11 thg 9, 2022

“Động thiên thai” trên nóc nhà miền Tây

Đó là “Động Thủy Liêm” ở núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Địa danh này làm người ta dễ nhầm lẫn với hồ Thủy Liêm trước chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh (cũng trên đỉnh núi Cấm).


Động Thủy Liêm chúng tôi nhắc đến nằm khuất bên con đường dân sinh nhỏ hẹp, nếu không nhờ người dân địa phương đưa đến thì sẽ rất khó tìm.




Chánh điện bày trí tượng Phật uy nghiêm, nhiều chạm khắc tinh xảo, sinh động trên cột, tường, như: Rồng, rừng cây cách điệu…


Nhưng điểm chính của động Thủy Liêm là thác nước. Phải trải qua bậc thang rêu phong, lần dò từng bước mới đến nơi.


Cấu trúc động Thủy Liêm rất đơn giản, nhưng lạ mắt. Miệng hang là 2 vồ đá dựng khổng lồ, chụm lại như mái nhà, cao chừng 3-4m. Nếu 1 người vào thì thoải mái, nhưng 2 người sẽ chật san sát.

Bước thêm vài bước chân là dòng nước trắng xóa, đổ từ trên “nóc nhà” xuống, lực mạnh vừa phải. Không gian âm u, đưa bàn tay lên có khi chẳng nhìn thấy rõ. Dòng nước như rèm cửa ngăn cách bên trong động, không ai đủ can đảm bước qua, khám phá bên trong.






Nước ầm ào quanh năm, bào mòn nhẵn thín từng tảng đá lớn. Độ ẩm còn làm khu vực này phủ một màu xanh rêu thời gian, màu xanh tươi của thực vật các loại.


Ánh sáng trong động có được là nhờ “miệng giếng trời”. Khoảng trống giữa các phiến đá núi hắt xuống động thiên thai, làm cho cảnh trí thêm phần huyền ảo, nửa hư nửa thực.



Dòng nước từ “thác” chảy xuống các ô đá gần đó, góp thêm nét tươi mát cho cảnh quan.


Một bài thơ được khắc trên vách động, nhắc nhở du khách gần xa giữ gìn vệ sinh chung.


Đoàn khách du lịch từ tỉnh Tiền Giang, lần đầu tiên ghé thăm động Thủy Liêm, trải nghiệm tắm suối, chạm vào thiên nhiên kỳ thú. Đối với họ, động Thủy Liêm là nơi dùng dòng nước mát lạnh gột rửa bụi trần, tạm gác ưu phiền thế gian.



Sau khi tắm suối, tham quan động Thủy Liêm, du khách có thể đi thêm vài bước chân để ngắm cảnh núi rừng. Điểm đặc biệt không thể bỏ qua là dấu bàn chân tiên ở dưới cầu động Thủy Liêm, in rành rành bàn chân trái khổng lồ, hình dạng không khác gì bàn chân người.


“Tôi từng tham quan một số “bàn chân tiên”, nhưng không nhìn rõ hình dạng ngón cái như thế này. Hồi nhỏ, ông bà thường kể, thần tiên bước từ núi này qua núi kia, bởi vậy có bàn chân trái, bàn chân phải. Truyền thuyết là truyền thuyết, đến khi tận mắt nhìn thấy, mình cũng chẳng thể lý giải được. Những cảnh đẹp, lý thú càng giúp tôi thêm yêu quê hương đất nước, mong muốn được thưởng ngoạn nhiều hơn” – ông Trương Ngọc Luyến (du khách huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ.

KHÁNH ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét