11 thg 9, 2015

Đến với Mẫu Thượng Ngàn

Tôi đọc Mẫu Thượng Ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã lâu lắm rồi, từ khi sách mới ra. Thế nhưng thú thiệt là đọc vì ái mộ nhà văn qua tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã đọc, chứ không phải vì háo hức muốn biết về Mẫu Thượng Ngàn. Ngay cả cái tựa Mẫu Thượng Ngàn, lúc ấy tôi còn chưa hiểu nó nghĩa là gì cơ mà!

Đọc xong rồi, hay thì có hay, nhưng phải thú thiệt một lần nữa là chưa cảm nhiều. Điều này cũng dễ hiểu thôi, hình tượng Mẫu, đạo Mẫu và Mẫu Thượng Ngàn không phải là hình ảnh quen thuộc đối với một người sống ở miền Nam như tôi.

Thế rồi năm 2012, tôi ra Nam Định, được bạn T.H. Luyện đưa đi thăm quần thể di tích Phủ Giầy, nơi được xem là trung tâm điểm của các di tich thờ Mẫu tại Việt Nam. Tôi đã thăm qua phủ Công Đồng, phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu (và trước đó là phủ Tây Hồ ở Hà Nội), những nơi linh thiêng thờ Mẫu. Cảm ơn bạn, bấy giờ tôi mới hiểu thêm Mẫu sống trong tâm thức người dân từ ngàn xưa đến tận bây giờ như thế nào.

Và thật sửng sốt khi đến núi Tiên Hương để viếng đền Mẫu Thượng Ngàn (đền Thượng). Ngôi đền ở trên núi cao, dọc theo triền núi nổi bật 3 chữ Mẫu Thượng Ngàn. Muốn đến đền phải leo hàng trăm bậc thang. Rủi thay, khi ấy tôi chỉ vừa phẫu thuật tim vài tháng, không dám leo núi mà chỉ đứng nhìn cậu em mình lên đền.





Ở bãi giữ xe, người giữ xe đang nằm đong đưa trên võng, mở radio nghe nhạc. Ồ, không phải nghe cải lương rồi. Nhưng cũng không phải nghe nhạc vàng, nhạc đỏ, hay nhạc trẻ. Ông ấy đang nghe chầu văn!

Dù không lên được núi viếng đền Mẫu Thượng Ngàn, nhưng với khung cảnh núi rừng ấy, với không khí linh thiêng ấy và những âm thanh ấy cùng hành trình qua các phủ, cảm nhận của tôi về Mẫu Thượng Ngàn đã thấm đậm hơn rất nhiều.

Tôi tự nhủ là về nhà sẽ đọc lại ngay tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn để hiểu hơn, và thực sự đã đọc lại. Dịp nào đó sẽ kể cho các bạn nghe nhé.

Hôm nay ghi lại bài này để một lần nữa cảm ơn bạn Mẹ Bụ (T.H. Luyện) vậy.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét