4 thg 9, 2022

Đọc Trường Cao Phong trên Hương Quê

Một trang bìa tạp chí Hương Quê

Hương Quê là một tạp chí khuyến nông của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, được phát miễn phí cho nông dân trước 1975. Bên cạnh các bài viết hướng dẫn người nông dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tạp chí còn có các truyện ngắn, phóng sự đậm nét thôn quê Nam bộ. Hai cây viết trụ cột cho mảng bài viết này là Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, mà hiện nay các truyện ngắn của hai ông đăng trên Hương Quê đã được NXB Trẻ tập hợp lại và in thành sách. Một tên tuổi khác cũng có những bài viết đặc sắc trên Hương Quê nhưng ít được nhắc đến hơn, đó là Trường Cao Phong. Các bài viết của ông thường là ký sự, phóng sự về miền quê Nam bộ.

Bữa nay, nhân việc gia đình vừa có đám tang, ngồi buồn lật lại báo cũ tui đọc được bài Đám tang nông thôn của Trường Cao Phong, đăng trên Hương Quê số 67. Thấy hay quá, tui xin đăng lại tại đây cho mọi người cùng đọc và để nhớ lại một tên tuổi ngày xưa. 

Đám tang nông thôn


Chú Hai Hậu hớt hơ hớt hãi xông vào từng nhà một, mà hể chú vào nhà nào thì hồ như có chuyện đại sự xảy ra. Không phải là chuyện người ta đâm chém nhau, chuyện cháy nhà, chuyện vợ chồng chú Hương Giáo choảng nhau đến lỗ máu đầu. Chú chỉ chuyên môn báo tin cáo-phó!

- À, thằng Tư mày, mày hay tin chú Ba Cải ở cuối xóm chết chưa? Chà, tội nghiệp chú ấy quá. Mới cấy lúa vừa xong, chú xáng xuống một trận đau không thấy gì nặng mà chỉ dùn mình có năm, sáu bữa rồi theo ông bà!

Chú chỉ nói vậy rồi đi sang nhà khác. Nội trong một buổi là cả xóm mấy trăm nóc nhà được báo tin chú Ba Cải qua đời.

Nếu là người không sống dưới đồng quê. thấy chuyện chú Hai Hậu đi loan tin, chắc phải nghĩ rằng chú đa sự, lẹ mồm nhạy mép vậy thôi chứ không gì khác.

Nhưng người thôn quê lại quan niệm khác vai trò của chú Hai Hậu và tự biết mình phải làm gì đối với tin buồn kia.

Thế rồi sau khi nhận được cáo-phó bằng miệng của chủ Hai Hậu thì cả đoàn người lũ lượt kéo tới nhà chú Ba Cải. Trước hết, họ viếng thăm gia-đình kẻ xấu số, hỏi thăm ngày giờ tẩn-liệm, ngày giờ chôn-cất, chôn nơi nào, rồi quan sát gia-cảnh của chú Ba để cùng nhau đặt kế hoạch giúp đỡ.

Luôn luôn trong xóm đều có sẵn một hoặc nhiều ông lão rất thạo việc ma chay. Chinh ông ấy coi như là vị chỉ huy, có đủ thẩm quyền sai, cắt họ trong mọi công việc,

Vậy là bao nhiêu trai tráng, người đứng tuổi có mặt tại chỗ được động viên. Và những người này còn có phận sự động viên lại những bà nội trợ với con cái họ - phần đông là các cô gái.

Bìa trước tạp chí Hương Quê số 67, số có đăng bài viết này

Bắt tay vào việc

Đoàn người có mặt tự phân công với nhau tùy theo khả năng và chuyên-môn của mỗi người.

Họ phân ra tốp nào đi đốn cây, chặt lá để dựng lên cái rạp.

Tốp nào chèo ghe đi mượn ván ngựa, chén bát, soong quánh.

Tốp nào lo dọn-dẹp nhà cửa, sửa soạn miếng đất, cái sân trước nhà, Phụ-nữ thì lo tìm thêm gạo, nước và mua vải trắng để may đồ tang.

Mỗi người có phận sự riêng và ai lo việc nấy, với một tinh thần tích cực, không nề hà khó khăn cực nhọc; chỉ trong nửa ngày trời là anh em lo đủ tất cả mọi công-việc, chuẩn bị đủ tiện nghi cho gia-chủ.

Thường ở nông thôn nhà rất xa chợ, cái gì lặt-vặt còn có thể mua được, kiếm được. Cái khó kiếm nhứt và không có sẵn ở nông thôn là cái hòm đề tẩn-liệm xác người quá cố. Vẫn biết khổ chủ có thể đi ra chợ, mặc dầu đường xa, để mua, nhưng đối với người nghèo, không có khả năng tài chánh thì sao?

Cuốn chiếu đem chôn chăng? Như vậy đâu được. Đã tủi cho vong linh người xấu số lại làm khổ thân-nhơn còn sống. Sao sao cũng phải có cái hòm mới được. Và khi anh em hàng xóm quyết định phải có, thì chuyện khó khăn cách mấy cũng sẽ là chuyện thiệt hiện dễ dàng.

Nếu trong nhà không có bộ ván dầu nào. thi ông lão chỉ huy chỉ hỏi một câu:

- Anh em nào có dư bộ ván?

Tức thì trong số anh em sẽ có người sẵn sàng “cúng” cho một bộ.

Anh ấy tự nguyện hiến tặng rồi cũng tự xung phong chèo ghe về nhà chở tới, nếu nhà hơi xa. Còn nếu ở gần thì anh nghéo tay vải anh em cùng đi về nhà anh, mỗi người khiêng hay vác một tầm là xong nội trong mươi phút, nửa giờ.

Ba miếng ván làm sao đóng đủ một cái hòm? Vậy là một người khác đi phăng phăng về nhà khiêng lại thêm một tấm thứ tư.

Có ván đã rồi thì tới phiên vài anh thợ mộc xách cưa, bào, đục, búa lại, ráp vô một chút là bốn tấm ván sẽ biến thành một chiếc hòm rất khít-khao, kín mít.

Một lớp sơn đỏ hoặc vàng sậm phủ lên, chiếc hòm cũng đủ màu sắc cho tôn vẻ lộng lẫy, trang-nghiêm.

Bìa sau tạp chí Hương Quê số 67, số có đăng bài viết này

Trong thời-gian chưa cắt đám

Thường thường ở thôn quê, người nghèo không bao giờ dám giữ đám tang trong nhà đến quá hai ngày. Ta nên hiểu một ngày ở thôn quê không tinh là 24 giờ. Chẳng hạn như một người chết hồi 8 giờ sáng hôm nay, qua ngày sau chôn cũng vào khoảng 8 giờ mà không thể tinh một ngày: trái lại phải kể là hai ngày. Vì đã qua một đêm, bước sang ngày khác tức là hai ngày vậy.

Vì nghèo mà để lâu là tang gia tốn kém thêm, quan-hệ nhứt là số người nghèo mắc tay vào đó không thể lo việc nào khác. Tang-chủ đã đánh rồi mà người đến giúp công cũng kẹt.

Cái đêm còn quàn người chết tại nhà là một đêm rộn-rịp nhất.

Đáng lẽ đây là một cái tang, không phải là tiệc cưới gã, nhưng ở nông thôn cái không khi đêm đó rất tưng bừng nào nhiệt.

Có tang trong nhà là đêm đó toàn thể người nhà cho đến kẻ tới vùa giúp đều phải thức sáng trắng. Nó đã thành một cái lệ, không rộn-rịp không được.

Có thể nói các chị, các bà thủ nhà bếp là những người mệt nhứt trong đêm trước khi cất đám.

Phải nấu nướng, phải lo trà nước: bất cứ lúc nào cũng đều sẵn sàng thức ăn đãi đằng những người có mặt hoặc giúp việc, tiếp tay, hoặc tới thăm, chia buồn rồi ở lại với gia chủ cho nhà cửa bớt lạnh lẽo, quạnh hiu. Có thể nói đó là bổn-phận của tang-gia phải làm vui lòng những người đã tận tâm giúp mình mà không đòi hỏi thù lao, đền bù gì ráo.

Họ phải ăn phải uống, phải nói chuyện đời, phải ca hát cho cử tọa chú ý theo dõi mà quên buồn ngủ. Mà cái thú nói chuyện khào như nói tiếu làm, ca hát thì phải uống liền liền và phải ăn từng chập. Và cuộc ăn nhậu cứ thế kéo dài. Mỗi món phải đem ra mấy lần, nhà bếp mệt đừ nhưng rất vui, vì họ được nghe ca hát, nghe chuyện tiếu lâm, tức hưởng sự giải tri bất ngờ,

Đồ ăn nhậu không đáng ngại.

Nhà nào có cá đem cá tới. Nhà nào có gà vịt vẫn sẵn sàng “cống hiến” vài con. Nếu chủ nhà khá giả, có sẵn nuôi heo thì làm một con đãi đằng quyến thuộc, thân bằng với ngụ ý báo hiểu cho cha, mẹ mãn phần. Người nghèo quá, không có khả năng thì chạy u ra bến, ra chợ, mua mớ cá, tôm, gà vịt cũng đủ cho bà con, bè bạn nhậu nhẹt tới sáng bét.

Cho nên ở thôn quê trong các tiệc tùng đám ma hay đám cưới, thế nào cũng có chia hai phe. Một phe sồn sồn và một phe thanh niên.

Phe sồn sồn thì chuyên nói chuyện về tiểu thuyết Tàu, chuyện tiếu lâm.

Phe thanh niên thi cứ lo đờn ca, bản buồn xen lẫn bản vui, tiếng nhạc không ngớt để đánh tan không khi áo não buồn thảm.

Nếu người lạ đi ngang qua nhà có tang rất có thể họ sẽ lầm tưởng là một tiệc cưới, gả cũng nên! Tiếng cười, tiếng hát lấn át tất cả mọi thứ tiếng khác, kể luôn tiếng khóc.

Tạp chí Hương Quê

Đám tang lên dường

Thức sáng đêm như vậy chắc có người sẽ lo ngại việc tống táng chểnh mảng chăng? Nhưng không, trong ngày đầu anh em tham gia với tinh thần tích-cực bao nhiêu thì ngày cất đám, anh em vẫn giữ vững cái tinh thần ấy.

Cuộc tống-táng ở thôn quê luôn luôn là vất vả, không giống như ở thị thành có xe chở quan tài, luôn cả nhà giàn, bài vị v.v... Ở nông thôn có hai cách tống táng: nếu chôn xa thì phải chở quan tài bằng ghe, còn phần mộ ở gần thì anh em phải khiêng gánh trên vai.

Cũng nên biết ở nông-thôn đường đi rất hẹp, phải vượt bờ lướt bụi, phải lội qua vũng lầy; khiêng cái quan tài lại không giống như khiêng một món đồ, nói rõ hơn, khiêng vật dụng họ mệt thì nghỉ lúc nào cũng được, day trở thế nào cũng xong. Khiêng cái quan thi phải đi nhiều người một lượt (có đổ mồ hôi hột cũng vẫn phải cắn răng cố gắng chớ không được để xuống nghỉ! Ngoài ra, đi đường sao cho ăn nhịp, nhẹ nhàng, để khiêng sẽ không tròng tránh, lắc-lư.

Ta cứ tưởng tượng cảnh ấy cũng đã hình dung được bao nhiêu cực-nhọc, khó khăn của người trong cuộc, vô cùng vất vả mà vẫn không hề nói chuyện đền bù, thù-lao gì ráo. Mọi việc tiến hành hoàn toàn với tinh thần tương trợ, thân thiện.

Hạ huyệt xong, sau khi đã trải qua bao nhiêu thận trọng, anh em còn phải đắp điếm cho thành cái nấm mồ. Đắp cho được một nấm mồ vừa bụng là cả một công trình còn phải sửa đi sửa lại nhiều bận, để có thể kêu rằng người quá cố đã được “mồ êm mả đẹp”.

Rã đám

Chôn cất xong, số người giúp việc thu gom tất cả những gì còn lại để đem về. Của tang chủ món gì thì mang thẳng về nhà, món nào quơ tạm của ai thì anh em tự tay đem trả lại cho nguyên-chủ.

Cũng nên để ý là mỗi món người ta không quên rửa ráy sạch sẽ rồi mới mang trả chớ không phải để dơ dáy, luộm thuộm hoặc bừa bãi mà dám đem trả cho người ta.

Có khi tang chủ mời anh em để đãi một bữa ăn gọi là đáp đền công khó, nhưng thường thi anh em từ chối, có dự chăng cũng một số nhỏ mà gồm mấy người thân-thích thôi.

Đám tang từ khi diễn ra cho đến xong xuôi, không có chuyện cáo phó bằng giấy tờ đã đành, mà rồi việc cũng không có cảm tạ trên báo chí hoặc bằng thư từ như ở thành thị. Vậy mà chẳng bao giờ anh em thắc mắc gì ráo. Người ta thông cảm nhau, dầu có gì sơ hở của tang-chủ ai nấy cũng không bao giờ quan tâm, trách móc.

Ở nông thôn mối tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau bao giờ cũng thiệt hiện cụ thể. Một gia đình hữu sự là tất cả mọi gia dính khác trong ấp, trong xóm coi như chuyện của chính mình. Họ tùy phương tiện, tùy khả năng mà đóng góp, giúp đỡ. Nhà cửa ở nông thôn cất rải rác, nhưng chuyện gì xảy ra là ắt cả xóm đều hay, không như ở thị thành, nhà san-sát như chén úp trong sống, tuy sát vách nhau mà lắm khi người ta không hay. biết gì khi nhà kế bên hữu sự.

T.C.P.




Phạm Hoài Nhân
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét