Mộc bản liên quan đến vùng đất Quảng Ngãi xưa phải kể đến bộ thông sử của chúa Nguyễn như sách “Đại Nam thực lục tiền biên”. Trong sách này khắc nói về chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Tư Ngãi thành phủ Quảng Ngãi: “Giáp Thìn, năm thứ 47 (1604), lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu), lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa (nay đổi là Thăng Bình) làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên”.
Mộc bản sách “Đại Nam nhất thống chí” (quyển 6, mặt khắc 5), khắc rất kỹ về vị trí địa lý của tỉnh Quảng Ngãi: “Phía đông tỉnh có đảo Hoành Sa (tức đảo Hoàng Sa), liền cát và biển làm trì, phía tây giáp miền sơn Man (nói về vùng miền núi phía tây có dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong sinh sống), có lũy dài vững vàng (ý nói là Tĩnh Man trường lũy), phía nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá (đèo Bình Đê) chắn ngang, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn”. Sách còn chép hình thế của tỉnh Quảng Ngãi: “Núi có tiếng thì có núi Thiên Ấn, núi Thiên Bút, núi Long Đầu làm phên dậu ở tả hữu. Sông cái thì có sông Trà Khúc, sông Châu Tử và sông Vệ bao bọc trước sau. Năm cơ (5 cơ Tĩnh Man) chia đóng, gìn giữ biên cương, sáu tấn bày phòng, vững vàng mặt biển. Chợ phố Phú Đăng nhóm họp hàng hóa. Đồng ruộng rộng, bằng phẳng, dân cư đông đúc...”.
Đánh giá về vai trò của Mộc bản Triều Nguyễn trong học tập, nghiên cứu, giáo dục lịch sử cho nhân dân địa phương, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) để sưu tầm một số Mộc bản quan trọng khắc về vùng đất Quảng Ngãi xưa. Hiện nay, Thư viện Tổng hợp đã lập danh mục và thực hiện sưu tầm khoảng 30 mục tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn để phục vụ nhân dân trong thời gian đến.
Mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 22, mặt khắc 8, 9” khắc về việc đổi tên gọi tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ lịch sử: “Đổi phủ Tư Nghĩa làm phủ Quảng Nghĩa. Năm Minh Mạng thứ 12 đổi trấn làm tỉnh, lại đổi phủ Quảng Nghĩa là phủ Tư Nghĩa. Năm Thiệu Trị nguyên niên, huyện Mộ Hoa, tỉnh Quảng Nghĩa làm huyện Mộ Đức”. Cũng trong sách này, bản khắc 3 khắc về cửa biển Sa Kỳ, Thái Cần thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Mộc bản “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 24, mặt khắc 12” khắc về việc sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế lập ra Nhà Nguyễn, vua Gia Long sai Lê Văn Duyệt và Lê Quang Định biên binh và dân Quảng Ngãi làm mười Kiên cơ (Trung kiên nhất, Trung kiên nhị, Tiền kiên nhất, Tiền kiên nhị, Tả kiên nhất, Tả kiên nhị, Hữu kiên nhất, Hữu kiên nhị, Hậu kiên nhất, Hậu kiên nhị, cộng là 10 cơ) vào năm Giáp Tý (1804). Đến năm Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828), vua cho đổi 6 cơ Kiên ở Quảng Ngãi làm cơ Tĩnh, Man, Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục (mộc bản Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 55, mặt khắc 16).
Trong các Mộc bản, gồm “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 85, mặt khắc 12”, vua Minh Mạng cho chia đặt tỉnh hạt, trong đó tỉnh Quảng Nghĩa thống trị 1 phủ Tư Nghĩa và 3 huyện Chương Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Hoa. “Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 36, mặt khắc 33”, vào năm Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867), vua cho dời huyện lỵ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đến đóng ở thôn Tuân Trì (trước ở núi An Xuân, địa thế cheo leo). “Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ, quyển 3, mặt khắc 44”, vua Đồng Khánh cho đổi tên xã Chính Mông ở Quảng Ngãi thành xã Chính Lộ vào năm Bính Tuất (1886).
Quảng Ngãi là vùng đất địa linh nhân kiệt, các công thần tiêu biểu của tỉnh qua Mộc bản trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện nhị thập, quyển 22” ghi chép khá rõ về cuộc đời và sự nghiệp làm quan công thần Trương Đăng Quế: “Trương Đăng Quế có tên tự là Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khế. Tổ tiên của ông là người ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Vào triều vua Lê Hy Tông năm thứ 10 (1684), ông tổ 6 đời của Trương Đăng Quế là Trương Đăng Trường ứng nghĩa vào Nam, làm quan đến chức Cai quản, tước Nghiêm Lĩnh Bá. Nhân đó ông làm nhà ở Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cha của Trương Đăng Quế là Trương Đăng Phác, làm chức Tri phủ dưới thời Tây Sơn. Trương Đăng Quế là con thứ, thuở nhỏ đã có tiếng giỏi văn. Trương Đăng Quế đỗ Hương tiến năm Gia Long thứ 18 (1819), là người khai khoa của Quảng Ngãi, làm quan qua 3 đời vua Nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức...”.
Bài, ảnh: VÕ MINH TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét