5 thg 2, 2024

Cao Sơn một ngày ta đến...

Giữa nhịp sống hiện đại, đồng bào Ca Dong ở làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc từ lâu đời của mình.

Quây quần gói bánh ốc. Ảnh: Q.T

Chiều muộn thảnh thơi sau giờ lên rẫy, gia đình ông Hồ Thanh Hùng (trú thôn Long Sơn, xã Trà Sơn) quây quần gói bánh ốc để tiếp khách đến chơi. Ông Hùng cho hay, tục gói bánh ốc thường diễn ra vào dịp tết mùa, đâm trâu và cúng sấm.

Ngày trước, nhắc đến bánh ốc người trong làng quan niệm rằng khi hết vụ và tổ chức mừng lúa mới nếu đến nhà nào có nhiều bánh ốc thì chứng tỏ rằng vụ mùa đó đã bội thu.

Bánh ốc được làm hoàn toàn từ gạo rẫy. Ảnh: Q.T

Bánh ốc là bánh truyền thống của người Ca Dong. Ảnh: Q.T

Bánh ốc được làm hoàn toàn từ nguyên liệu là gạo rẫy và thức chấm với muối mè. Thời gian để nấu bánh chín thường mất khoảng 10 - 12 giờ đồng hồ. Mỗi dịp tổ chức gói bánh ốc, người trong làng lại quần tụ ở từng nhà để gói, nấu và hàn huyên suốt đêm chờ bánh chín.

Tỉ mẩn xâu trang sức từ các hạt đá li ti. Ảnh: Q.T

Ở nhà bên, những người phụ nữ Ca Dong lại tập trung để kết chuỗi bằng đá. Đây cũng là một phong tục có từ lâu đời ở làng Cao Sơn. Những người phụ nữ ngồi tỉ mẩn hàng giờ đồng hồ khi có thời gian để xâu những hạt đá nhỏ li ti đủ sắc màu thành các loại trang sức, dây đeo cổ, tai, tay, chân…

Một đôi trang sức đeo tai xâu từ hạt đá. Ảnh: Q.T

Để xâu xong một sản phẩm đơn giản nhất thường mất ít nhất 30 phút. Một người phụ nữ trong làng Cao Sơn cho hay, khi nào rảnh họ sẽ xâu để đeo trong các dịp lễ của làng. Nếu dư thừa thì sẽ để dành lại cho con cháu sau này đeo. Xâu các chuỗi xen kẽ nhiều màu sắc sẽ công phu hơn nhưng cho ra sản phẩm bắt mắt, đẹp hơn.

Những đôi tay miệt mài đan lát. Ảnh: Q.T

Một nét đẹp lao động khác ở làng Cao Sơn không thể nhắc đến là đan lát. Một số người dân trong làng với đôi tay khéo léo có thể thoăn thoắt đan nhiều sản phẩm thủ công độc đáo như gùi và các loại giỏ.

Trao truyền kỹ năng đan lát. Ảnh: Q.T

Với nguyên liệu dồi dào sẵn có tại chỗ, từ lâu đồng bào đã biết chế tạo ra các sản phẩm phục vụ cho đời sống sinh hoạt thường ngày của mình cũng như để bán, trao đổi khi cần. Họ cũng rất ý thức trong việc bảo tồn nghề, trao truyền nghề cho thế hệ trẻ để tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp này.

Người trẻ học hỏi nghề để bảo tồn giá trị văn hóa làng. Ảnh: Q.T

Một lần ghé lại với đồng bào Ca Dong nơi đây, du khách sẽ phải xiêu lòng khi chứng kiến những nét đẹp mộc mạc, dung dị của đất và người Cao Sơn. Nằm ẩn mình như một thung lũng giữa đại ngàn, làng văn hóa Cao Sơn có lẽ vẫn còn ẩn chứa nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn khác mời gọi du khách khám phá…

QUỐC TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét