16 thg 9, 2022

Chuyện ít biết về tiệm kính nhỏ nhất phố núi Pleiku

Khiêm tốn trong không gian chưa đầy 20 m², bề ngang rộng 1,3 m, điều gì đã khiến tiệm kính mắt nhỏ nhất tồn tại gần nửa thế kỷ ở phố núi Pleiku?

Anh Lê Vinh Quang-chủ tiệm mắt kính Quang (36 Nguyễn Thiện Thuật, TP. Pleiku) từng có ý định đặt tên cho cửa hiệu là “Tiệm kính nhỏ nhất Gia Lai”. Nhưng cái tên này quá dài, vì vậy anh quyết định là “Mắt kính Quang”. Chữ Quang vừa là tên anh, vừa có ý nghĩa là ánh sáng. “Không gì quý giá bằng ánh sáng đôi mắt. Tôi mong muốn mọi khách hàng khi tới đây đều tìm thấy niềm vui của đôi mắt sáng”-anh nói.

Tiệm kính nhỏ nhất Phố núi

Tiền thân của “Mắt kính Quang” là “Nhà kính thuốc Minh Thành” do ông Lê Văn Chung - ba của anh Quang - làm chủ, hình thành từ năm 1976. Gọi là “nhà kính thuốc” nhưng thực ra chỉ là một chiếc xe đẩy di động. “Vì không gian cửa tiệm quá nhỏ nên ba tôi làm thành chiếc xe kính và thường đẩy ra sát lề đường cho mọi người dễ nhìn thấy. Sau đó, chủ tiệm vàng Hữu Thành ở phía đối diện tạo điều kiện cho ba để xe kính ở góc tiệm nên nhiều người biết đến hơn. Hồi còn nhỏ xíu, tôi thường mặc áo mưa phụ ba dọn dẹp vào cuối ngày, sau đó lon ton chạy theo sau cùng ba đẩy xe kính về nhà” - anh Quang kể.

Những năm 1970-1980, người bị tật khúc xạ chưa phổ biến như bây giờ. Nhà kính Minh Thành chủ yếu bán các loại kính lão, kính mát, đặc biệt là kiểu mắt kính dành cho phi công (pilot). Anh Quang nhớ lại: “Chiếc kính có kiểu dáng cổ điển này rất thịnh hành với nam giới bởi nó còn là phụ kiện thời trang. Ba kể, kính pilot đi liền với chiếc quần ống loe, mũ cao bồi là biểu tượng cho thời trang và sự nam tính của nam giới thời kỳ đó”. Song song với dòng kính thời trang, nhà kính thuốc Minh Thành cũng được nhiều người dân Phố núi tín nhiệm bởi sự lành nghề. Anh Quang chia sẻ: “Chỉ dựa vào kinh nghiệm và dụng cụ thô sơ nhưng những người lành nghề như ba tôi xác định tương đối chính xác các tật về mắt. Ba tôi làm kính trong sự tập trung cao độ, tay trái quay bánh răng, cùng lúc tay phải mài kính với độ tỉ mỉ, chuẩn xác. Có những con ốc vít siêu nhỏ nhưng được lắp ráp chính xác không khác gì mắt kính làm công nghiệp. Dù làm thủ công nhưng những chiếc kính thời đó rất sắc sảo”.

Anh Lê Vinh Quang (đứng giữa) bên 2 anh em sinh đôi ở huyện Đức Cơ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Gắn bó với xe kính của cha từ nhỏ nhưng anh Quang không có ý định theo nghề “cha truyền con nối”. Lớn lên, anh theo học ngành kỹ sư điện với ước mơ được vào làm tại Nhà máy thủy điện Ia Ly. Nhưng khi biết ba bị ung thư giai đoạn cuối, anh liền thay đổi quyết định của mình. “Ba tôi một đời vất vả với tiệm kính nuôi 5 đứa con ăn học. Ông phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối khi tôi đang học năm thứ 3. Tôi quyết định đăng ký học thêm một khóa kỹ thuật viên khúc xạ ở Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh để về giữ lại tiệm kính của ba, bởi đó còn là kỷ niệm, là tài sản tinh thần của anh chị em chúng tôi” - anh Quang tâm sự.

Dồn hết tiền tiết kiệm và được ba cho thêm một ít, anh Quang mua chiếc máy đo mắt cũ để làm nghề với giá 50 triệu đồng. Nhưng đây cũng là bài học đắt giá đầu đời của anh. “Chiếc máy chỉ đo được hơn 3 tháng thì hư, màn hình lúc tối lúc sáng. Không chỉ tiếc bởi số tiền khá lớn mà còn lòng tin của tôi đã sai chỗ, sai người. Sau này, có điều kiện hơn, tôi dành dụm mua toàn bộ máy mới của Nhật để phục vụ công việc” - anh Quang nói.

Sáng mắt, sáng lòng

Cửa hiệu của chàng trai sinh năm 1990 tuy nhỏ nhưng được nhiều người biết đến bởi sự tận tình và những việc làm thiện tâm của anh. Có lần, một phụ nữ bán vé số lớn tuổi vào tiệm làm kính. Bà đeo đôi kính dày cộp, vì mắt cận tới 20 độ. Với kỹ thuật hiện đại thì mắt kính cận 20 độ sẽ được làm mỏng nhẹ hơn một nửa. Nhưng anh Quang làm kính xong đợi mãi mà vẫn không thấy bà quay lại lấy. Sau đó, anh tình cờ gặp bà đang bán vé số trên đường. Hỏi chuyện thì biết bà không có đủ tiền. Khi anh đưa chiếc kính mới ra tặng, bà rất vui và xúc động. Hay chuyện một người dân tộc thiểu số mắt lão rất nặng, không đọc được chữ, được anh Quang làm giúp kính cho. Sau này, ông vẫn thường hay mang quà đến biếu người thợ tốt bụng.

Nhiều trường hợp khó khăn khác cũng được anh Quang đo và lắp kính miễn phí, trong đó có cặp song sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Đức Cơ được tặng một cặp gọng kính giống nhau. Còn ông Lê Văn Minh (82 tuổi) - chạy xe ôm ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật - Hai Bà Trưng thì xúc động kể: “Năm ngoái, thấy mắt mờ không nhìn rõ, tôi tới chỗ Quang đo mắt thì đã cận hơn 4 độ. Tôi nói làm cái kính vừa tiền chứ chú chạy xe ôm không dư giả gì. Làm xong kính, tôi đưa tiền thì Quang nhất định không lấy, nói “Con tặng chú”. Cái thằng nhỏ đó nó hay cười mà còn tốt bụng nữa”.

Với không gian chưa tới 20 m², mắt kính Quang là tiệm kính nhỏ nhất tồn tại ở phố núi Pleiku gần nửa thế kỷ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Quang chia sẻ, anh thấy vui khi có những người rất kỹ tính, tìm đến tiệm kính và hài lòng khi ra về. Nhiều gia đình có thế hệ cha, con, đến đời cháu cũng đều làm kính tại tiệm của anh. “Tôi từng mơ ước tiệm kính của mình tiếp đón những người nổi tiếng. Nhưng gần 10 năm làm nghề, tôi nhận ra khách hàng nào cũng mang tới cho mình niềm vui. Cha tôi luôn tâm niệm “Nếu sản phẩm không đủ tốt, chúng tôi thà vứt bỏ chứ không để khách dùng” và dặn dò tôi phải làm nghề với lương tâm và trách nhiệm, bởi ánh sáng đôi mắt là điều quý giá thiêng liêng nhất đối với mỗi người. Không chỉ trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tôi cũng dành dụm để mua máy móc tốt phục vụ công việc” - anh Quang trải lòng.

Cũng chính bởi sự tận tâm chăm sóc đôi mắt cho khách hàng mà tiệm kính siêu nhỏ của anh Quang được nhiều khách hàng biết tới. Không tìm được chỗ đậu xe, phải đi qua đi lại mấy lần nhưng không vì thế mà họ phiền lòng. Dù bất tiện nhưng anh Quang không có ý định mở rộng vì anh thích không gian thân thuộc gắn bó. Và bởi, mỗi nụ cười hài lòng của khách hàng khi ra về làm nên lấp lánh cửa tiệm siêu nhỏ này giữa lòng Phố núi gần nửa thế kỷ.

HOÀNG NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét