Tinh sương - Ảnh: Nông Văn Dân
Phương ngữ Quảng Trị được nhắc đến trong một vài công trình nghiên cứu về ngôn ngữ các tỉnh Bắc Miền Trung của các nhà khoa học như: Hoàng Thị Châu, Vương Hữu Lễ... và được khúc xạ qua cách ghi nhận bằng văn bản như cuốn Văn học dân gian Quảng Trị do Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị ấn hành sau khi tái lập tỉnh không lâu, một công trình sưu tầm và biên soạn văn hóa địa phương gần gũi với loại sách công cụ khá hữu ích. Tuy nhiên, do phương thức biểu đạt đã được “phổ thông hóa” về mặt ngôn ngữ để bạn đọc gần xa dễ tiếp thu nên sắc thái phương ngữ địa phương đã “hương đồng gió nội bay đi”... cũng nhiều rồi.
Theo chúng tôi, hai ấn phẩm có giá trị về mặt phương ngữ Quảng Trị, trước hết về mặt từ vựng và ngữ nghĩa, đó là Chuyện trạng Vĩnh Hoàng của tiến sĩ Võ Xuân Trang thời còn tỉnh Bình Trị Thiên và Eng về Quảng Trị đi eng của Ngọc Hồ ra đời cách đây không lâu.
Chúng tôi cũng đã có dịp khảo sát thực tế chuyện trạng Vĩnh Hoàng và tái hiện bằng bài viết. Có thể thấy rằng phương ngữ chỉ có thể phát huy tác dụng tối đa khi được thể hiện bằng chính ngữ âm của người địa phương. Phương ngữ cộng với thổ âm mới là “đắc địa”, như chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh) phải kể bằng từ ngữ địa phương và chất giọng của dân bản địa. Xin lấy một ví dụ, chuyện Lợ một buội cày (Lỡ một buổi cày) được kể như sau: Bựa nớ, dà có mấy méng rọong, tui ưng đi cày sớm nên dặn vợ chủn bị cơm nác. Trời đạ sáng chi mô, vợ tui đạ mần sặn một bù nác chè đặc với một mo xôi xáo vợi khoai, bay mùi ra chi thơm. Tui nghe đạ khoái, liền lùa bò một mạch tận rú. Chộ trời chưa rạng, tui cho bò ăn một chặp. (dịch: Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tui thích đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Trời đã sáng gì đâu, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo với khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền lùa bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho bò ăn một lúc)...
Nhà văn Xuân Đức, một người con của Vĩnh Linh, cựu giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị lúc sinh thời cũng đã nhiều lần khẳng định rằng cần phải bảo tồn chuyện Trạng như một đặc sản văn hóa. Và đương nhiên phải giữ gìn nguyên bản phương ngữ đương kèm theo chất giọng địa phương, cũng như tạo điều kiện cho không gian văn hóa dân gian để bà con có cơ hội diễn xướng và qua đó để tiếp tục lưu truyền.
*
Phương ngữ Quảng Trị cũng vi tế, có khi ở trong cùng một huyện, thậm chí một xã mà không phải từ ngữ dùng đã trùng khớp với nhau. Lấy ví dụ như để chỉ “đàn bà” theo tiếng phổ thông thì phương ngữ có khi là “nần bà” hoặc cũng có thể là “lần bà”... Hoặc cùng một cụm từ nhưng nghĩa lại thay đổi tùy theo ngữ cảnh. Dẫn chứng như từ tổ hợp “đạ sèm”, tức là đã cơn thèm, như muốn ăn mít đã lâu nay ăn một bữa thỏa thích thì khoái chí kêu lên: “Ăn một bựa, đạ sèm”. Nhưng khi gặp một người mình không thích hoặc họ làm điều gì, nói điều gì rất không vừa ý thì người nghe cũng nói: “nghe đạ sèm”, có nghĩa là ớn luôn, ngán con người ấy luôn...
Tiếp tục đi vào lựa chọn và khảo tả một số trường hợp phương ngữ đáng chú ý khác.
Trước hết, phương ngữ Quảng Trị cũng có một số đặc điểm chung khi đối chiếu với từ phổ thông nhưng vẫn có những ngoại lệ thú vị. Ví dụ: nh/d (ôông), đọc là dôông, tức là chồng; bôộng: tức là bộng/hang nhỏ; tôông, tức là tông (xe tông: xe đâm/cán)... Tương tự như: béng (bánh); cẹng (cánh); teng (tanh)... Nhưng cũng có ngoại lệ như mẹng thì không đọc và không có nghĩa là mạnh mà là miệng.
Quảng Trị có câu tục ngữ Con có mạ như thiên hạ có vua. Mạ (mẹ) một người phụ nữ bình thường lại được ví ngang con trời (thiên tử), vua của một nước. Quá đúng, quá hay và quá táo bạo trong xã hội phong kiến vốn đề cao thứ bậc và trọng nam khinh nữ. Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Tịnh Thy, giảng viên Đại học Sư phạm Huế khi biết được câu này cũng khá bất ngờ và đã đánh giá cao, coi đó là tài sản tinh thần của riêng Quảng Trị. Điều này hợp lý, bởi theo người viết bài này, không tìm thấy ví dụ tương tự ở hai tỉnh bạn lân cận, vốn gần gũi về văn hóa và phương ngữ là Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.
Trong một xã hội nông nghiệp cổ truyền, dù vẫn có khát vọng học năm ba chữ thánh hiền, hoặc lớn hơn mơ ước làm quan nhưng cuộc đời người nhà nông gắn bó cả cuộc đời hầu như sau lũy tre làng. Nên vì vậy, họ vẫn đề cao không giấu vẻ thiên vị những chàng lực điền, ít ra sự lựa chọn này cũng là an toàn nhất đối với các thôn nữ: Lấy quan, quan cách / Lấy Khách, Khách trở về Tàu / Lấy nhà giàu, sợ nhà giàu đập / Lấy lính tập, sợ ni đổi, mai thay / Suy đi, nghĩ lại, lấy trai cày vẫn hơn. Và cũng bởi ngày xưa, nếu tình duyên vợ chồng lỡ làng thì hầu như bao giờ người phụ nữ cũng chịu thiệt thòi, ít nhất cũng là tiếng bấc, tiếng chì dị nghị. Nên Quảng Trị mới có câu ca tinh tế mà cũng ngậm ngùi nữ tính cổ truyền: Áo lành răng nỡ vá vai / Gái không chồng để (bỏ), khoe tài nỗi chi? Sự thua thiệt này còn có khi biểu hiện trong đời sống hàng ngày mà người được nói đến cũng không may mắn: Mần (làm bạn) với đòn triêng (đòn gánh), đòn triêng đè cổ, mần bạn với người, người dộ (dụ dỗ) chồng đi.
Hoặc có những câu rất trực quan mà táo bạo đến không ngờ, chẳng hạn như đánh giá sự không tương xứng, thậm chí đối nghịch khi trang trí các bộ phận của cùng một cơ thể, tạo nên hình ảnh/tình thế vừa tức cười vừa đáng chê cười. Một câu trực quan sinh động mà hay đáo để: L. ở lổ, cổ đeo hoa. Hay khi phê phán những kẻ bần tiện quá quắt, chỉ tính lợi lộc dù không đáng kể mà bất chấp cách làm dù nhơ bẩn, hạ đẳng: Ẻ côi, đơm đó đưới (Ỉa trên, đơm đó dưới)
Hoặc câu ca dao cũng chỉ riêng Quảng Trị mới có, diễn tả sâu sắc nỗi niềm con người, đặc biệt là phụ nữ trong chiến chinh, loạn lạc, khổ đau và chờ đợi: Mạ thương con ra ngồi cầu Ái Tử / Vợ thương chồng lên đứng núi Vọng Phu.
Trong văn học dân gian thì thường thể hiện tinh thần chịu thương, chịu khó, lạc quan đến cùng mà bài ca Con gà Kẻ Diên nổi tiếng là một ví dụ. Tháng giêng, tháng hai / Tháng khốn, tháng nạn / Đi vay, đi tạm / Được một quan tiền / Ra chợ Kẻ Diên / Mua con gà mái ấp... Con quạ bắt, con mặt cắt lôi / Đừng than phận khó ai ơi, còn đa (da) lông mọc, còn chồi nảy cây. Thời kháng Mỹ, nhà thơ lớn Chế Lan Viên khi đi dự hội nghị quốc tế các nhà văn ở châu Âu đã tự hào nói với bạn bè thế giới về bài ca lạc quan của Quảng Trị - Việt Nam, coi đó là tài sản tinh thần vô giá để chiến thắng mọi thử thách khốc liệt của chiến tranh. Ông còn ví bài ca này với thần thoại phượng hoàng lửa bất diệt phổ biến ở phương Tây.
Nhưng cũng chính ở Quảng Trị lại có một bài vè khác thường, chỉ thấy toàn là vận hạn và kết thúc bi kịch, đó là bài “Vè thằng Tạo”: Nghe vẻ, nghe ve / Nghe vè thằng Tạo / Ăn cháo mẻ răng / Ăn măng xót rọt (ruột) / Đi mót mất phần / Sương (gánh) phân mất trạc / Sương nác (nước) bể gò (thùng, gàu) / Chự (giữ) bò, bó đá / Bắt cá, cả nẻ / Đi ẻ (ỉa) chó cắm (cắn) / Đi tắm chết trôi / Ôi thôi rồi, đời thằng Tạo. Bài vè có vẻ như không tránh được khí vị hài hước, đùa cợt, nhưng nghe xong vẫn khiến ta ngẫm nghĩ. Một cuộc đời kể ra làm việc gì cũng xui rủi toàn tập, bất hạnh cho đến chết. Nhưng ngẫm ra, không chỉ là ngày xưa, trong cuộc đời, những số phận như thế này cũng không phải là điều hiếm có, nhất là những giai đoạn loạn lạc, đói nghèo và bất an kinh khủng.
Khi đề cập phương ngữ, người ta thường hay nói đến khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ mà thường không để ý, thậm chí nhiều khi quên bẵng hoặc không biết vai trò của trò chơi phương ngữ dân gian, một biểu hiện khía cạnh khác, rất đáng quan tâm và thú vị của ngôn ngữ đại chúng trong đời sống cụ thể và sinh động của tầng lớp bình dân. Ví dụ, dân gian thường đưa ra đoạn văn nói sau và bắt đọc nhanh nhưng tránh đọc chạm đến những từ dung tục: Đụa (đũa) cụ (cậu), đụa dì, đụa tui sau lái, đùa đi, đùa lại, cũng là đụa tui... Trò chơi phương ngữ đơn giản và vui nhộn, nếu nói có va vấp thì cũng coi như ảnh hưởng lối chơi đố tục giảng thanh hay ngược lại: đố thanh giảng tục của dân gian thường được lưu truyền phổ biến cho đến ngày nay mà trong quá khứ Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã tiếp thu và vận dụng rất tài tình.
Phương ngữ Quảng Trị sâu đằm mà ám ảnh, có khi khuyên nhủ, răn dạy con người biết phải trái, đúng sai, biết lễ nghĩa mà sống cho tử tế. Đó chính là đạo lý của làng quê, cội rễ dân tộc này, của cả những người không biết chữ. Vì vậy, dù thường có vẻ dễ hiểu nhưng lại luôn để ngỏ những điều cần tìm tòi và khám phá...
PHẠM XUÂN DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét