Rằm tháng 7 đã đến rất gần, thời điểm này, nhiều gia đình ở Lạng Sơn đang tất bật mua sắm, chuẩn bị các nguyên liệu để làm các loại bánh như: bánh rợm, bánh gai, bánh chuối… Giống như nhiều gia đình người Tày, Nùng khác ở Lạng Sơn, năm nay, gia đình bà Trần Thị Nhị, thôn Hà Quảng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan vẫn duy trì việc làm bánh chuối vào dịp rằm tháng 7. Trong lúc đang nhanh tay lau từng chiếc lá chuối, bà Nhị cho biết: Hằng năm vào dịp này, gia đình tôi thường làm bánh chuối, một loại bánh có từ lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng. Nguyên liệu để làm bánh rất mộc mạc, dễ kiếm như: gạo nếp, chuối tây, đỗ xanh… nhưng để làm được ra những chiếc bánh thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của người làm. Chính vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong quá trình chế biến nên cặp bánh chuối bày cạnh mâm cỗ cúng của mỗi gia đình còn thể hiện cho tấm lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên.
Để làm được những chiếc bánh ngon, có độ mềm dẻo, việc lựa chọn gạo rất quan trọng. Theo đó, gạo được dùng để làm bánh là gạo nếp, hạt gạo có độ chắc mẩy. Không giống với cách làm bánh rợm, bánh gai, gạo làm bánh chuối không cần ngâm qua nước mà được trực tiếp đem đi nghiền thành bột.
Vị ngọt và hương thơm của bánh được tạo nên từ những quả chuối chín vàng. Người làm thường sử dụng chuối tây để làm bánh, vì chuối tây cho độ dẻo, thịt chắc, vị ngọt thanh hơn loại chuối tiêu. Sau khi chọn được nguyên liệu, người làm bóc vỏ chuối, nghiền nát, trộn đều với bột gạo nếp và mang đi giã cho đến khi chuối và bột nếp hòa quyện lại với nhau. Thông thường, công đoạn giã bánh mất từ 30 đến 40 phút và tiêu tốn rất nhiều công sức.
Đối với phần nhân bánh, người làm sử dụng đỗ xanh. Sau khi được ngâm khoảng 4 tiếng đồng hồ và đem đồ chín, người làm xào đỗ xanh trên bếp lửa nhỏ, cho thêm đường kính và tiến hành đảo đều. Vì phân bột bánh đã có vị ngọt thơm của chuối nên phần nhân đỗ xanh chỉ cho một lượng đường vừa phải, nếu không bánh sẽ có độ ngọt gắt, không giữ được vị ngọt thanh nguyên bản.
Nguyên liệu để gói bánh thường được dùng bằng lá chuối. Thông thường, người làm lựa chọn những tàu lá chuối to bản, lành lặn được lau sạch bằng khăn rồi đem phơi nắng hoặc hong qua lửa để lá úa. Việc này giúp lá có độ mềm, dai, không bị rách khi gói.
Sau khi hoàn thành các công đoạn sơ chế, người làm sẽ nặn bột thành hình vỏ sò, cho nhân đỗ xanh vào giữa và tiến hành vo tròn lại. Cuối cùng là dùng lá chuối gói bánh lại, gấp 2 đầu và mang vào nồi hấp trong vòng 40 đến 60 phút (tùy thuộc vào lượng bánh).
Bánh chuối thành phẩm có màu nâu nhạt
Bánh chuối khi chín có màu nâu nhạt, có mùi thơm, vị ngọt của chuối, vị bùi của đỗ xanh và độ mềm, dẻo của bột gạo nếp. Khi ăn, người thưởng thức có thể cảm nhận rõ từng hương vị của các loại nguyên liệu được hòa quyện lại với nhau. Chính cái phong vị mộc mạc, thân thuộc ấy đã tô điểm thêm cho nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng và khiến những người con Xứ Lạng xa quê luôn nhớ và tìm về mỗi dịp rằm tháng 7.
Không chỉ người dân ở Văn Quan mà các tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh, vào dịp này, nhiều gia đình cũng tất bật chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh chuối. Chị Hoàng Thị Thu, thôn Pác Khuông, xã Thiện Thuật cho biết: Bánh chuối gắn liền với tuổi thơ của tôi. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được bà, được mẹ dạy cách làm bánh chuối. Cứ vào mỗi dịp rằm tháng 7, dù ai trong gia đình tôi đi làm ăn xa đều trở về nhà, quây quần bên nhau làm bánh chuối để cúng gia tiên và thưởng thức. Có lẽ cũng vì thế mà chúng tôi ví vị ngọt thanh, dịu mát của bánh chuối là hương vị quê nhà.
Bên cạnh hương vị thơm ngon, bánh chuối còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá tỉnh cho biết: Bánh chuối cũng giống như bánh rợm, bánh gai đều là các loại bánh có từ lâu đời, thường được làm vào dịp rằm tháng 7 âm lịch hằng năm. Nguyên liệu để làm bánh hết sức bình dị, gần gũi dân như: gạo nếp, đỗ xanh… nhưng trong dân gian đây đều là những sản vật biểu trưng cho sự bền chặt, thủy chung và sung túc. Vì vậy, bánh chuối thường được bày trên bàn thờ, mâm cỗ cúng gia tiên để thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên và cầu mong cho gia đạo được bình yên, hạnh phúc.
Mặc dù hiện nay, trên mâm cỗ cúng rằm tháng 7 của người Tày, Nùng đã xuất hiện nhiều loại bánh mới nhưng những cặp bánh chuối cổ truyền vẫn là món bánh quý không thể thiếu. Bởi bánh chuối mang một ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và thể hiện một phần nào đó bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nơi vùng biên Xứ Lạng.
KIM HUYÊN - KIM CHI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét