Chợ đình Bích La mở xuyên đêm, thu hút khách thập phương đến cầu may mắn, tài lộc - Ảnh: HOÀNG TÁO
Năm nay, để thu hút đông đảo du khách thập phương, chợ đình Bích La (xã Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị) được kéo dài thời gian tổ chức với nhiều hoạt động vui chơi hơn các năm, từ 14h ngày mùng 2 Tết đến trưa mùng 3.
Chợ Bích La mua may mắn, không trọng giá cả
Theo truyền thống, chợ chỉ họp một phiên duy nhất trong năm vào 22h tối mùng 2 Tết, kéo dài đến rạng sáng mùng 3.
Lịch sử phiên chợ một đêm này có từ 500 năm trước. Trải qua bao biến thiên dâu bể, có nhiều lúc phiên chợ phải trì hoãn nhưng đến nay dân làng vẫn gìn giữ được truyền thống bao đời.
Chuẩn bị cho phiên chợ Bích La, bà Lê Thị Biên (60 tuổi, trú xã Triệu Thành) cho biết từ trước Tết Nguyên đán nhiều tháng bà đã trồng hàng trăm gốc cây thần tài ở mảnh vườn sau nhà.
Những gốc cây này được chăm bón kỹ lưỡng để có thân mập mạp, lá xanh tươi.
"Sáng mùng 2 Tết, gia đình tôi cắt những cây đẹp nhất đưa ra chợ bán cầu may. Tôi còn bán thêm muối, bật lửa, tò he nặn bằng đất…
Cây thần tài để cầu mong du khách nhận nhiều tài lộc trong năm mới, muối để mọi người ứng xử với nhau mặn mà, tình cảm, còn bật lửa là để người mua được may mắn, "đỏ lửa" suốt cả năm", bà Biên giải thích.
Do là phiên chợ cầu may nên bà Biên không trọng giá cả, mỗi thứ bán 10.000 - 15.000 đồng. Người mua cũng không mặc cả đắt rẻ mà chỉ quan tâm niềm vui mang lại.
Tương tự, hàng trăm người dân khác ở Bích La cũng mang đến chợ nhiều mặt hàng tự làm, tự trồng để bán. Trong đó, thứ thông dụng nhất là cành cây xanh như cây thần tài, cây chè, trầu cau, muối.
Đến 5h sáng mùng 3, các bậc cao niên làm nghi lễ truyền thống, cầu thần Kim Quy ở hồ nước trong đình làng nổi lên mặt hồ mang lại mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Nghi lễ cầu thần Kim Quy ở phiên chợ cầu mong một năm mưa thuận gió hòa với người dân - Ảnh: HOÀNG TÁO
Ông Nguyễn Văn Nam cho hay sáng sớm mùng 3 Tết rủ bạn cùng lứa đạp xe từ nhà cách 10 km đến phiên chợ mua lộc.
"Tôi chọn một cành phát tài đẹp mua về nhà cầu mong năm mới sức khỏe, gia đình bình an. Đó là niềm vui nhất với người lớn tuổi như chúng tôi", ông Nam cho hay.
Phiên chợ cũng thu hút rất nhiều người từ các tỉnh thành đến tìm hiểu về một nét văn hóa, phong tục đẹp và khác biệt của Quảng Trị.
Nhiều người con Quảng Trị xa quê, tranh thủ về quê đón Tết cũng đi chợ đình Bích La để biết về truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Ông Lê Cảnh Phong - trưởng thôn Bích La Đông - cho hay chợ đình Bích La năm nay được đầu tư nhiều hơn về mặt thời gian, công sức và tâm huyết của các cụ cao niên trong làng.
"Hằng năm chợ thu hút hàng vạn người đến tham quan, tìm hiểu phong tục địa phương. Năm nay chợ tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như cờ tướng, bài chòi, đẩy gậy, viết chữ đẹp, trao học bổng… để thu hút du khách và dần nâng tầm lễ hội lên cấp quốc gia", ông Phong thông tin.
Hiện lễ hội chợ Bích La được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh, và đang được tỉnh Quảng Trị hoàn thiện hồ sơ đề nghị nâng lên cấp quốc gia.
Nhiều người con Quảng Trị xa quê, tranh thủ về quê đón Tết cũng đi chợ đình Bích La để biết về truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Ông Lê Cảnh Phong - trưởng thôn Bích La Đông - cho hay chợ đình Bích La năm nay được đầu tư nhiều hơn về mặt thời gian, công sức và tâm huyết của các cụ cao niên trong làng.
"Hằng năm chợ thu hút hàng vạn người đến tham quan, tìm hiểu phong tục địa phương. Năm nay chợ tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như cờ tướng, bài chòi, đẩy gậy, viết chữ đẹp, trao học bổng… để thu hút du khách và dần nâng tầm lễ hội lên cấp quốc gia", ông Phong thông tin.
Hiện lễ hội chợ Bích La được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh, và đang được tỉnh Quảng Trị hoàn thiện hồ sơ đề nghị nâng lên cấp quốc gia.
Hoàng Táo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét