinh tế.


Anh Nguyễn Ngọc Phú với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề chế tác bạc đang hướng dẫn du khách làm ra một sản phẩm bạc.

Để chế tác được một sản phẩm bạc trải qua rất nhiều công đoạn. Ảnh: Tư liệu

Thời gian để làm được một sản phẩm ưng ý có thể mất tới 2 hoặc 3 ngày.

Công đoạn khắc laze lên sản phẩm.

Chị Amparo (quốc tịch Tây Ban Nha) đã đến Vietnam Silver House 2 ngày mới hoàn thiện được một sản phẩm là dây chuyền bạc.

Du khách thích thú tham quan các chế tác bạc tại Vietnam Silver House...Ảnh: Tư liệu

...và ghi hình lại các dụng cụ chế tác bạc thô sơ.

Các hiện vật dụng cụ chế tác bạc được lưu giữ tại Vietnam Silver House. 

Tại đây, các quy trình chế tác trang sức bạc hiện đại, từ khi còn là một nét vẽ phác thảo ý tưởng trên giấy, cho đến lúc thành hình là một sản phẩm trang sức tinh xảo hoàn thiện được giới thiệu kỹ lưỡng đến du khách. Tiếp theo, du khách còn có thể đăng ký khóa học làm trang sức bạc để thử trở thành một người thợ bạc với các dụng cụ chuyên nghiệp, tự tay chế tác nên món trang sức cho riêng mình từ những kỹ thuật cơ bản nhất.

Trong căn phòng rộng hơn 60 m2, du khách mải mê cầm búa để tán bạc mỏng, công đoạn đầu tiên để làm nên bất kỳ món đồ trang sức nào. Chị Sayda Flozer (40 tuổi, quốc tịch Canada) tỏ ra thích thú với cây búa nhỏ nhắn. Đeo trên tay một chiếc nhẫn và một chiếc vòng tay bạc đơn giản, S.Flozer tự hào giới thiệu với chúng tôi đây là thành quả chị tự làm trong 2 buổi học trước. “Tôi bắt đầu “nghiện” trải nghiệm cách chế tác bạc thủ công của Việt Nam và thấy rất thích trang sức bằng bạc. Lớp học tạo ra sự tò mò, thích thú, xen lẫn cảm giác hứng khởi, hồi hộp. Với mức học phí 250.000 đồng và được sở hữu trang sức do chính tay mình làm ra thì thật tuyệt!”, S.Flozer chia sẻ.

Cái khó nhất là sử dụng những đồ nghề tí hon và tác động một lực vừa phải để tạo ra hình thù mong muốn trên từng món trang sức. Những dụng cụ như búa nhựa mica, đục, dũa mài, cưa lọt thỏm trong lòng bàn tay đều lạ lẫm với nữ du khách Maria (đến từ Tây Ban Nha). "Chỉ một chút lơ là, gõ thêm 1 nhịp búa, khuôn nhẫn lập tức từ hình tròn thành quả trứng", Maria vui vẻ nói. Những lúc như thế này, chị phải cầu cứu nghệ nhân để được chỉ dẫn cách đưa miếng bạc trở về hình dạng ban đầu.

Vượt qua thử thách đầu tiên, tiếp đến, các du khách thực hiện các công đoạn mài dũa, tạo hoa văn, đánh bóng, hoàn thành sản phẩm. “Một du khách vụng về nhất mất khoảng 1 giờ 30 phút để tạo ra một chiếc nhẫn đơn giản, còn 1 giờ là khoảng thời gian trung bình khách thực hiện tại lớp học”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Phú cho biết. Lớp học thu hút đa số là khách phương Tây như Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ... Độ tuổi của khách khá đa dạng, từ các bé 6 tuổi đến những người lớn tuổi, họ đều có chung niềm đam mê đến đây để khám phá thế giới bí ẩn nghề thợ bạc.

Hiện vật minh họa thoi bạc thưởng triều Nguyễn.

Trâm cài tóc, nhẫn, bông tai, kiềng cổ của phụ nữ Việt xưa.

Dây chuyền của phụ nữ Việt xưa.

Vòng tay đính đá cẩm thạch - Sản phẩm đặc trưng Chợ Lớn giai đoạn những năm 1980 – 1990.

Con công - Sản phẩm làng nghề Định Công (Hà Nội).

Hoa hồng - sản phẩm Đậu bạc Mỹ nghệ.

Sản phẩm nhẫn bạc có khắc tên của khách và do họ tự tay chế tác. 

Ông Lê Quốc Thành, Tổng Giám đốc của Vietnam Silver House cho biết, với slogan "Muốn hiểu về nghề bạc, đến Vietnam Silver House", công ty đã dành rất nhiều tâm huyết để xây dựng nên một điểm đến tham quan độc đáo và đầy đủ nhất dành riêng cho nghề thợ bạc ở Việt Nam. Trong tương lai, Vietnam Silver House kỳ vọng sẽ trở thành một bảo tàng tư nhân chất lượng cao, là điểm tham quan du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến Tp. Hồ Chí Minh”.

Bài và ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét