26 thg 2, 2023

Công viên đá hoang sơ ở Ninh Thuận

Công viên đá Ninh Thuận nằm trong khu bảo tồn Vườn Quốc gia Núi Chúa, là nơi phù hợp với du khách yêu thiên nhiên.

Công viên đá thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa, nằm ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Công viên thuộc hệ sinh thái rừng lùn trên núi đá, được bao bọc bởi các loại thực vật có khả năng chịu hạn trong điều kiện khí hậu quanh năm khô nóng.

Anh Nguyễn Minh Hoàng, nhân viên Phòng Dịch vụ và Giáo dục Môi trường Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, công viên có diện tích khoảng 3 ha, được phát hiện vào khoảng năm 2013 nhưng năm 2022 mới bắt đầu khai thác du lịch.

Tại công viên, các khối đá được hình thành tự nhiên, đủ kích thước, xếp chồng lên nhau, qua hàng triệu năm bị bào mòn, tạo thành những hình thù dễ liên tưởng đến chim, cá mập, voi, khỉ, rắn, bình trà, ghế ngồi. Những mỏm đá hướng ra phía biển là địa điểm check in của người yêu thích khám phá, trải nghiệm thiên nhiên.

Những tảng đá nhiều hình dáng ở ven biển Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Tùng




Lần đầu đến đây, anh Lê Hoàng Vi Nghĩa (34 tuổi, TP HCM) cho biết đã đi nhiều bãi đá ở Việt Nam nhưng hiếm nơi nào có vẻ đẹp hoang sơ và rộng lớn như vậy. Đứng trên những mỏm đá chênh vênh chìa ra biển, nghe tiếng sóng vỗ phía dưới "thật sự cảm nhận được sự tự do giữa thiên nhiên".

Đến công viên đá ngày 18/2, hai vị khách Ấn Độ bất ngờ trước khung cảnh dưới chân là cát, trước mặt là biển, xung quanh là núi rừng. "Tôi đã nghe nhiều người nói về cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam và thật rất ấn tượng", vị khách nước ngoài chia sẻ.

Công viên đá chưa có nhiều dịch vụ, chỉ có một đơn vị liên kết với Vườn Quốc gia để kinh doanh cắm trại đêm.

Công viên đá cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 30 km, nằm trên cung đường vịnh Vĩnh Hy. Để đến nơi này, du khách di chuyển từ thành phố Phan Rang đến gần cổng chào Ninh Hải, phía bên trái là trạm Kiểm lâm Vĩnh Hy, đối diện là đường đi vào công viên đá.

Anh Tạ Trung Long (36 tuổi), hướng dẫn viên tại Ninh Thuận, cho biết hiện các tour đến đây rất hạn chế. Nhiều đơn vị dù biết đường, cũng khó tổ chức tour đông vì đây là khu bảo tồn nên công tác quản lý chặt chẽ. Tour khá kén khách vì nhiều người ngại đi bộ đoạn đường rừng khoảng 2 km để vào trung tâm công viên.

Khách du lịch Ấn Độ khám phá công viên đá tháng 2. Ảnh: Trung Long

Thời tiết Ninh Thuận khắc nghiệt nên cần chuẩn bị trang phục bảo hộ và kem chống nắng. Nên đi giày thể thao hoặc những đôi giày có độ bám dính tốt để hạn chế trơn trượt khi di chuyển qua nhiều địa hình, đặc biệt là khi leo lên những tảng đá lớn không bằng phẳng.

Du khách có thể đến công viên đá vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng thời điểm tốt nhất là từ khoảng 15h trở đi, khi cái nóng đã dịu, ánh nắng từ hướng tây chiếu xuống mặt biển lấp lánh và có thể ngắm được hoàng hôn. Giá vé vào cửa là 40.000 đồng. Đường vào công viên đá tuy không quá khó đi nhưng dễ bị lạc, nên có người dân địa phương hoặc hướng dẫn viên. Chi phí thuê hướng dẫn viên khoảng 500.000 đồng một người một ngày.

Từ đầu năm 2023, công viên đá đón khoảng 1.000 lượt khách. Bên cạnh công viên đá, du khách cũng có thể trải nghiệm các địa điểm khác trong Vườn Quốc gia Núi Chúa như Hang Rái, vịnh Vĩnh Hy hay suối Lồ Ồ.

Quỳnh Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét