Tôi thực sự bị cuốn hút bởi câu chuyện bảo quản và phục chế hiện vật từ những mảnh vỡ cách đây hàng nghìn năm của những cán bộ làm công tác bảo tàng. Họ đã thầm lặng gìn giữ tài sản quý cho muôn đời sau.
Làm bạn với cổ vật
Không phải ai cũng làm được công việc mà ngày qua ngày quanh quẩn với hàng chục nghìn hiện vật trong nhà kho của bảo tàng. Vậy mà chị Phạm Thị Thanh Tuyết (50 tuổi) - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh) làm công việc kiểm kê, bảo quản hiện vật ở bảo tàng đã hơn 13 năm. Chị Tuyết cười bảo, có ngày chẳng nhìn thấy ánh mặt trời, chỉ biết bầu bạn với hiện vật. Thế mà tôi rất yêu thích công việc mình làm! Đó là bởi chị đam mê, vì rằng mỗi hiện vật ở bảo tàng là một câu chuyện kể, gắn với con người, với lịch sử - văn hóa qua hàng nghìn năm. Ở đó, còn có nhiều bí ẩn cần được nghiên cứu, giải mã.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi và chị Phạm Thị Thanh Tuyết trao đổi về việc phục dựng ngôi mộ chum của người Sa Huỳnh cổ.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện có 5 kho, lưu giữ hơn 15 nghìn hiện vật. Một ngày làm việc của chị Tuyết bắt đầu từ việc kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm trong phòng, rồi đến lau chùi hiện vật. Từ kho cơ sở đến kho tham khảo, hết kho tài liệu, hình ảnh đến kho hiện vật, hết ngày này qua ngày nọ, chị nhẹ nhàng, tỉ mẩn lau chùi, bảo quản từng hiện vật. Chị Tuyết cho biết, nếu độ ẩm quá cao, hiện vật bằng chất liệu mây, tre đan sẽ bị mốc; kim loại bị gỉ; gốm, sứ bị bong men. Độ ẩm thấp thì hiện vật sẽ bị co giãn, bung lớp vỏ ngoài. Bởi vậy, phải giữ nhiệt độ phù hợp. Kho của bảo tàng không đơn thuần là nơi lưu giữ hiện vật, mà đó là kho tàng kiến thức lịch sử, văn hóa đa dạng, độc đáo. Các hiện vật đánh dấu tiến trình lịch sử của vùng đất Ấn - Trà và cả tinh hoa văn hóa của nhiều vùng đất trên thế giới từ thuở xa xưa, từ nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, dân tộc học, văn hóa Việt, hiện vật kháng chiến, cổ vật từ những con tàu đắm... “Công tác bảo quản hiện vật rất quan trọng, để thế hệ sau hiểu về lịch sử, văn hóa của con người và các dân tộc. Tôi may mắn được tiếp cận với các hiện vật cổ, có rất nhiều cái hay, cái độc đáo cần được nghiên cứu, khám phá”, chị Tuyết chia sẻ.
Câu chuyện từ những mảnh vỡ
Hiện vật ở bảo tàng phải bảo quản chuyên sâu để giữ được lâu dài. Hiện vật gồm nhiều chất liệu như đá, đồng, sắt, gốm, sứ, mây tre, vải, giấy. Mỗi chất liệu có phương pháp bảo quản khác nhau. Chị Tuyết cho biết, đối với hiện vật bằng kim loại, phải tỉ mỉ loại bỏ lớp gỉ bên ngoài, nhưng đảm bảo giữ được nguyên bản bề mặt của hiện vật, sau đó dùng hóa chất phủ bên ngoài, tạo lớp màng bảo vệ. Đơn cử chiếc rìu của người Sa Huỳnh cổ, sau hàng nghìn năm nằm trong lòng đất, hiện vật bị gỉ sắt, đen sì. Sau khi được xử lý, chiếc rìu trở về với màu xanh nguyên bản rất đẹp mắt.
Bình đai vú của người Sa Huỳnh được phục chế.
Đối với đồ gốm được phát hiện trong môi trường nước biển, để bảo quản lâu dài phải rã mặn. Hiện vật được ngâm vào nước ấm để làm sạch muối. Hàng nghìn hiện vật từ các cuộc khai quật tàu cổ đắm đều được xử lý như vậy trước khi đưa vào cất giữ ở kho. Đặc biệt, những mảnh vỡ từ các ngôi mộ chum của người Sa Huỳnh cổ đã được các chuyên gia, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phục dựng. Không đơn giản để phục dựng các ngôi mộ chum của người thiên cổ từ những mảnh vỡ lớn, nhỏ li ti. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết, khi khai quật khảo cổ lòng hồ chứa nước Nước Trong (từ năm 2010 - 2012), nguyên khối mộ được đưa về bảo tàng để bảo quản. Đây là phương pháp mới đầu tiên trong khảo cổ học ở nước ta được thực hiện, thông thường chỉ lấy hiện vật. Việc bảo quản nguyên khối mộ rất quan trọng, để người đời sau biết rõ về tục táng của người Sa Huỳnh xưa. Qua khai quật đã phát hiện khoảng 100 mộ, gồm mộ chum, mộ vò, mộ đất... Năm 2022, công tác chỉnh lý đã được thực hiện sau 10 năm khai quật. Các khối đất, khối mộ vẫn còn nguyên cấu trúc, chỉ co giãn một số bộ phận, đó là nhờ bảo quản tốt ngay tại công trường khai quật. Những ngôi mộ của người xưa đã được phục dựng. Từng mảnh vỡ của gốm, căn cứ vào màu gốm, xương gốm, hoa văn, kiểu dáng... đã được đính lại bằng các loại keo và hóa chất chuyên biệt một cách tỉ mỉ, khéo léo.
Gìn giữ tinh hoa
Tôi may mắn được “mục sở thị” một trong số các kho lưu giữ, bảo quản hiện vật của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Chị Tuyết cho biết, kho này chứa 5.004 hiện vật. Tôi mê mẩn với 2 dãy kệ chứa hiện vật là những chiếc tráp sứ nhỏ dùng để đựng hương liệu từ thế kỷ XV. Những tráp sứ tráng nâu đen này có nhiều hoa văn rất sắc xảo. Đây là hiện vật được khai quật từ tàu cổ đắm ở tỉnh Bình Thuận, cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi phát hiện, thu giữ khi các đối tượng vận chuyển buôn bán.
Những lọ gốm Chu Đậu nổi tiếng của người Việt xưa.
Chỉ cho tôi xem bức tượng nữ quý tộc, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết, bức tượng gốm Chu Đậu nổi tiếng này chỉ có 2 cái. Một tượng khai quật ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; một tượng ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Bức tượng mô tả người nữ quý tộc, mặc áo thời Minh rất quý phái, kỹ thuật chế tác cân đối, hoa văn trên áo rất chi tiết. Gốm Chu Đậu là dòng gốm nổi tiếng của người Việt xưa, từ thế kỷ XV, ở tỉnh Hải Dương. Đây là dòng gốm đạt kỹ thuật đỉnh cao của gốm Việt. Trong kho này lưu giữ nhiều hiện vật của văn hóa Sa Huỳnh được phục dựng. Trong đó, có 3 hiện vật được Viện Khảo cổ học phục chế năm 1978 theo đề nghị của tỉnh Nghĩa Bình, đó là chiếc bình đai vú, bình con vịt và đèn gốm. Ba hiện vật gốc đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Trong giai đoạn sớm, chiếc bình đai vú này là duy nhất, cách nay khoảng 3.000 năm. Bình đai vú thể hiện tín ngưỡng thờ nữ thần, đem lại sự sinh sôi, nảy nở...
Điều đặc biệt ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là lưu giữ phần lớn hiện vật khai quật khảo cổ, nên có tính nguyên bản, giá trị cao. Do đó, việc xây dựng kho chứa hiện vật ở bảo tàng theo hướng mở để phục vụ khách tham quan là rất cần thiết, nhằm phát huy giá trị của hiện vật.
Bài, ảnh: MINH ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét