30 thg 7, 2018

Rì rào bờ xe nước

Tính đến mùa hè này, bờ xe nước trên sông Trà đã nói lời chia tay với dòng sông gần 30 năm. Ngần ấy thời gian cũng đủ để quên đi nhiều thứ nhưng có lẽ, những ai là người Quảng Ngãi, từng chiêm bái trước vẻ đẹp kỳ vĩ và độc đáo của bờ xe nước sông Trà thì thứ âm thanh mê đắm phát ra từ guồng quay của những bánh xe cần mẫn, vẫn cứ đeo bám lấy họ như một mối tình đầy duyên nợ...

Xe “lăn” trên nước


Sông Trà dài 130km, nhưng chỉ đến khi chảy qua các xã đầu nguồn hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa thì bờ xe nước mới xuất hiện trên sông. Có lẽ do đặc thù của dòng sông ở phía thượng lưu với nhiều ghềnh thác và lòng sông hẹp, cộng với ruộng đồng manh mún nên không có chỗ cho bờ xe nước tồn tại.

Bờ xe nước sông Trà. Ảnh: Nguyễn Ngọc Trinh 


Hơn 50 năm trước, tôi hay theo bà ngoại về quê của bà (thôn Đông Dương, nay thuộc bờ bắc cầu Thạch Bích) nên có dịp quan sát công trình độc đáo này ở khoảng cách rất gần, ngay từ tuổi lên 5 lên 6. Và cũng từ đó, trong tôi luôn gợn lên câu hỏi: Sao lại gọi là “xe”? Rồi lại “bờ” nữa? Lớn lên một chút, tôi bắt đầu tự lý giải về những thắc mắc này. Đơn giản chỉ vì nó giống một cái bánh xe khổng lồ, nhưng lại “lăn” trên nước nên gọi xe nước. Để cho bánh xe ấy “lăn” và múc được nước từ lòng sông lên tưới tắm các cánh đồng, người ta làm một bờ cừ để “gom” nước về đúng chỗ bánh xe quay kia. Bờ-xe-nước được xướng tên là do đặc điểm này.

Cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu lịch sử lẫn văn hóa cũng không thể đưa ra lời khẳng định chắc chắn là bờ xe nước được du nhập từ đâu về? Tại sao trên dọc dài cả miền Trung, sông suối dày như tơ nhện như thế, nhưng chỉ có trên sông Trà (và một vài nơi trên sông Vệ) là có bờ xe nước? Thi thoảng trên truyền hình có xuất hiện xe nước ở các tỉnh Tây Bắc nhưng chỉ đơn độc một bánh, mang tính “trang trí” hơn là hữu dụng như ở sông Trà. Có lẽ do đặc thù như độ dốc lớn, lưu tốc cao... nên sông Trà được những “kỹ sư chân đất” bậc thầy chọn làm nơi trình diễn một loại công trình độc đáo trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngay từ thuở cha ông đi mở cõi này. Thống kê chưa chuẩn xác thì dọc sông Trà có đến 54 bờ xe nước (?) tồn tại trước khi có công trình thủy lợi Thạch Nham.

“Kỹ sư chân đất”
Tôi cứ ao ước, giá như các thợ xe nước này được sinh ra trong thời đại chúng ta ngày nay và được đào tạo bài bản, chắc chắn họ sẽ là những kỹ sư tài năng trong việc sáng tạo ra những công trình “không đụng hàng”, chứ không cứ gì là bờ xe nước. Không tốn một giọt nhiên liệu nào mà nước vẫn có thể đưa từ lòng sông có khi sâu hàng chục mét lên bờ rồi “dẫn thủy nhập đồng”, tưới tắm cho hàng ngàn hecta lúa suốt trong những ngày hè bỏng rát của miền Trung như thế.

Khi những cơn mưa cuối cùng của mùa đông thưa dần, sông Trà bớt đi sự hung dữ của nó, các “kỹ sư chân đất” này lặn lội lên phía thượng nguồn để mua tre và dây rừng- hai loại nguyên liệu chính để làm nên bờ xe nước. Nếu là làm lần đầu tiên, mỗi bờ xe nước tốn chừng 4.000 cây tre, còn nếu là bờ xe được trưng dụng lại thì số tre mua bổ sung sẽ ít hơn. Ước tính theo thời giá hiện nay, chi phí cho một bờ xe nước từ 9-12 bánh, phải tốn cả tỷ đồng. Những người có ruộng được hưởng từ nguồn nước của bờ xe này sẽ trả công bằng lúa sau vụ gặt theo tỷ lệ thỏa thuận giữa chủ ruộng và chủ xe.

Mỗi bánh xe “đính” trên thân nó hàng trăm ống tre được cưa trống một đầu. Các thợ xe đặt các ống tre này nghiêng một góc chừng 45 độ để khi bánh xe quay chạm mặt nước, các ống tre này sẽ “múc” nước rồi theo guồng quay lên tận đỉnh đổ vào máng nước, dẫn ra kênh rồi chảy vào ruộng. Tất tật đều do sức nước vận hành một cách tự nhiên. Bánh xe có quay nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào sức nước mạnh hay yếu. Ngoài việc các thợ xe chọn đặt các bánh xe ở nơi nước chảy xiết nhất, việc làm bờ cừ theo hình chữ V cũng đóng vai trò rất lớn để “gom” nước về nơi đặt các bánh xe. Hiểu nôm na là, bờ cừ làm nhiệm vụ ngăn nước lại để dẫn dòng nước chảy về đúng chỗ đặt bánh xe.

Cứ cần mẫn múc nước từ lòng sông Trà suốt cả mùa hè, để sang thu, trước khi những cơn lũ đầu mùa xuất hiện, các thợ xe vội vã tháo cất toàn bộ nguyên liệu của bờ xe để đợi mùa sau, lại bày cuộc mới.

Vang vọng tiếng rì rào
Không chỉ được lưu giữ trong ký ức của một lớp người, bờ xe nước vẫn luôn “rì rào” trong nhạc và thơ. Còn nhớ, sau ngày đất nước thống nhất, lúc mới tiếp xúc với nền văn học cách mạng, tôi ấn tượng mãi với bài thơ “Tình sông núi” của Trần Mai Ninh với những câu thơ thật bất ngờ ngay ở phần mở đầu: “Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc/Mây lồng và nước reo”. Theo đoàn quân Nam tiến, trải qua vạn dặm, cho đến khi đặt chân lên đất Quảng Ngãi, ngang qua sông Trà, Trần Mai Ninh mới bật lên được câu thơ, mở đầu cho bài thơ Tình sông núi của ông. “Mây lồng và nước reo” ở đây, đích thị là âm thanh, cảnh vật được phát ra từ guồng quay của xe nước rồi. Câu thơ bật ra một cách tự nhiên, nhưng đó là kết quả của sự dồn nén về “tình sông núi” mà nhà thơ đã ấp ủ suốt chặng đường dài hành quân. Chỉ đến khi chứng kiến sự huyền diệu của bờ xe nước giữa đêm trăng, nhà thơ mới khai bút cho bài thơ bất tử của đời mình.

Cũng như thi sĩ Trần Mai Ninh, nhạc sĩ tài hoa Vân Đông đã bị ám ảnh bởi tiếng rì rào ấy của guồng xe suốt cả thời tuổi trẻ để đến khi xa quê trên đất Bắc, ông vẫn còn nghe “Rì rào dòng sông âm vang đôi bờ/ mênh mang sông nước tiếng đàn xe...” (Nhớ đàn xe nước).

Bờ xe đã vắng bóng trên sông Trà từ gần 30 năm trước. Nó đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, nhưng những gì mà nó để lại cho hậu thế thì vẫn còn vang vọng mãi với thời gian.

TRẦN ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét