14 thg 9, 2022

Có một vị tướng đánh giặc giỏi lại mê hát tuồng

Đó là tướng Nguyễn Chánh. Ông được xem như linh hồn của Đội Du kích Ba Tơ và là “tổng đạo diễn” toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng tự do Liên khu 5 vào giai đoạn cuối. Ông còn được biết đến là một nhà lãnh đạo có công rất lớn trong việc khôi phục, phát triển nghệ thuật tuồng và các hình thức dân ca kịch truyền thống ở Khu 5.

Vị tướng thư sinh

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhắc lại chi tiết, trước khi tiễn các tướng lĩnh quân đội Pháp về nước, ông hỏi họ là có yêu cầu gì cần được hỗ trợ của phía Việt Nam không? Tướng De Beaufort - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Tây Nguyên, chỉ có một yêu cầu nhỏ là cho ông được gặp người chỉ huy chiến trường Tây Nguyên bên phía Việt Minh. Tướng Giáp không rõ De Beaufort gặp vị tướng bên Việt Minh ấy để làm gì, song ông vẫn đáp ứng yêu cầu của vị khách.

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh. Ảnh: LHK

Nhận lệnh của vị Tổng Chỉ huy quân đội, Nguyễn Chánh đến sớm hơn giờ hẹn. Khi tướng Giáp và những vị khách đến chỗ hẹn gặp thì thấy Nguyễn Chánh đã ngồi đợi. Sau khi nghe tướng Giáp giới thiệu: “Đây là người mà ngài cần gặp!”, De Beaufort quá đỗi ngạc nhiên vì trong tưởng tượng của ông thì đây không thể là vị tướng đã từng làm cho ông thất điên bát đảo, người dạn dày trận mạc 9 năm trước đó vì trông Nguyễn Chánh quá “thư sinh” so với tuổi 40 của mình. Trước khi chia tay, tướng De Beaufort có nói với Nguyễn Chánh: “Nếu hồi đó (tháng 5/1954), ngài đánh mạnh lên Buôn Ma Thuột thì tôi sẽ thành tù binh của ngài rồi!”. Số là, sau khi đánh tan tác cuộc hành binh Atlante của tướng Henri Navarre lấn ra Phú Yên - Bình Định, tiêu diệt cứ điểm Măng Đen, giải phóng Kon Tum, Pleiku, trên đường tiến vào Buôn Ma Thuột - nơi Pháp đặt tổng hành dinh của chiến trường Tây Nguyên, thì có lệnh ngừng bắn, tướng Nguyễn Chánh đã chấp hành mệnh lệnh từ trung ương, kết thúc chiến tranh 9 năm đánh Pháp.

Nguyễn Chánh sinh năm 1914 tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), là con thứ 8 trong một gia đình có người cha chuyên làm bờ xe nước trên sông Trà. Thông minh, hoạt bát và có tố chất thủ lĩnh ngay từ nhỏ, Nguyễn Chánh là người luôn đứng ra làm trung gian trong các cuộc hòa giải những mâu thuẫn trong làng. Ông tham gia cách mạng từ sớm, mới 21 tuổi (năm 1935) đã là Bí thư Liên tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Ông bị Pháp bắt giam nhiều lần và bị đày ở nhiều nhà tù cho đến tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông thoát ngục Thừa Phủ (Huế) và về quê nhà Quảng Ngãi. Tuy không trực tiếp tham gia Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ trước đó, nhưng ông được Tỉnh ủy Quảng Ngãi phân công chỉ huy đội quân du kích còn non trẻ ấy. Cũng chính Nguyễn Chánh là người chủ trương đưa quân đội tiến về đồng bằng, mở rộng địa bàn hoạt động của đội du kích, thành lập thêm nhiều đơn vị vũ trang. Chủ trương này vô cùng quan trọng, góp công lớn trong việc khởi nghĩa giành chính quyền sớm ở Quảng Ngãi trong Cách mạng Tháng Tám.

Đội Du kích Ba Tơ - lực lượng vũ trang đầu tiên của Khu 5, từ vài chục tay súng đã nhanh chóng trưởng thành. Đội quân ấy được vị chỉ huy trẻ tuổi Nguyễn Chánh trực tiếp lãnh đạo với tư cách là Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5. Những trận đánh kinh điển về chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều được Nguyễn Chánh vận dụng linh hoạt, sáng tạo khiến cho quân đội Pháp trên chiến trường miền Trung - Tây Nguyên thất bại hết trận này đến trận khác, góp phần “chia lửa” rất hiệu quả với chiến trường Điện Biên.

Người ta mệnh danh Nguyễn Chánh là “Vị tướng không quân hàm” là vì, đầu năm 1958, Nhà nước phong tướng cho một số vị chỉ huy quân đội trong kháng chiến chống Pháp thì ngày 24/9/1957, Nguyễn Chánh đã ra đi đột ngột ở tuổi 43 trên cương vị là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam!

Người bạn lớn của văn nghệ sĩ

Nếu như ở Khu 4, các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp coi Nguyễn Sơn là một vị tướng luôn quan tâm và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của họ, thì ở Khu 5 có Nguyễn Chánh. “Mơ ước của đời tôi là được tham gia một đoàn tuồng nào đó để đi biểu diễn khắp nơi chứ không phải mặc áo lính như thế này”, Nguyễn Chánh đã có lần tâm sự như vậy. Ông đánh trống chầu trông rất chuyên nghiệp.

Chính vì mê tuồng và các hình thức dân ca kịch mà ngay từ năm 1952, lúc cả Liên khu 5 còn đang gặp vô vàn khó khăn khi thực dân Pháp liên tục mở các đợt tấn công hòng chiếm lại vùng tự do Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, trong một hội nghị Thường vụ Liên khu ủy, Nguyễn Chánh đã đưa chủ trương khôi phục các hình thức ca kịch dân tộc truyền thống. Ông bảo rằng, vùng đất từ Quảng Nam đến Phú Yên là đất tuồng xưa nay, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hát tuồng và nhiều soạn giả về tuồng, nhân dân lại mê tuồng và bài chòi. Vậy nên, rất cần thành lập một đoàn hát tuồng của Liên khu, sau đó nếu có điều kiện thì mỗi tỉnh nên có một đoàn.

Như vậy, vừa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, vừa giữ gìn và phát triển một bộ môn nghệ thuật truyền thống quý báu, lại không để các nghệ sĩ ưu tú trên lĩnh vực này bị mai một, lãng quên. Ngay sau đó, Liên Khu ủy đã có nghị quyết về việc khôi phục, phát triển nghệ thuật tuồng và các hình thức dân ca truyền thống Khu 5. Đoàn Hát bội Liên khu 5 ra đời ngay trong kháng chiến chống Pháp, do nhà nghiên cứu tuồng - giáo sư Hoàng Châu Ký phụ trách. Hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi như Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Tống Phước Phổ... đã có một mái nhà chung từ đoàn hát bội này.

Nguyễn Chánh qua đời ở tuổi 43, không chỉ là một mất mát lớn cho quân đội, mà những văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Khu 5 còn mất đi một người bạn lớn.

TRẦN ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét