24 thg 2, 2024

Những mùa hoa mê mải

Đời viết của tôi cũng vài chục bài cả thơ và báo về dã quỳ, từng cho rằng dã quỳ Hàm Rồng và Biển Hồ là đẹp nhất, bởi nơi ấy là hai cái “nguyên” núi lửa khổng lồ, rằng nham thạch triệu năm vương lại hun đúc nên cái màu vàng mê hoặc của dã quỳ.

1. Tôi nhớ không chính xác là năm nào, khi tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival hoa Đà Lạt, khỏi phải nói, nó gây tiếng vang đến như thế nào, dù ai cũng biết, từ lâu, Đà Lạt đã được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa”.

Gia Lai, từ sự tự phát của dân du lịch phượt, cứ mùa khô bắt đầu là nhộn nhịp kéo về để săn ảnh dã quỳ. Cũng không dễ, không hanh thông ngay từ đầu. Tôi nhớ, nhà thơ Đào Phong Lan hồi ấy muốn dẫn mấy ông bạn “Tây ba lô” về đây chơi và ngắm hoa, nhờ tôi liên hệ. Hỏi mấy công ty du lịch thì đều... từ chối, vì chưa có chính sách cho khách Tây, dù Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và cả Kon Tum đã có. Họ bày cho tôi là cứ lẳng lặng mà lên; trót lọt thì không sao, nhưng nếu... lộ thì ráng chịu. Tôi báo lại cho Đào Phong Lan, nhưng Lan lắc đầu ngay và đành đưa khách đi nơi khác. Du lịch là vui chơi, là thoải mái, vừa đi vừa nơm nớp như thế thì đi... phí tiền. Câu nhắn lại cứ lơ lửng thế.

Đường hoa dã quỳ ở Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Ảnh: Phạm Quý

Giờ thì tưng bừng rồi. Cũng mấy năm, lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya được tổ chức, rộn rã, công khai và... rất dã quỳ. Thực ra, dã quỳ không phải là “đặc ân” riêng của Gia Lai, của Tây Nguyên, mà có khắp nơi ở đất nước Việt Nam. Ngay ở Hà Nội, mạn Ba Vì, giờ dã quỳ cũng vàng khắp nơi, mỗi cuối tuần dân tình cũng nườm nượp kéo về... chụp ảnh. Từ khi mạng xã hội Facebook “phủ sóng”, các địa chỉ du lịch, những chỗ độc, lạ, ngộ nghĩnh, các nơi có phong cảnh đẹp, đặc biệt là hoa, thành nơi cung cấp ảnh cho nhà... phây. Đà Lạt, ngay kỳ festival đầu tiên đã kịp lấy dã quỳ là loài hoa đặc trưng của mình.

Thế nên, lại cũng mới thấy may mắn, khi thiên nhiên vĩ đại đã ban cho Gia Lai núi lửa Chư Đang Ya. Đỉnh điểm của dã quỳ ở đấy.

Đời viết của tôi cũng vài chục bài cả thơ và báo về dã quỳ, từng cho rằng dã quỳ Hàm Rồng và Biển Hồ là đẹp nhất, bởi nơi ấy là hai cái “nguyên” núi lửa khổng lồ, rằng nham thạch triệu năm vương lại hun đúc nên cái màu vàng mê hoặc của dã quỳ. Nó thắc thỏm vàng, mê muội vàng, say đắm vàng, mà cánh dày và to, mà cứ vô hồi vô ngôn vô tăm tích trong ta cái cảm giác bồng bềnh trên thảm vàng không tưởng ấy. Cho tới khi tôi biết có một Chư Đang Ya.

Thì cũng là núi thôi, một cái miệng núi lửa, tất nhiên là lớn. Một miệng núi lửa lam lũ với những người nông dân hàng ngày trồng dong riềng, tất nhiên hoa dong riềng cũng rất đẹp. Bạn tôi, nhà thơ Phạm Đức Long, từng có bài thơ “Hoa dong riềng” rất xôn xao: “Đã qua lứa tuổi hai mươi/bỗng gặp hoa dong riềng nở/mùa thu tưng bừng thắp lửa/giữa ngày mưa bụi trắng trời”. Nhưng cũng chỉ đến thế.

Thế rồi giờ, như bừng tỉnh, Chư Đang Ya thành “rốn” dã quỳ, là nơi tổ chức lễ hội dã quỳ hàng năm. Thì đã nói, Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, nhiều nơi có dã quỳ. Ngay Gia Lai, bên đường 14, 19, các con đường xương cá của 2 con đường này, những con đường xuống các huyện, ngay ở các con hẻm ngoại ô Pleiku, cũng ngan ngát dã quỳ, cơ man dã quỳ. Nhưng, nói đến dã quỳ thì cứ phải là Chư Đang Ya.

Những con đường dã quỳ miên man. Các họa sĩ khi vẽ hay dùng các màu đối lập để tôn nhau lên. Nhưng, thiên nhiên nó khác. Con đường đất đỏ, quỳ vàng có vẻ như rất hợp nhau. À không, giữa hai màu ấy còn một màu đệm, là màu xanh của lá dã quỳ. Không biết bao nhiêu lần tôi chạy xe vào đấy, kiếm một điểm cao chụp ảnh, rồi về mê mải ngắm ảnh quỳ. Nhưng quả là, phải xem ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp mới đã, mới thật dã quỳ.

Thì ta như lạc vào một miền khác, một miền đầy ảo giác, ảo giác vàng. Vàng bồng bềnh, vàng miên dại, vàng vô hồi, vàng lớp lớp, vàng tề chỉnh, vàng xốn xang... tất cả các sắc thái vàng, ngữ điệu vàng, trạng huống vàng... như xếp lớp ra trước mắt ta. Chợt như cô đơn. Phải thế chăng mà hầu như vào đây mùa dã quỳ, hầu như chả ai đi một mình, trừ gã dở hơi là... tôi. Phải thế chăng mà cái lễ hội dã quỳ vừa qua nghìn nghịt là người, nườm nượp người.

2. Nhưng Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, không chỉ có dã quỳ. Trước cửa nhà tôi có một ô đất trống, người ta chưa kịp làm nhà. Và trên ấy, luôn rờn rờn xuyến chi. Cũng chả hiểu nó từ đâu tới, mà giờ nó cứ hồn nhiên lan tỏa sắc trắng cánh hoa đến tinh khiết, đến mong manh, điểm cái nhụy vàng li ti ở giữa, tất cả cộng lại như cái cúc áo sáng lên trên ngực áo thiếu nữ và hàng triệu cái cúc áo như thế, mênh mông cao nguyên.

Nó rất hợp với gốm. Lạ thế. Nhà tôi có nhiều loại gốm. Từ gốm Phước Tích, Chăm Mỹ Nghiệp, Bát Tràng tới gốm... không biết tên. Thì những loại gốm ấy, kỳ lạ thay, nó rất hợp với xuyến chi. Mỗi sáng, tôi ra ô đất, cắt lấy những cành còn tinh sương, nhưng là những cành sẽ không làm suy suyển, làm mất, làm lõm đi cái thảm xuyến chi tự nhiên kia, mang về, cắm, thả, buông... vào các loại bình gốm. Trời ơi là nó lung linh lên, nó rực rỡ lên, nó tôn nhau lên. Khác với dã quỳ, cắt ra là hỏng, ngắt cắm vào bình vào lọ là hỏng, xuyến chi vò gốm đẹp đến miên di. Nên tôi cứ tiếc, cái cuộc thời trang thổ cẩm ấy, rồi những ngày của tuần văn hóa ấy, cái chỗ nhà rông ở cụm đá ấy, thay vì những chậu hoa sặc sỡ các kiểu mà là những bình hoa xuyến chi, thả, buông, lơ đễnh cắm... vào những bình gốm thì đẹp biết bao.

Tất nhiên là tôi cứ thả lỏng mình mà tưởng tượng thế. Chứ có hôm tôi đăng một bài báo về dã quỳ, rằng mong ở một bờ rào nhà nào đó, một con dốc nào đó, một khúc quanh nào đó, đột ngột hiện ra một vạt dã quỳ, một khóm xuyến chi. Một bạn đọc xưng là người Pleiku kịch liệt phản đối ý tưởng của tôi, cho nó là rồ dại, là... kéo lùi lịch sử, bởi người ta đang diệt dã quỳ, xuyến chi để giành đất không xong, ước như thế thì phải... chia lại đất à? Giờ mỗi nhà thành phố bề ngang không quá 5 m, lấy chỗ đâu cho dã quỳ với xuyến chi mà mong mà ước. Tôi phải trả lời, bạn ơi bạn đọc văn tôi mà như đọc... quyết định cấp đất thế là... chết tôi rồi? Thì biết làm sao, với hoa, có phải ai cũng như ai?

Nhưng mà, dã quỳ với xuyến chi ấy, nó làm cho Tây Nguyên hồn cốt lắm!

VĂN CÔNG HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét