Cổng chùa luôn rộng mở đón khách thập phương đến vãn cảnh và lễ Phật. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Ít ai biết rằng số phận của ngôi quốc tự Diệu Đế ở xứ Huế lại từng có thời kì phải trải qua nhiều thăng trầm đến thế. Từ một ngôi vương phủ sau đó thành quốc tự rồi biến thành phủ đường, nhà kho, xưởng đúc tiền, thậm chí trở thành cả nhà lao… Trải bao thế sự thăng trầm, chùa Diệu Đế nay vẫn còn đó và vẫn là chốn linh thiêng bậc nhất của xứ thiền kinh.
Khung cảnh bình yên đậm nét chùa Huế của ngôi quốc tự Diệu Đế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Chùa Diệu Đế nằm bên đường Bạch Đằng, phía bờ Đông sông Đông Ba, thuộc phường Phú Cát, thành phố Huế. Nguyên đây là phủ đệ của Phúc Quốc công (ông ngoại của vua Thiệu Trị) và cũng chính là nơi vua Thiệu Trị ra đời vào năm 1807. Sau khi lên ngôi, năm 1844, vua Thiệu Trị đã cho cải tạo ngôi phủ đệ này thành một ngôi chùa để kỉ niệm nơi phát tích của mình và đặt tên chùa là Diệu Đế.
Đây là một ngôi chùa công vì do vua xây dựng vì thế trước kia người ta thường gọi là “chùa vua”. Kể từ khi ra đời cho đến năm 1945, chùa Diệu Đế được triều Nguyễn xếp vào hàng quốc tự (cùng với các chùa Thiên Mụ và chùa Thánh Duyên). Vì thế các vị sư trụ trì của chùa đều do triều đình bổ nhiệm nên không có hệ truyền thừa như các chùa khác.
Những nét kiến trúc mang dấu ấn cung đình thời Nguyễn của chùa Diệu Đế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Chùa có khuôn viên rộng khoảng 2.500 m², xung quanh có tường thành bao bọc, bốn phía có trổ cửa ra vào. Cổng chính xây dạng tam quan lâu, nhìn ra phía sông Đông Ba, bên dưới có 3 cửa, bên trên có tầng lầu trong đó thờ Hộ pháp. Bên trong cổng, hai bên tả hữu có nhà chuông và nhà bia; chuông đúc và bia khắc từ thời vua Thiệu Trị (bài văn bia do chính vua ngự chế).
Qua khỏi cổng chính là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng nối dài đến điện Đại Hùng. Sau điện Đại Hùng phía bên trái có nhà khách, phòng học; bên phải là nhà ở, nhà bếp và nhà kho. Trong điện Đại Hùng, ngoài thờ Phật còn thờ Quan Thánh, bài vị vua Thiệu Trị và các công chúa.
Đặc biệt, trên trần điện có bức tranh “Long vân khế hội” rất lớn, dài chừng hơn 11m, rộng khoảng 10m, vẽ 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây. Tương truyền bức tranh do chính nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh, người đã vẽ bức họa nổi tiếng “Cửu long ẩn vân” trên trần cung Thiên Định ở Lăng Khải Định, thể hiện.
Đại hồng chung và bia đá cổ của chùa Diệu Đế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Sau biến cố thất thủ kinh đô năm 1885, kinh thành Huế bị quân Pháp đánh chiếm đốt phá tan hoang nên một số quan chức của triều đình tạm dời về chùa Diệu Đế để làm việc. Vì thế nhiều chỗ trong chùa được triều đình trưng dụng làm công đường, kho bạc, sở đúc tiền, phòng xem thiên văn dự đoán thời tiết, và thậm chí là cả nhà lao.
Những năm sau đó chùa tiếp tục bị hư hỏng nặng đến nỗi nhiều dãy nhà phải bị triệt bỏ, phải đến năm 1910 chùa mới được tu bổ lại phần nào nhưng vẫn không bằng được như xưa. Năm 1930, chùa được dùng làm trụ sở của Hội Phật học An Nam hay còn gọi là Hội Phật học Trung Kỳ.
Những pho tượng cổ trong điện Đại Hùng chùa Diệu Đế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Mặc dù cơ sở không còn được như xưa nhưng chùa hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật cổ như các tượng Phật thế kỉ XIX, bức hoành phi đề 4 chữ Hán lớn “Diệu Đế quốc tự” có từ năm Thiệu Trị 4 (1844), bia đá và quả chuông đồng có khắc tên nhân vật Đặng Huy Trứ, ông tổ nghề nhiếp ảnh của Việt Nam. Như vậy có thể thấy Diệu Đế là một ngôi chùa cổ, một trong ba quốc tự của triều Nguyễn thế kỉ XIX ở Huế. Chùa có giá trị kiến trúc và nghệ thuật liên quan đến lịch sử dân tộc và Phật giáo đất Cố đô.
Chùa Diệu Đế là điểm đến văn hóa và tâm linh nổi tiếng của xứ Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Tuy không được xếp vào hàng “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế) nhưng vua Thiệu Trị cũng có bài tựa và nhiều bài thơ cho khắc vào một tấm bia lớn dựng tại chùa.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, chùa Diệu Đế là một danh lam tiêu biểu của Huế, vùng đất được mệnh danh là xứ sở thiền kinh.
Ngày nay, hằng năm, cứ đến mùa Phật đản, chùa lại trở thành địa điểm tổ chức lễ tắm Phật và rước Phật của Giáo hội Phật giáo Huế. Điểm đặc biệt ở đây là ngôi chùa này mang nhiều đặc trưng yếu tố cung đình, gắn liền với vua Thiệu Trị, vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn. Cho đến nay, dù trải qua nhiều biến động lịch sử, mặc dù chùa đã xuống cấp và đang trong giai đoạn trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ được nhiều hiện vật quý của một ngôi quốc tự và là điểm đến nổi tiếng của Phật tử xứ Huế và du khách gần xa.
Quang cảnh một buổi lễ trọng ở chùa Diệu Đế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Đầu xuân vãn cảnh và lễ Phật ở chùa Diệu Đế là một nét đẹp của người dân xứ Huế để vừa cầu quốc thái dân an, gia đạo thuận hòa vừa để hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đầy biến cố của đất Cố đô xưa.
Bài, ảnh: Thanh Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét