Chùa cổ kính
Chúng tôi trong lần cùng đoàn công tác Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch đã đến điểm tham quan này để các bạn trẻ trong đoàn ở TP. Hồ Chí Minh có dịp thưởng ngoạn thắng cảnh đảo ngọc. Hôm ấy tình cờ gặp thêm các anh em văn nghệ sĩ Bình Thuận lên đây sáng tác. Để lên được ngôi chùa Linh Sơn cổ kính nằm trên đỉnh núi cao, khách hành hương phải chinh phục 148 bậc tam cấp, không vì thế mà các bạn trẻ trong đoàn ngần ngại. Họ nắm tay vịn kiên trì leo lên rồi cũng tới nơi, nhiều bạn đổ mồ hôi nhưng cũng nở nụ cười như vừa chiến thắng một thử thách. Ngôi chùa cổ kính trước mặt trang nghiêm, đẹp đẽ, với kết cấu xây dựng từ các loại gỗ quý hiếm, sang trọng. Một thành viên trong đoàn Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch cho hay, chùa Linh Sơn tọa lạc trên sườn núi có cao độ 61m so với mực nước biển, được bà Trần Thị Tấn huy động giới phật tử, nhân dân trên đảo đóng góp xây dựng đầu thế kỷ XX. Từ phía ngoài cổng chính dẫn vào phía trong là chính điện. Nét nổi bật bên trong chính điện khung cảnh mang đậm dấu ấn Phật giáo, được trang trí, đắp nổi hệ thống các câu đối chữ Hán Nôm nội dung thể hiện lòng thành kính của tín đồ, ca ngợi đức tốt của Phật, khuyên con người nên tu tâm, dưỡng tính, tích đức làm điều thiện; các vì cột nâng đỡ tầng mái ở đây được đắp nổi một con rồng quấn quanh thân tạo nên khung cảnh uy nghiêm, mặt vách trước và hai bên nội thất điện thờ Phật đắp nổi các ô hình chữ nhật trang trí những điển tích của Phật giáo. Điện thờ Phật đặt ở vị trí trung tâm, bài trí tượng Thích Ca Mâu Ni cao 2m ngồi trên tòa sen, hai bên đặt nhiều pho tượng và trong đó có Quan Thế Âm Bồ Tát với 18 tay đang trong tư thế ngồi thiền. Bên phải Điện thờ Phật thờ Quan Thế Âm, bên trái thờ Địa Tạng. Nằm đối lưng với Điện thờ Phật ở phía sau bài trí 5 khám thờ Tổ Đạt Ma, Quan Thánh Đế Quân, bài vị các nhà sư có công khai lập, gìn giữ chùa từ trước đến nay. Phía trước Điện thờ Phật có một am nhỏ thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, bên trái nhà tăng, bên phải nhà khách, nhà khói nằm phía sau…
Núi đá đen kỳ thú
Sau khi khách trong đoàn viếng cảnh chùa, thắp nhang khấn Phật xong, các bạn trẻ lần lượt leo lên tiếp các bậc thang đá dẫn lên thưởng ngoạn cảnh núi bên trên. Ở đây như một bầu trời lộng gió mở ra, nhiều hình hài núi đá lạ mắt nằm chót vót trên cao so mực nước biển phía dưới. Núi Cao Cát với những khối đá đen như dạng tổ ong xếp chồng lên nhau cùng sự bào mòn của gió từ hàng triệu năm trước đã tạo thành những hình thù kỳ quái, vô cùng độc đáo ở địa bàn xã Long Hải, Phú Quý. Khung cảnh trên đỉnh núi rất thơ mộng, những bãi đá khổng lồ nhiều hình thù kỳ dị, những hang núi, vách núi tạo ra những đường vân gợn sóng rất đẹp, những hình xoáy tròn từng tầng và những hình nấm khổng lồ. Từ trên đỉnh núi nhìn ra xa là những doi cát trắng trải dài dọc theo bờ biển bên làn nước màu xanh ngọc bích. Các bạn trẻ hôm ấy tha hồ phóng tầm mắt quan sát ra xa suốt cả không gian rộng lớn cũng như nhà cửa, vườn tược ẩn mình trong làng mạc xã Long Hải nằm phía dưới.
Tất nhiên cả đoàn hôm ấy tranh thủ tạo chụp ảnh kỷ niệm trên đỉnh núi. Nhất là các bạn trẻ từ Sài Gòn ra như tạo dáng hết mỏm đá này sang mỏm đá khác để check-in. Bạn Lê Trương Hoàng Nam, Viettravel tại TP. HCM chia sẻ: “Em lần đầu lên núi Cao Cát thấy cảnh vật độc đáo quá, hiếm nơi nào có được. Lần sau em sẽ rủ thêm bạn bè ra lại nơi này để sưu tầm ảnh đẹp!”.
Số liệu của UBND huyện Phú Quý cho biết, trong năm vừa qua có hơn 166.000 lượt khách tham quan, khám phá danh lam, thắng cảnh trên địa bàn đảo, nhiều đoàn khách trong đó đã chinh phục núi Cao Cát, ghé thăm chùa Linh Sơn trầm mặc.
THỤY KHANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét