20 thg 2, 2024

Thơm bùi xôi hạt dẻ

Vào giữa tháng 7 âm lịch, khi những vườn dẻ ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn vào mùa thu hoạch cũng là lúc người dân nơi đây dùng hạt dẻ làm xôi để thưởng thức hoặc bán cho các khách hàng đến thăm quan, trải nghiệm vườn dẻ. Nếu ai đã từng một lần được thưởng thức, chắc hẳn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng của món xôi này.

Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Lạc có hơn 100 ha cây dẻ, sản phẩm hạt dẻ tươi Quảng Lạc hiện đã được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Lạng Sơn.

Ông Phạm Đình Duy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Để từng bước nâng cao giá trị kinh tế từ cây dẻ, từ năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động các hộ trồng dẻ kết hợp sản xuất gắn với phát triển du lịch trải nghiệm để du khách thăm quan có thể vừa hái vừa thưởng thức hạt dẻ. Đặc biệt, để thu hút, tạo điểm nhấn từ sản phẩm hạt dẻ, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chế biến nhiều món ăn ngon từ hạt dẻ, đặc biệt là xôi hạt dẻ.

Bà Hoàng Thị Kiểm thực hiện công đoạn thái hạt dẻ

Để tìm hiểu về công đoạn chế biến món xôi độc đáo này, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Kiểm, thôn Quảng Trung II, xã Quảng Lạc – một trong những hộ trồng dẻ đầu tiên của xã. Trong lúc đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu, bà Kiểm vui vẻ chia sẻ: Từ năm 2010, gia đình tôi trồng được hơn 60 cây dẻ. Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả kinh tế đem lại, đến nay gia đình tôi đã trồng được trên 300 cây, trong đó có 60 cây đã cho thu hoạch. Nguyên liệu chính để làm xôi là gạo nếp và hạt dẻ. Trước đây, tôi chỉ làm xôi hạt dẻ để phục vụ gia đình nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, khi xã có chủ trương phát triển mô hình trải nghiệm vườn dẻ, gia đình tôi đã đăng ký tham gia và bắt đầu làm xôi để phục vụ khách hàng khi đến thăm quan.

Để tạo ra món xôi hạt dẻ ngon, chuẩn vị và có màu sắc bắt mắt thì khâu chuẩn bị nguyên liệu vô cùng quan trọng. Gạo nếp được chọn đồ xôi phải là loại gạo hạt đều, mẩy, bóng và có hương thơm, thường thì người dân dùng gạo nếp cái hoa vàng để làm xôi. Hạt dẻ phải là hạt tròn, vỏ ngoài còn tươi, có màu nâu sậm thì khi ăn mới ngon và bùi.

Sau khi chọn nguyên liệu, gạo được đem vo sạch, ngâm nước từ đêm hôm trước hoặc ít nhất là 6 tiếng. Sau đó, người làm xôi đổ gạo ra rổ, xóc cho ráo nước rồi cho thêm chút muối vào trộn cùng để sau khi đồ xôi đậm đà hơn. Hạt dẻ được khứa rồi cho vào nồi luộc sơ qua, khi nước vừa sôi thì tắt bếp và ngâm hạt dẻ trong nước lạnh để vỏ mềm, dễ bóc. Sau đó, bóc lớp vỏ ngoài và vỏ lụa rồi thái hạt dẻ thành những miếng nhỏ để khi chín hạt dẻ quyện cùng xôi.

Sau khi đã thái hạt dẻ, bước tiếp theo là trộn đều gạo và hạt dẻ, rồi cho vào chõ, đậy kín nắp nồi và tiến hành đồ xôi. Khoảng 30 phút sau thì xôi hạt dẻ chín. Người làm trộn với một muỗng dầu ăn lên trên cùng, dùng đũa đảo đều để hạt xôi bóng mẩy, không dính chõ.

Xôi khi chín được hòa quyện với hạt dẻ, khi ăn, rắc qua trên thêm ruốc để xôi có vị đậm đà hơn. Xôi hạt dẻ có vị dẻo của gạo nếp, thơm bùi của hạt dẻ, đặc biệt hạt dẻ rất tốt cho sức khỏe, nhất là tim mạch, nên được rất nhiều người ưa thích. Từ 4 hộ ban đầu, đến nay, trên địa bàn xã đã có 12 hộ phát triển mô hình trải nghiệm vườn dẻ. Theo đó, khi đến vườn dẻ, ngoài việc hái dẻ, du khách cũng có thể nhờ chủ vườn chế biến hoặc tham gia trải nghiệm làm xôi hạt dẻ để mang về làm quà.

Xôi hạt dẻ thành phẩm

Chị Trần Thị Hải, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội chia sẻ: Đầu tháng 8/2023, tôi có dịp đến thăm quan và trải nghiệm vườn dẻ tại xã Quảng Lạc. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với món xôi hạt dẻ bởi mùi thơm bùi đặc trưng của hạt dẻ, quyện cùng xôi nếp nương. Món xôi tuy giản dị nhưng mang đến cho tôi ấn tượng khó quên. Do vậy, ngoài thưởng thức tại vườn, tôi còn đặt mua về làm quà cho người thân, bạn bè.

Mùi thơm của hạt gạo nếp dẻo hòa lẫn vị bùi, ngọt của hạt dẻ, khi kết hợp với nhau đã tạo nên vị xôi ngon lạ miệng, hấp dẫn khiến người thưởng thức nhớ mãi không quên. Với hương vị đặc sắc, độc đáo, xôi hạt dẻ đã trở thành một trong những món ngon thu hút nhiều khách hàng. Qua đó, góp phần quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm từ dẻ, thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét