16 thg 9, 2015

Bác sĩ nông học Lương Định Của

Bác sĩ Nông học Lương Định Của sinh ngày 16/8/1920 tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, tốt nghiệp khoa Nông nghiệp trường Đại học Quốc lập Kyushu (tỉnh Fukuoka, trên đảo Kyushu) năm 1945 và làm việc trong Viện thực nghiệm, Trường Đại học Quốc lập Kyushu. Một thời gian sau, Ông ghi tên học ngành Di truyền chọn giống ở Tây Kinh (Kyoto), chuyên sâu về tế bào học. Với sự thông minh, nghiêm túc và cần cù trong học tập, nghiên cứu, Lương Định Của đã tốt nghiệp, được nhận bằng Bác sĩ Nông học loại ưu. Đây là học vị cao nhất trong ngành Nông học Nhật Bản và Lương Định Của là người thứ 96 trên nước Nhật được nhận học vị này. Chính phủ Nhật phong Lương Định Của là Giáo thụ trường Đại học Quốc lập Kyushu. Năm 1952, được sự đồng tâm của người vợ Nhật, bà Katamura Nobuko, Lương Định Của và vợ cùng 2 người con đã xuống tàu sang Hồng Kông để tìm đường về nước. Đến Hồng Kông, toàn bộ đồ đạc bị thất lạc, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn học là anh Trương Văn Hi, Lương Định Của và gia đình nhỏ của Ông mới về đến Sài Gòn an toàn cùng với 1 chiếc va-li lúa giống mà Ông luôn cẩn thận mang theo người.

Được tin Lương Định Của về nước, Chính quyền thân Pháp ở Sài Gòn cử người đến tiếp xúc, hứa hẹn nhiều việc làm và chức vụ cho Ông, kể cả kế hoạch giao cho Ông phụ trách một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp ở Mỹ Tho. Tuy nhiên, với lý do là mới về nước, không am hiểu được tình hình, nên Ông chỉ nhận hợp đồng làm việc ở Bộ Canh nông và tìm cách liên lạc với cơ sở kháng chiến. Sau gần 2 năm chờ đợi, Thành ủy Sài Gòn bí mật cử giao liên đưa gia đình vào căn cứ, sau đó đưa Ông và gia đình theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954.

Trong 2 năm đầu ở miền Bắc, Ông được phân công ở bộ phận Tổ lúa, rồi làm nhiệm vụ phó phòng Khảo cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nông lâm. Năm 1956, Trường Đại học Nông Lâm được thành lập ở Văn Điển, Ông được phân công làm phó Hiệu trưởng của Trường phụ trách khoa học kỹ thuật, rồi lần lượt giữ các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa II đến khóa V, đồng thời là Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phó Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

Vượt qua những khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, nhất là về máy móc thiết bị khoa học, người cán bộ đầu tàu của ngành Di truyền đã vừa kiên trì nghiên cứu, vừa tham gia giảng dạy. Nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của Lương Định Của về nông nghiệp đã ra đời, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp của miền Bắc lúc bấy giờ. Lương Định Của đã nghiên cứu thành công và cho ra đời giống lúa Nông nghiệp 1- giống lúa lai đầu tiên ở nước ta, lai tạo giữa giống lúa Ba Thắc (Nam bộ) với giống lúa Bun Kô (Nhật Bản); giống lúa Mùa muộn, giống lúa Chiêm 314, giống lúa 388 được phân lập từ dòng IR8 hay là Nông nghiệp 8; giống lúa Xuân sớm ( Nông nghiệp 75-1),.... Ngoài ra, Ông còn nghiên cứu các loại rau củ khác như giống dưa hấu không hạt, rau muống, khoai lang, cà chua... đem lại năng suất cao, phù hợp mùa vụ và loại đất trồng. Những nghiên cứu và thành công về các giống cây trồng mới của nhà khoa học đã được những người nông dân, các xã viên hợp tác xã ở các tỉnh miền Bắc tiếp nhận, thay đổi tập quán cũ, canh tác lúa, rau củ giống mới đạt năng suất cao hơn. Vì vậy, các giống khoai, dưa của nhà khoa học còn được gọi một cách dân dã là giống “khoai lang ông Của”, giống “dưa lê ông Của” v.v. . .

Các công trình nghiên cứu của Ông được Chính phủ và nhiều Bộ ngành đánh giá cao và tặng Bằng khen. Đặc biệt, Bác sĩ Nông học Lương Định Của được tặng 2 Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 1961 và 1962; vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Nhà nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngày 1/1/1967 cùng với 110 đại biểu khác. Sau ngày mất 28/12/1975, Ông được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất ký ngày 29/12/1975. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Ông, Bà có 5 người con (3 nam, 2 nữ). Tất cả đều nối gót theo chí hướng khoa học của người cha, lần lượt tốt nghiệp Đại học hoặc sau đại học, trong này có 3 người là nhà khoa học về nông nghiệp, 1 là ngành y và 1 là nhà vật lý.

Riêng Bà Nakamura Nobuko, khi ở miền Bắc vẫn tham gia công tác, lo nuôi dạy con cái, ủng hộ cao các hoạt động nghiên cứu khoa học của Ông. Sau khi Ông qua đời, Bà vẫn ở lại Việt Nam và hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, cùng với các con của mình. Dù đã 92 tuổi, Bà Nakamura Nobuko vẫn còn sức khỏe và trí nhớ tốt về quá khứ của Ông Lương Định Của.Bà đã viết hồi ký và được in sách với tựa đề “Cơn gió thổi từ Hà Nội”, chủ yếu nói về Ông Lương Định Của lúc ở Nhật Bản, lập gia đình với Bà, quá trình về nước, giảng dạy và nghiên cứu khoa học … cho đến khi ông mất đột ngột vào rạng sáng ngày 28/12/1975 tại Hà Nội. Quyển sách được Nhà xuất bản Thanh niên in và xuất bản quý IV năm 2012, dưới sự chỉ đạo thực hiện của Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Hùng và Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương ĐTNCS Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện.

Trân trọng những đóng góp và ghi nhớ công lao của một trong những nhà trí thức khoa học tiêu biểu của đất nước, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) đã ký quyết định đổi tên trường cấp 2-3 thị trấn Long Phú, huyện Long Phú và đặt tên một con đường của thị xã Sóc Trăng hướng về Đại Ngãi thành tên của nhà Bác sĩ Nông học Lương Định Của. Ngày 12/5/2004, UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định số 655/QĐ.HC.04 công nhận Di tích cấp tỉnh điểm lưu niệm danh nhân Lương Định Của ở ấp Ngãi Hội 1, xã Đại Ngãi huyện Long Phú. Tên Ông được đặt cho một số trường và đường ở TP.Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, TP. Cần Thơ v.v... Hàng năm, Trung ương Hội LHTN Việt Nam có giải thưởng khoa học mang tên Ông dành tặng cho các sinh viên nghiên cứu khoa học trẻ.

Năm 2009, UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Bác sĩ Nông học Lương Định Của tại trung tâm thị trấn Long Phú, huyện Long Phú. Nhà tưởng niệm có diện tích sử dụng 
1.350m2 với kinh phí xây dựng hơn 3 tỷ đồng được trích từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày trong Nhà tưởng niệm phản ánh phần nào những thành tích đóng góp to lớn của Ông cho ngành Nông nghiệp nước nhà. 


Công trình đã khánh thành và đưa vào hoạt động, ngoài việc trân trọng ghi nhớ công ơn của một nhà khoa học đã suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, còn là một trong những điểm tham quan của những nhà khoa học, sinh viên học sinh trong cả nước, của những đoàn khách du lịch. Đặc biệt, là những đoàn khách Nhật Bản. Từ đó, sẽ góp phần làm tăng thêm mối quan hệ Nhật Bản với Việt Nam nói chung và đối với tỉnh Sóc Trăng nói riêng.


Sau hội thảo khoa học với chủ đề “Lương Định Của - Nhà Nông học vì dân, vì nước” tập trung nêu bật đức và tài, những đóng góp cho sự nghiệp khoa học nông nghiệp của Ông, nhân dịp MDEC Sóc Trăng 2014 tổ chức vào đầu tháng 11/2014 tại TP. Sóc Trăng, đã có thêm những tư liệu phong phú viết về Ông. Những tài liệu hình ảnh về cuộc đời và thành tựu khoa học của Ông sẽ được tiếp tục tập hợp trong Nhà trưng bày, góp phần xây dựng thêm điểm đến mới cho khách du lịch trong và ngoài nước khi có dịp về tham quan Sóc Trăng.

Trịnh Công Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét