4 thg 2, 2023

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - về với sông Phố và trở lại Paris

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - người con ưu tú của Hà Tĩnh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về tác phẩm “Việt Nam – một thiên lịch sử”. Viện Hàn lâm Pháp cũng tặng ông giải thưởng lớn… Năm Quý Mão - 2023 gợi cho ta nhớ hai sự kiện rất ý nghĩa trong cuộc đời ông.

Bốn anh em trai (từ phải sang): GS Nguyễn Khắc Dương, BS Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi và nhà văn Nguyễn Khắc Phê (năm 1996). Ảnh: internet.

Trên nhiều sách, báo đã in đều ghi bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sinh năm 1913; như thế, năm 2023 là kỷ niệm 110 năm sinh của ông. Nhưng thực ra, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sinh năm 1915, phải khai sinh 1913 để đủ tuổi đi học. Như vậy, tính theo âm lịch, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là người tuổi Mão – Ất Mão. Một sự ngẫu nhiên thú vị là năm Quý Mão – 1963, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trở về quê hương, sau 26 năm du học và hoạt động tại Pháp. Tâm tình người con xã Sơn Hoà (nay là xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn) xa quê và hình ảnh quê hương đã được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ghi lại trong bút ký viết năm Quý Mão -1963 như sau:

“… Ai về Hà Tĩnh, ngược đường số 8, đi quá phà Linh Cảm chừng 6 cây số, qua dưới những dãy mít sai quả, là đến bến chợ Choi. Xuống bãi, qua đò ngang, bên kia sông là chợ Bè, chỗ mua tre, nứa, gỗ lạt. Giữa hai chợ là dòng sông trong vắt, nước mát rười rượi, đò ngang qua lại, đò dọc ngược xuôi, trong đó chuyện nở như ngô rang, trên bến người các làng ra tắm giặt vui như ngày hội […]

Gió lặng, trời êm trên đất Bắc, 26 năm sau khi từ giã bà con ở bến chợ Choi, tôi trở về làng cũ. Từ bến đò vào, đường quanh queo chui giữa những rào tre cao, gió đưa kĩu kịt; tre, găng, mây đan thành những rào kín mít…”.

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN).

Đầu năm 1973, ông trở lại Paris trong những ngày lịch sử đặc biệt của đất nước với trọng trách hoạt động đối ngoại - báo chí với quốc tế. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã kể lại trong cuốn tự truyện “Ước mơ và Hoài niệm” (NXB Khoa học xã hội, 2007) như sau:

“Tháng 12/1972, tôi từ nơi sơ tán về Hà Nội để chuẩn bị đi Pháp, đúng vào những ngày đêm Mỹ dùng máy bay B52 thả bom ở Đông Anh, Gia Lâm, Bạch Mai, Văn Điển, Khâm Thiên... Lúc Mỹ buộc phải ngừng ném bom, tôi đáp máy bay sang Pháp và đến Paris vào tháng 1/1973. Hội nghị Paris bàn về vấn đề Việt Nam sắp kết thúc, báo chí, tivi đều sôi sục về chuyện Việt Nam.

Phần tôi, thế là sau 10 năm, lần đầu tiên trở lại nước Pháp, được gặp lại những anh em cùng hoạt động, những kiều bào trước đã cùng chia sẻ bao nỗi vui buồn, những đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp, những anh em tiến bộ trong các đảng anh em ở châu Phi và một số nước khác...

Hôm 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký tại hội trường Kléber, một Trung tâm diễn đàn quốc tế (Centre international de conférences). Bạn bè Pháp, anh em Việt kiều… chúng tôi đứng trước cửa chờ đón đoàn…

Trong 40 ngày ở Pháp, ngày nào tôi cũng có những cuộc tiếp xúc, từ 9 giờ sáng đến nửa đêm, có lúc phải đi sang các tỉnh khác, nhưng không thấy mệt. Đi đâu cũng gặp một sự ân cần đón tiếp niềm nở, một không khí hân hoan, làm cho mình cảm thấy vinh dự, tự hào. Vinh dự được làm người Việt Nam, đi đâu ai cũng hỏi: Thế nào? Tại sao thắng được Mỹ? Làm thế nào thắng được Mỹ? Tổn thương, đau khổ thế nào? Ngày mai thế nào?... Có lần, tôi đi taxi, anh lái xe nói chuyện: “Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tài. Ngày xưa chúng tôi có Napoléon. Nhưng cũng có trận thua. Còn Đại tướng Giáp thì chưa thua trận nào, thắng Pháp, thắng cả Mỹ”.

Có tờ báo Jeune Afrique của châu Phi non trẻ cử đồng chí Tổng biên tập phỏng vấn tôi đến 3 tiếng đồng hồ, sau đó dành hầu như cả một số tạp chí để nói lý do Việt Nam làm thế nào để thắng Mỹ…

Một số trí thức ở Thụy Điển gọi dây nói sang muốn gặp tôi. Theo lời mời của tôi, họ sang Paris, ngỏ ý muốn tặng trẻ em Việt Nam một món quà. Tôi nói trẻ em Việt Nam khổ nhất là sách toàn giấy xấu, không in màu. Nếu các bạn in cho trẻ em Việt Nam một cuốn truyện, giấy đẹp, có hình vẽ in màu thì rất quý. Chúng tôi bàn sẽ lấy truyện cổ tích Việt Nam gửi sang nhờ các bạn Thụy Điển quyên tiền in giúp cho. Họ sang Paris với tôi một ngày, xong họ về. Sau đó, tôi bàn với Nhà xuất bản Kim Đồng lấy cuốn Tấm Cám do Mai Long vẽ, 5-6 màu rất đẹp, có tính dân tộc, gửi sang cho họ. Các bạn Thụy Điển đã in cho 400.000 cuốn, gửi đến Việt Nam, qua Nhà xuất bản Kim Đồng phân phối cho trẻ em trong nước…”.

Cũng trong dịp trở lại Paris năm 1973, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã tham gia cùng đạo diễn Pháp Géral Guillaume làm cuốn phim tài liệu “Hồ Chí Minh - phác họa chân dung một chính khách”. Phim này đã được phát trên VTV1 tối 15/5/2019, trong đó, dành nhiều thời lượng cho bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói mở đầu phim.

Những công việc kể trên chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động đối ngoại của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện… Không phải ngẫu nhiên, khi bác sĩ Nguyễn Khắc Viện qua đời năm 1997, ông Nguyễn Dy Niên (sau này là Bộ trưởng Ngoại giao) đã ghi cảm tưởng: “Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà văn hoá, một con người vô cùng tâm huyết với dân tộc và văn hoá Việt Nam. Ông sinh ra là để làm chiếc cầu nối giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá thế giới. Ông mất đi để lại một khoảng trống khó có thể bù đắp được…”.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Khắc ở xã An Hoà Thịnh - Hương Sơn. Ảnh Giang Nam.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện “đi xa” cũng đã tròn một phần tư thế kỷ, nhưng như cố nhà báo Hoàng Tùng - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từng viết: “Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã để lại một di sản đồ sộ…”. Tại Trường THCS mang tên Nguyễn Khắc Viện ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn) hiện đã có phòng trưng bày bức tượng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và những di sản ông để lại… Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện như đã trở về bên dòng sông Phố quê hương…

Nguyễn Khắc Phê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét