Bánh dày là loại bánh truyền thống của người dân Xứ Lạng nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên và đất trời. Trong lễ cưới của người Tày từ xưa đã có tục lệ nhà chú rể đưa lễ vật bánh dày cho gia đình cô dâu. Thông thường, lễ vật nhà trai đưa sang nhà gái được thống nhất từ lễ ăn hỏi, ngoài một khoản tiền để nhà gái sắm sửa đồ dùng trong gia đình cho đôi vợ chồng trẻ thì nhà trai sẽ hỏi nhà gái lấy thêm bao nhiêu chiếc bánh dày để nhà trai chuẩn bị trước. Số bánh dày được căn cứ vào số lượng họ hàng thân thích trong gia đình nhà gái, thường là 50 đến 100 chiếc bánh cỡ nhỏ (to bằng miệng cốc uống nước) và một cặp bánh cỡ lớn bằng chiếc đĩa hay còn gọi là pẻng me (bánh mẹ). Đối với người Tày Lạng Sơn, bánh dày trong lễ cưới hỏi tượng trưng cho sự gắn kết hoà hợp trời đất, bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng của bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc Xứ Lạng nói riêng.
Để món bánh dày ngon như ý, cần chuẩn bị sẵn cối và chày giã bánh cùng nguyên liệu ngon. Theo đó, gạo nếp làm bánh là loại gạo nếp ngon, hạt tròn đều để bánh dẻo và thơm. Chị Nông Thị Nga, thôn Đại Nam, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định chia sẻ: Công đoạn làm bánh dày không quá cầu kỳ, sau khi gạo được ngâm với nước khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ thì đem lên chõ đồ thành xôi. Ở công đoạn này, nếu gia đình nào muốn làm bánh dày ngũ sắc thì sẽ ngâm gạo tách riêng. Muốn bánh có màu đỏ thì ngâm gạo với gấc; màu tím thì ngâm gạo với nước lá cẩm; màu xanh thì ngâm gạo với hoa đậu biếc phơi khô; màu vàng thì ngâm gạo với nước nghệ… Khi đồ phải để tách biệt các loại gạo để tránh bị lẫn vào nhau. Bánh ngũ sắc chỉ dùng trong các lễ hội, còn đám cưới thì chỉ sử dụng bánh dày trắng.
Người dân thôn Đại Nam, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định đang làm bánh dày chuẩn bị cho lễ cưới
Trước đây, người dân xứ Lạng thường sử dụng chõ đồ xôi bằng gỗ bởi loại chõ này kín khí và giúp xôi mềm dẻo hơn nhưng nay đã dần được thay thế bằng chõ nhôm, inox… Khi đồ gạo, cần đun nhỏ lửa và đều, thời gian đồ khoảng 1 tiếng. Tiếp đó cho xôi ra cối để giã khi còn đang nóng. Giã bánh dày là công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực, bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khoẻ mạnh trong gia đình. Khi giã dùng hai chiếc chày gỗ có cán dài rồi giã cho đến khi xôi quyện vào nhau, giã càng kỹ thì bánh càng dẻo. Ngày nay, khi xã hội phát triển, thay vì giã bánh bằng tay, người dân đã sử dụng máy để nghiền bánh được mịn hơn và rút ngắn thời gian hơn. Khi xôi đã nhuyễn và dẻo quánh thành một khối là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh tròn hoàn chỉnh rồi gói vào trong lá chuối đã hơ qua lửa. Để không dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, người dân thường sử dụng mỡ, dầu ăn để xoa một ít vào lòng bàn tay và bề mặt của cái mẹt.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội di sản Văn hoá tỉnh cho biết: Tại Lạng Sơn, bánh dày là món ăn cổ truyền và hoạt động giã bánh dày không thể thiếu trong các dịp lễ tết, đặc biệt là dịp cưới hỏi. Theo quan niệm xưa, bánh dày là biểu tượng của tình yêu, sự thuỷ chung son sắc của trai gái, còn là biểu tượng của mặt trời và mặt trăng là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên trái đất.
Bánh dày trong lễ cưới của người Tày
Những chiếc bánh dày mang hương lúa nếp, hương của những sản vật cùng cao, khơi gợi vị giác của người thưởng thức. Bánh dày không chỉ là lễ vật cưới hỏi mà còn là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà. Bên mâm rượu, cùng hoà vị với những món ăn truyền thống, bánh dày luôn là món ăn hấp dẫn đối với bất cứ ai có mặt trong dịp cưới hỏi của người Tày ở Lạng Sơn.
Anh Nguyễn Huy Hoàng, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Bánh dày là món không thể thiếu trên ban thờ gia tiên của gia đình tôi mỗi dịp lễ tết và đặc biệt là trong đám cưới hỏi của gia đình. Ngày trước mỗi lần có đám cưới thì gia đình tôi thường cùng nhau giã mẻ bánh dày, ngày nay bánh không được giã bằng tay như trước nữa mà được đem đi xay bột giúp rút ngắn thời gian làm bánh. Đối với gia đình tôi việc làm bánh dày giúp gắn kết tình cảm gia đình, cũng như lưu lại những truyền thống tốt đẹp của con cháu đời sau.
Trước đây, bánh dày chỉ có trong các dịp lễ, tết, đám cưới nhưng ngày nay bánh dày được nhiều gia đình bày bán thường xuyên tại các chợ và trở thành món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Bà Đinh Thị Yến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bánh truyền thống Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: HTX được thành lập từ năm 2020 với 9 thành viên. HTX chủ yếu sản xuất các loại bánh truyền thống của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, trong đó có món bánh dày. Không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức của gia đình mà thời gian qua, món bánh dày được các thành viên HTX sản xuất, cung cấp cho thị trường. Với việc duy trì sản xuất thường xuyên, thị trường tương đối ổn định nên trừ chi phí, trung bình mỗi thành viên có thêm thu nhập 3 triệu đồng trở lên/tháng từ nghề làm bánh dày.
Mặc dù cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng tục lệ mang lễ vật bánh dày sang nhà cô dâu trong phong tục cưới hỏi vẫn được duy trì và có sự cải biên cho phù hợp với nếp sống hiện tại, đó là nét đẹp văn hoá đáng quý của người Tày Xứ Lạng.
THU HIỀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét