13 thg 9, 2022

Sông Kinh đôi bờ xanh biếc

Dòng sông Kinh lấy nước từ cửa Đại đổ về cửa Sa Kỳ, tạo thành một tuyến đường thủy dài hơn 7 km, dòng nước lững lờ trôi qua các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Sự tác động của con người vào địa hình tự nhiên đã hình thành nên một dòng sông vừa có cảnh quan thơ mộng, vừa mang đậm nét đặc thù trong cách ứng xử của người dân miền Trung với thiên nhiên vùng ven biển.

Dòng sông Kinh xưa và nay là bức tranh sông nước hữu tình. Dẫu vậy, với các bậc cao niên, dòng sông Kinh thuở trước vẫn luôn chảy tràn trong trí nhớ. Ông Trương Quang Thao (80 tuổi), ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cho biết, hơn nửa thế kỷ trở về trước, tuyến đường thủy sông Kinh khá nhộn nhịp, nhất là vào mùa mưa bão. Ghe thuyền chở đồ gốm Mỹ Thiện, cá chuồn muối, nước mắm, cá khô... từ cửa Sa Kỳ qua cửa Đại, rồi từ cửa Đại theo thuyền buồm ngược lên vùng đồng bằng các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và đến vùng cao Sơn Hà. Ở chiều ngược lại, nậu buôn thuyền theo ghe mang hàng mỹ nghệ, dầu lửa, dầu rái từ bến Tam Thương trên sông Trà Khúc ra tận Sa Kỳ để bán ngược lên vùng đồng bằng và miền núi như Bình Sơn, Trà Bồng, một phần theo đường biển ra Cù Lao Ré (Lý Sơn).

Dòng sông chảy tràn trong trí nhớ

Dòng sông Kinh có rừng dừa nước xanh rờn, chiếm phần lớn diện tích vùng ngập nước phía bắc cửa Đại, rồi chạy theo đôi bờ sông. Màu xanh của rừng dừa nước cùng màu xanh của rừng dương mé biển, hòa cùng màu xanh của biển cả và bầu trời, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Ông Bùi Chiến (72 tuổi), ở tổ dân phố Trường Thọ Đông, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) kể, cha tôi làm nghề buôn đường (đường mía), xuôi ngược sông Kinh và hạ lưu sông Trà Khúc. Có lần tôi được cha cho theo thuyền buôn. Tôi nhớ mãi chuyến đi ấy, khi thuyền từ cửa Đại đi vào sông Kinh, hai bên bờ sông mênh mang dừa nước, chim dồng dộc làm tổ rất nhiều trên các tàu dừa. Người ngồi trên thuyền chỉ cần với tay là có thể chạm vào tổ chim dồng dộc. Những chiếc tổ được lũ chim đan rất khéo, đong đưa theo làn gió. Dưới sông, người dân đặt nò bắt cá. Nò là dụng cụ đan bằng tre, dùng để nhử cá chui vào.

Rừng dừa nước ở sông Kinh, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: H.Khánh

Ông Nguyễn Văn Tâm, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, chia sẻ, cách nay hơn 20 năm, rừng dừa nước trên dòng sông Kinh dày đặc. Đoạn sông từ cửa Đại đến cầu sông Kinh hai bên dừa nước xanh mơn mởn, còn từ cầu sông Kinh về phía cuối xóm Khê Thanh trồng vô số dừa ăn trái vút lên cao, nghiêng bóng xuống dòng sông. Chồm ra ngoài phía biển là rừng dương và bãi cát hình cánh cung. Từ đây, ngước nhìn về phía đông bắc sẽ thấy mũi Ba Làng An hiện ra trong tầm mắt. Ngày trước, nguồn thủy sản trên sông Kinh dồi dào, trong đó phải kể đến những loại cá như cá bống, cá đối, cá hanh, cá chim và các loại sò huyết, chim chíp, tôm, cua, lịch, chình... Khai thác thủy sản ở sông Kinh là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa...

Sông Kinh và rừng dừa nước vừa là di tích lịch sử - văn hóa, vừa là di sản thiên nhiên quý báu mà đất trời và lịch sử trong mối duyên hạnh ngộ đã mang tặng cho người dân Tịnh Khê và cho quê hương Quảng Ngãi. Có một thời gian, rừng dừa nước Tịnh Khê bị các hộ dân chặt phá để làm hồ nuôi tôm, đây là điều rất đáng tiếc. Hiện nay, diện tích rừng dừa nước Tịnh Khê còn khoảng 9 ha. Nhiều hộ dân trở lại sống bằng nghề khai thác lá dừa đan thành tấm lợp để bán cho các khu du lịch, nhà hàng, mang lại nguồn thu nhập khá. Nghề khai thác thủy sản trên sông Kinh cũng từng bước được phục hồi.

Khu rừng dừa nước Tịnh Khê với dòng sông Kinh êm đềm, đường bờ biển cát mịn bên ngoài, làng mạc dưới bóng cây xanh, con đường làng quanh co... đang trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút ngày càng đông du khách. Quảng Ngãi cũng đã quy hoạch, xây cầu, mở đường... để đưa Khu du lịch Mỹ Khê trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai không xa. Tái sinh rừng dừa nước trên dòng sông Kinh cũng là điều nên làm. Dòng sông Kinh với đôi bờ xanh biếc sẽ mãi là bức tranh tuyệt đẹp trong lòng người dân địa phương và du khách gần xa.

Dấu xưa còn mãi

Cũng như hầu hết các dòng sông từ Thanh Hóa trở vào Đồng Nai, sông Trà Khúc phát nguyên từ rừng núi phía tây đổ về đông, trước khi ra biển. Đến vùng gần cửa sông, do chênh lệch độ cao tạo nên mặt nghiêng dòng chảy thu lại dần, những mạch nguồn, khe suối phía hạ du không dồn nước thành các phụ lưu đổ ra sông, mà loang thành nhiều đầm, phá. Những đầm nước, lạch nước tự nhiên này được con người khơi dòng chảy nối thông nhau để hình thành một con sông đào theo dạng thủy lưu dọc biển, đó là sông Kinh. Dòng sông giúp cho tàu thuyền vốn hạn chế về sức chịu đựng sóng to gió cả có thể dễ dàng di chuyển trong lòng sông vào mùa biển động.

Vào đầu năm 1836, ông Trương Đăng Quế - người Tịnh Khê, được vua Minh Mạng chọn làm Kinh lược đại thần, đi kinh lý 6 tỉnh Nam Kỳ để đo đạc, thiết lập địa bạ và đinh bạ vùng Nam kỳ lục tỉnh. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng này chỉ trong vòng 6 tháng. Mười sáu năm, từ lúc ra kinh đô ứng thi cho đến khi nhận trọng trách vào Nam, ông chưa từng được nhà vua cho phép về thăm quê, mặc dù mẹ ông đã mất trong thời gian ông xa nhà. Nặng nỗi niềm, khi thuyền công cán ngang quê nhà, ông cảm tác bài thơ “Thuyền quá Quảng Ngãi cố hương” (Thuyền qua quê nhà Quảng Ngãi), trong đó có 2 câu kết: “Khởi lập thuyền đầu vọng/ Dao thôn ẩn bệ la”, tạm dịch: “Đầu thuyền ngoái lại tần ngần/ Làng xưa chầm chậm khuất dần bóng cây!”. Cái bóng cây dần khuất tầm nhìn của ông quan thi sĩ Trương Đăng Quế khi ra đứng đầu thuyền mà nhìn về quê nhà với biết bao thương nhớ chính là bóng những rặng dừa nước sông Kinh của vùng đất Mỹ Khê mà các cụ già ở đây cho biết đã hình thành từ mấy trăm năm trước.

LÊ HỒNG KHÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét