1 thg 9, 2015

Nghị lực phi thường của vị võ sư một chân

Phải cưa chân trái quá đầu gối sau một tai nạn vào năm 21 tuổi, tưởng chừng Tạ Anh Dũng sẽ đầu hàng trước số phận, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường của một người đam mê võ thuật, ông đã tiếp tục theo đuổi ước mơ, trở thành võ sư làm rạng danh môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn.

Võ sư Tạ Anh Dũng sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học ở Tp. Hồ Chí Minh. Bố của ông là võ sĩ Tạ Ánh Đăng, biệt hiệu là Ánh Sáng, thường tham gia thi đấu võ đài thời Pháp thuộc. Lúc lên 4 tuổi, Tạ Anh Dũng đã được bố dạy đứng tấn, đi quyền, tập những bài võ cơ bản của võ cổ truyền Việt Nam.

Khi vào tiểu học, trong trường có mở lớp dạy võ Takewondo nên ông đăng ký theo học. Vì muốn tìm tòi học hỏi thêm các thế võ của môn phái khác để tìm ra ưu - khuyết điểm cũng như cách hóa giải chúng nên khi lên trung học, ông lại học thêm Aikido (Nhật Bản) và võ Thiếu Lâm (Trung Quốc).

Ngọn lửa nhiệt huyết của ông đang cháy mãnh liệt thì bị dập tắt bởi một tai nạn đã cướp mất của ông một chân ngay độ tuổi thanh xuân. Ông bồi hồi nhớ lại: “Khát vọng, ước mơ của tôi dường như bị dập tắt hoàn toàn. Việc đi lại, sinh hoạt cá nhân bằng một chân đã khó, huống chi muốn học võ”. Nhưng với tình yêu võ học cùng sự động viên của gia đình đã giúp ông bình tâm lại, từng bước phục hồi sức khỏe và tiếp tục theo đuổi nghiệp võ bằng những cách rất sáng tạo để phù hợp với khiếm khuyết của cơ thể.


Võ sư Tạ Anh Dũng thi triển bài “Độc lư thương” – một trong 10 bài quốc võ trong hệ thống võ cổ truyền Việt Nam.


Võ sư Tạ Anh Dũng có thể trụ bằng một chân hoặc di chuyển bằng một chân trong hàng giờ liền.

Dù chỉ có một chân nhưng ông vẫn có thể sử dụng thành thạo nhiều loại binh khí khác nhau.

Hằng ngày, Võ sư Tạ Anh Dũng phải dậy từ 5h sáng để đi giao báo ở quận 5, quận 6, khu chợ Bình Tây, Chợ Lớn để mưu sinh.

Ông tranh thủ thời gian rảnh buổi trưa để rèn luyện thể thực ở Trung tâm Thể dục thể thao quận 5.

Những bài tập bổ trợ cơ tay, cơ bụng, lưng,… được ông thực hiện rất thuần thục, bài bản.

Tập nâng tạ để luyện cơ chân phải. 

Để giữ thăng bằng trên một chân, ông luyện tập bằng cách đứng tấn trong nhiều giờ liền, tập leo cầu thang bộ với cây nạng, đeo tạ vào người khi đi làm. Ngoài ra, ông còn thường xuyên chơi bóng bàn, bơi lội nhằm rèn luyện phản xạ và lực của cơ tay.

Miệt mài luyện tập, thế rồi ông đã có thể làm chủ cơ thể của mình trên một chân còn lại. Để theo đuổi nghiệp võ, ông theo học môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn của thầy Đặng Văn Anh. Vì không thể sử dụng cước pháp nên ông tập trung rèn luyện tấn pháp, quyền pháp, chỉ pháp và các đòn chỏ, gối cho thật nhuần nhuyễn. Khi luyện tập, ông còn tìm cách biến cái khiếm khuyết ở chân thành sơ hở, dẫn dụ đối phương rồi sáng tạo những đòn thế hóa giải phù hợp.

Ngoài ra, vị võ sư còn sáng tạo ra các bài võ cho riêng mình như: bài nạng chống dao găm, bài gậy, bài côn nhị khúc, côn tam khúc… vừa để phòng thân, vừa chỉ lại cho những ai cũng bị khuyết tật cơ thể giống mình.

Sau hơn 30 năm miệt mài gắn bó với nghiệp võ, giờ đây Tạ Anh Dũng đã là một võ sư lão làng trong làng võ Việt, được nhiều người biết và nể trọng khi nhắc đến vị “võ sư một chân”. Ông tâm niệm: “Cuộc sống càng khó khăn thì chúng ta càng phải cố gắng vượt qua, khẳng định niềm đam mê của bản thân”.

Hằng ngày, ông phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng đi giao báo ở khu vực quận 5, quận 6 để mưu sinh. Buổi tối, ông luân phiên đến hai lớp võ của mình ở trường Trung học cơ sở Lý Phong (quận 5) và đình Hiệp Ân (quận 8) để dạy võ cho các thanh thiếu niên trong khu vực. Ngoài dạy võ cổ truyền, ông còn rất thành thạo các môn thể thao như: Boxing, Muay Thái và Pencak Silat, đã đào tạo được nhiều môn sinh, đại diện cho đội tuyển trẻ Thành phố tham dự các giải đấu trong khu vực, giành được nhiều giải thưởng cao. Bốn người con của ông đều đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Riêng cô con gái thứ Tạ Minh Tú Trinh (31 tuổi) trở thành nữ võ sư nối nghiệp của bố.

Võ sư Tạ Anh Dũng hướng dẫn một bài quyền của môn phái Kim kê Tây Sơn Nhạn tại lớp võ trường Trung học cơ sở Lý Phong – quận 5.

Các học trò được ông chỉ dạy luyện tập nghiêm túc, chăm chỉ.

Vị võ sư cùng cô con gái Tạ Minh Tú Trinh (31 tuổi) hướng dẫn các học trò luyện tập.

Võ sư Tạ Anh Dũng hướng dẫn một thế tấn cho học trò.

Võ sư Tạ Anh Dũng hướng dẫn một thế thủ cho học trò.

Nhiều môn sinh theo học vì quý cái tài và nghị lực của thầy Tạ Anh Dũng. 

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét