Hài hòa trong kiến trúc
Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp Tuyên Quang chính thức được xây dựng từ năm 2019, tại xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) với 5 hạng mục chính, do Đại đức Thích Trúc Thông Phổ trụ trì. Đến nay, hạng mục chính là Tòa Tam Bảo, nơi thờ Phật, chư vị tổ sư, lưu trữ kinh điển Phật giáo, tài liệu, sách về thiền phái Trúc Lâm, nơi sinh hoạt của tăng, ni, phật tử... đã cơ bản hoàn thành. Tòa Tam Bảo gồm 3 tầng: Tầng giảng đường, tầng thiền đường và sân lễ lộ thiên. Phía trên sân lễ là tòa tháp 3 tầng. Tọa lạc tại điểm cao nhất của tòa tháp là tượng phật Thích Ca Mâu Ni tay cầm cành hoa sen vừa được hoàn thành năm 2022. Tượng Phật cao 18m, ngang 12m, đài sen cao 4m. Từ vị trí tầng 3 của tòa tháp, phóng xa tầm mắt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn cảnh của khu vực trung tâm thành phố Tuyên Quang với núi non hùng vĩ, dòng Lô lịch sử hào hùng với những cây cầu thơ mộng của Thành Tuyên...
Hiện các hạng mục đông lang, tây lang và cổng Tam Quan đang được tích cực thi công, dự kiến hoàn thiện trong năm 2023. Theo Đại đức Thích Trúc Thành Minh, cổng Tam Quan được thiết kế xây dựng từ ý tưởng của tháp Tuệ Quang, nơi thờ xá lợi (ngọc cốt) của Ngọc Hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử (Quảng Ninh) với 3 cổng vào. Tại cổng có toàn tháp cao 12m, ngự trên thành đá (tượng trưng cho trường thành)... Nét độc đáo trong quần thể kiến trúc ở thiền viện đó là vừa giữ được nét cổ kính của những ngôi chùa truyền thống Việt Nam, lại vừa có những nét hiện đại với các khoảng không gian cao, rộng, thoáng, tạo sự thoái mái, dễ chịu cho du khách khi đến chiêm bái trong những dịp lễ, tết đông người.
Các hạng mục còn lại như: Viện Đại Trí (nơi phục vụ giáo dục), Viện Đại Hạnh (nơi phục vụ y tế), Viện Đại Bi (nơi tổ chức các hoạt động cho thanh thiếu nhi) đang trong quá trình chờ kinh phí xã hội hóa để xây dựng.
Trong năm 2023, Thiền viện sẽ nỗ lực triển khai các quy trình, thủ tục để khởi công xây dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông “khổng lồ” trên núi Dùm. Tượng Phật dự kiến cao 80m, ngồi tựa lưng vào núi. Đây là nét kiến trúc độc đáo, nổi bật giữa núi non hùng vĩ, chắc chắn sẽ là điểm nhấn ấn tượng cho cảnh quan du lịch tâm linh của địa phương.
Từng bước hình thành Lễ hội
Mặc dù vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng thiền viện đã thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến chiêm bái vào tất cả các ngày trong tuần. Chỉ tính riêng trong 5 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thiền viện đón gần 2.000 lượt khách/ngày.
Đại đức Thích Trúc Thành Minh cho biết thêm, thiền viện không chỉ phục vụ các nhu cầu tâm linh, phục vụ nhu cầu tu tập của phật tử mà còn tổ chức các hoạt động khác như: Tổ chức các khóa tu vào mùa hè cho thanh thiếu nhi; hay tổ chức lễ Hằng Thuận (lễ cưới) cho các đôi bạn trẻ theo nghi thức của Phật giáo...
Một trong những điểm nhấn trong các hoạt động của thiền viện trong năm 2023 đó là sẽ tổ chức Pháp hội Trúc Lâm. Pháp hội dự kiến diễn ra trong 3 ngày 24, 25, 26-2 này. Đây là dịp để các thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Việt Nam ở khu vực phía Bắc tụ hội về đây, để thỉnh các vị tôn thúc, chia sẻ các kinh nghiệm tu tập cho các thế hệ tăng, ni trẻ; ôn lịch sử truyền thống của thiền phái Trúc Lâm để các thế hệ tăng, ni sau này rút kinh nghiệm, tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của thiền phái. Cũng trong khuôn khổ của Pháp hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có các hoạt động dành cho giới trẻ như: Hoạt động nói chuyện, chia sẻ về khởi nghiệp, hướng nghiệp của các phật tử là doanh nhân thành đạt và dự kiến làm lễ khởi động công trình tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên núi Dùm...
Đây là lần đầu tiên Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp Tuyên Quang tổ chức Pháp hội có quy mô lớn như vậy. Việc tổ chức Pháp hội thành công là tiền đề để thiền viện rút kinh nghiệm, tiếp tục phát triển Pháp hội và nâng tầm thành một Lễ hội thường niên được tổ chức trong dịp đầu xuân mới tại thiền viện vào những năm tiếp theo. Qua đó, tạo điểm nhấn, thu hút người dân và du khách thập phương đến với du lịch tâm linh tại tỉnh trong hành trình chiêm bái của mình.
Bài, ảnh: Thu Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét