24 thg 2, 2024

Tộc Ung ở xứ đất Chiên Đàn

Ở Hà Đông - Tam Kỳ có hai bà mẹ họ Ung nổi tiếng: cụ bà Ung Thị Lãng là thân mẫu Phó bảng Nguyễn Dục và cụ bà Ung Thị Nghiệm là thân mẫu Chủ tịch nước Võ Chí Công. Tộc Ung của hai bà phát tích từ làng Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa xưa.

Đình làng Chiên Đàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Điều đặc biệt của một tộc tiền hiền

Theo tư liệu lưu giữ, tộc họ định cư sớm nhất ở vùng Hà Đông - Tam Kỳ là tộc Ung và tộc Bùi; trong đó, tộc Ung có số đời xa nhất - tính từ ông thủy tổ đến năm 2023 là 21 đời. Căn cứ vào đó, ước đoán ông thủy tổ tộc Ung định cư trên đất Chiên Đàn cách nay gần 600 năm. Là tộc tiền hiền, người tộc Ung luôn giữ vị trí chủ bái trong các lễ cúng ở đình Chiên Đàn - ngôi đình lớn và xưa nhất hiện còn ở vùng phía nam của tỉnh.

Trang cuối bản Gia phả tộc Ung- Chiên Đàn ghi năm tu sao là GIÁP DẦN -Duy Tân thứ 8-1914 (ảnh do Gia tộc cung cấp).

Chiên Đàn là làng cổ có diện tích công điền đứng vào hàng nhất nhì trên vùng nam Quảng Nam. Làng này ở trung tâm vùng tháp Chăm Chiên Đàn - nơi có 3 di tích Chăm “tháp Bà Rầu, cầu Bà Dụ, ụ Ông Nghê”. Theo truyền miệng ở địa phương này, các vị thủy tổ tộc Ung - Chiên Đàn đã khai phá ruộng đất ở các xứ Tro Xen, Ma Nay, Ma Vang… và mở mối tộc họ trên các xứ đất đó.

Trang bìa bản Phổ chí tộc Ung- Chiên Đàn lập năm 1914 (ảnh do Gia tộc cung cấp)

Về sau, người tộc Ung - Chiên Đàn tỏa đi khai phá các vùng đất chung quanh: Phía đông bắc, ở vùng đồi An Hà, họ khai phá các xứ đất Xuân Đăng, Thao Lao; cùng các tộc họ khác lập nên xã Tứ chánh An Hà (nay là các khối phố An Hà Trung và An Hà Nam, phường An Phú, TP. Tam Kỳ).

Một bộ phận vượt qua sông Tam Kỳ đến vùng phía nam sông Bầu Bầu, khai phá ruộng đất trên các xứ đất Cửa Dàng, Xa Niết rồi cùng các tộc họ khác lập nên thôn Hà Bố (nay là vùng Đức Bố thuộc xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành); từ đây có một phân chi rẽ ra lập nghiệp tại xã Bình Trị, huyện Thăng Bình.

Ở phía nam, họ lên đến vùng thượng nguồn sông Tam Kỳ lập nên địa hiệu “Chiên Đàn tộc, Trung Đàn thôn” (nay thuộc xã Tam Đại, huyện Phú Ninh); rồi một bộ phận rời nơi này, men theo mé nam sông Tam Kỳ, đến khai phá và định cư ven vùng đồi Trà Quân ở phía tây nam tháp Chăm Khương Mỹ (nay là thôn Bích Tân, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Điều đặc biệt là người tộc Ung đến khai phá ở địa phương nào đều tụ cư trên một địa điểm - cho đến năm 1955, đặc điểm này vẫn còn giữ nguyên.

Tấm hoành TRẠC QUYẾT LINH ở chính điện đình Chiên Đàn (ảnh Phú Bình)

Con cháu các phái tộc Ung, qua các đời, hàng năm đều về giẫy mả các vị “thượng đợi tộc Ung” ở Chiên Đàn (nay là hai xã Tam Đàn và Tam An, huyện Phú Ninh) và nối theo bản gia phả xưa nhất còn lưu ở quê gốc lập nên gia phả các chi phái An Hà, Trung Đàn - Bích Tân, Đức Bố.

Hậu duệ họ Ung- Chiên Đàn bên mộ ông Ung Công (ảnh Phú Bình)

Thủy tổ Ung Thái Công

Thủy tổ Ung Thái Công được gia phả ghi là người đầu tiên định cư và mở mối tộc Ung trên đất Chiên Đàn. Hiện chưa rõ vị này có phải là tiền hiền hay là hậu duệ đầu tiên đứng tên lập bộ điền về sau mới là ông tiền hiền?

Tuy nhiên, tên hiệu và quê quán cụ Ung Thái Công có nhiều điểm đặc biệt cần tìm hiểu: Gia phả các phái tộc Ung thống nhất tuyên xưng ngài là “Ung Thái công 雍太公” (ông tổ họ Ung rất xa đời) mà không ghi danh hiệu là thủy tổ và ghi tổ quán (quê gốc) như thường gặp trong cách ghi ở gia phả các họ tộc khác vốn từ phía bắc vào.

Gia phả tộc Ung - Chiên Đàn ghi “Ung Thái công hiệu Xá La Cây 舍羅核”. Ngoại hiệu đặc biệt này gồm 3 âm rất lạ - trong khi đó, tên con cháu tộc Ung các đời sau đều mang những âm (và nghĩa) quen thuộc, thường dùng.

Hậu duệ họ Ung- Chiên Đàn bên mộ ông Ung Công (ảnh Phú Bình)

Hiện ở thôn Đàn Trung xã Tam Đàn có ngôi mộ xưa, bề thế, có tấm bia đá ghi “Liêm hộ - Hiển khảo Ung Công chi mộ - Mậu Dần niên, Quý Đông, Cát nhật lập thạch. Hiếu tử Nam: Toản, Châu, Trường, Học; Nữ: Liên, Nầy”. Dịch ra như sau: “Đây là mộ ông họ Ung, cha của chúng tôi, quê quán ở “thuộc Liêm hộ”; bia mộ dựng vào ngày tốt tháng Chạp năm Mậu Dần” (tên các con đứng lập bia như trên - NV).

Khảo sát hoa văn trên diềm bia và địa hiệu “Liêm hộ” khắc trên trán bia có thể biết bia này có niên đại thế kỷ 17-19 (thời các chúa Nguyễn hoặc đầu thời các vua Nguyễn).

Tại Đức Bố, cũng có một ngôi mộ có kiến trúc mộ bia y hệt ngôi mộ ở Chiên Đàn nói trên. Bia đặt trước mộ ghi: “Liêm hộ - Hiển tỷ thụy Từ Huệ - Ung môn (?) Trương thị chi mộ - Tuế thứ Tân Tỵ niên, quý thu, cốc nhật” (Dịch: Đây là mộ mẹ chúng tôi, quê quán ở “thuộc Liêm hộ”, có tên thụy là Từ Huệ, là dâu họ Ung.

Bia được dựng vào ngày tốt tháng 9 năm Tân Tỵ). Có thể biết mộ này là của vợ ông Ung Công nói trên bởi tên các người con dựng bia giống nhau. Điểm đặc biệt ở đây là kiểu bia mộ hiệu “Liêm hộ” này rất hiếm gặp ở vùng nam Quảng Nam.


Cách bảo tồn danh tính tộc họ đặc sắc

Tìm hiểu các bản gia phả được ông Ung Nho Giác (đời thứ 14 - phái An Hà) lập năm Mậu Dần - 1878 và đối chiếu với tên các chủ đất tộc Ung trong bản gốc địa bạ làng An Hà lập năm Gia Long thứ 13 - 1814 (hiện còn lưu ở địa phương - NV) biết được các vị đời thứ 11, 12 của tộc Ung ở Chiên Đàn và An Hà tại thế vào cuối thời các chúa Nguyễn.

Lại tham khảo bản gia phả do ông Ung Nho Xá (đời thứ 15 - phái An Hà) đứng tên lập năm Mậu Dần - 1938 biết được đến năm này hậu duệ tộc Ung đã đến đời thứ 17 và đến năm 2023 số đời đã lên đến 20, 21 đời.

Tính ngược về trước, có thể biết thân phụ và thân mẫu ngài Xá La Cây sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ 15 (từ năm 1400 - 1470) là khoảng thời gian từ khi nhà Hồ chuẩn bị đưa dân vào vùng trấn Tân Ninh - Quảng Nam đến khi vua Lê Thánh Tông khởi sự Nam chinh. Qua đó, khẳng định tính xác thực của truyền ngôn được lưu hành từ xưa ở vùng Hà Đông - Tam Kỳ là “Tộc Ung - Chiên Đàn là tộc họ định cư ở vùng này sớm nhất”.

Tên các người phái nam của tộc Ung - Chiên Đàn trong các bản gia phả, đa số có chữ lót là “Nho 儒”; các chữ lót này được giữ gìn bền vững trong 4 phái qua các đời. Điều này trở thành một đặc điểm họ tộc. Ở nam Quảng Nam, gặp một người có họ và chữ lót “Ung Nho” là biết ngay người đó có gốc gác từ tộc Ung - tiền hiền làng Chiên Đàn. Đặc điểm này được giữ cho đến tháng 8/1945.

Sau đó, dù có một số thành viên chọn chữ lót khác như Thành, Duy, Ngọc, Tấn, Đức… nhưng khuynh hướng chọn chữ lót là Nho vẫn chiếm đa số. Phụ nữ họ Ung chỉ dùng tên đơn đặt sau chữ Thị. Sau năm 1945, theo khuynh hướng chung, nhiều gia đình tộc Ung đặt tên kép cho con gái - đặc biệt có gia đình đã ghép tên kép cho các con gái gồm Nho (+ tên) đặt sau “Ung Thị”; đây là cách bảo tồn đặc điểm danh tính tộc họ khá đặc sắc!

Một đặc điểm nữa, ông Ung Duy Hùng (ở Bích Tân - Tam Xuân 1) cho biết: Từ xưa đến nay, tộc Ung - Chiên Đàn không hề có một cuộc hôn phối nào giữa nam nữ cùng họ. Điều này trở thành mặc định trong tộc họ từ khởi thủy và giữ mãi về sau.

PHÚ BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét