6 thg 9, 2022

Ngã Tư Quốc tế và những cung đường đi về Thủ

Ngã tư Quốc Tế ở Bình Dương là giao lộ giữa hai con đường Trần Tử Bình và đường Hùng Vương. Khi đến khu vực nầy không ít người phải thắc mắc và đặt câu hỏi rằng tại sao lại có tên gọi là Quốc Tế. Nó đã ra đời trong bối cảnh nào của lịch sử?

Những năm đầu của thế kỷ 20, để đẩy mạnh khai thác tài nguyên thuộc địa, tạo điều kiện thông thương, nên thực dân Pháp lần lượt cho mở rộng những cung đường ở vùng ngoại vi chợ Thủ. Trong số đó có một con đường đất nhỏ nằm cắt ngang bởi hai nhánh chảy của rạch thầy Năng. Đường nầy nối từ tuyến Thuộc Địa Số 2 (sau đổi tên thành Quốc Lộ 13) qua tới đường Charles Rossigneux [1818-1907] (sau 1956 đổi tên đường Lý Thường Kiệt) được đặt tên là đại lộ Léon Gambetta, để tưởng nhớ tới ông Léon Gambetta [1838-1882] một luật sư kiêm chánh trị gia người Pháp, thuộc đảng Cộng Hoà.

Năm 1922, khi Miễu Tử Trận được xây cất thì đại lộ Léon Gambetta cũng được đổi tên thành đường Đỗ Hữu Vị [1883-1916], cốt để lưu danh người phi công Việt Nam đầu tiên đã chiến đấu và hy sinh cho màu cờ của nước Pháp.

Đến năm 1956, Thủ Dầu Một được cải danh thành tỉnh Bình Dương. Xét thấy ông Đỗ Hữu Vị mang quốc tịch Pháp, lại không có công lao cũng như đóng góp nào cho mảnh đất nầy, nên con đường Đỗ Hữu Vị một lần nữa được đổi tên thành đường Phan Văn Hùm.

Ông Phan Văn Hùm [1902-1946] là một nhà văn, nhà báo với bút danh Phù Dao. Sanh quán tại làng An Thạnh, quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Ông có bằng Thành Chung và từng theo học tại trường đại học Sarbonne, ở Paris. Khi về nước, làm lãnh tụ phong trào Cộng Sản Đệ Tứ và chủ trương hoạt động chống thực dân Pháp. Năm 1946, ông bị những người đồng chí cùng chiến tuyến khác lý tưởng thủ tiêu.

Để tưởng nhớ đến ông Phan Văn Hùm, đầu thập niên 1970, người dân cố quận Lái Thiêu có cho xây một ngôi trường trung học mang tên ông nằm trên khu vực Gò Cát. Trường khai giảng khóa học đầu tiên lối năm 1971, nhưng kể từ sau biến cố năm 1975 trường bị đổi tên thành trường trung học Tân Thới, Lái Thiêu và rồi Nguyễn Trãi.

Ông Phan Văn Hùm là người có kiến thức uyên bác, văn phong giản dị, lôi cuốn và được đánh giá là một trong những học giả sắc nét của mảnh đất Nam Kỳ.

Nằm song song với con đường Phan Văn Hùm, gần đó là đường Nguyễn An Ninh, một trong những người bạn thân thiết cùng thời với ông Hùm và từng cùng ngồi tù chung ở Khám Lớn-Sài Gòn.

Năm 1999, đường Phan Văn Hùm được cán nhựa và lót gạch vỉa hè khang trang, nhưng lại bị đổi tên thành đường Trần Tử Bình. Điều nầy khiến cho nhiều người thắc mắc, vì không biết ông Trần Tử Bình là ai?

Ông Trần Tử Bình [1907-1967] là thiếu tướng quân đội của bên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Sanh quán ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Do gia cảnh nghèo khó nên năm 20 tuổi bỏ học đi vào Nam Kỳ để làm công nhân cạo mủ ở đồn điền cao su Phú Riềng. Đầu năm 1930, tham gia phong trào cao su Phú Riềng Đỏ thì bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo giam cầm. Sau khi ra tù ông trở về Bắc Kỳ hăng hái tham gia hoạt động cách mạng cho tới khi bịnh nặng rồi qua đời ở Bịnh viện Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.

Tính ra, ông Trần Tử Bình chưa từng tới Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc hay khi hòa bình được lập lại kể từ sau năm 1956 thì xã Phú Riềng đã thuộc quận Đôn Luân, tỉnh Phước Long. Bạn cùng thời với ông Trần Tử Bình là ông Ngô Gia Tự [1908-1935] cũng được đặt tên cho một con đường khá lớn nối từ Ngã tư Tân Lập ra tới Ngã ba Năm Sanh thuộc phường Phú Hòa, tỉnh Bình Dương.

Được biết, nhiều người có sanh quán ở Bình Dương, tuy có nhiều cống hiến to lớn để xây dựng mảnh đất nầy trù phú nhưng đã bị lãng quên. Ngược lại, những tên đường mới mở hoặc bị thay tên sau năm 1975 khiến nhiều người ngơ ngác như : Nguyễn Văn Bé, Ngô Chí Quốc, Lê Văn Tám, Võ Thành Long, Điểu Ong, Trừ Văn Thố, Phan Đình Giót….Vv.

Trở lại với con đường Hùng Vương để tưởng nhớ về những vị vua đầu tiên của nhà nước Văn Lang. Đường nầy được nối từ láng gần chưn cây cầu Bà Hên rẽ trái để tránh tuyến Quốc Lộ 13 cũ ( nay là CMT8) đi thẳng vô trung tâm chợ Thủ Dầu Một.

Những địa điểm đáng nhớ trên con đường nầy trước tiên phải được kể đến là ngôi chùa Ông Ngựa.

Người dân trong vùng quen gọi Thanh An Cung là chùa Ông Ngựa vì ngay trước cổng Tam quan có cho đúc hình tượng ngựa Xích Thố ( 赤兔) gần như kích cỡ của ngựa thật.

Giữa thế kỷ 19, chùa Ông Ngựa khi ấy chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ Quan Công, được lập bởi một nhóm người Hoa thuộc tổ chức Thiên Địa Hội. Họ coi trọng hai chữ tín nghĩa, hoạt động ẩn danh với tên gọi là Đàn Minh Thiện (明善). Nghĩa là làm việc thiện( 善)để cứu nhơn độ thế, mong sớm ngày khôi phục lại Minh triều( 明朝).

Năm 1864, khi cuộc khởi nghĩa của Thiên Địa Hội ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây bị thất bại hoàn toàn. Phong trào phản Thanh phục Minh coi như tan rã nên người Hoa chuyên tâm lo làm ăn để dần dần ổn định cuộc sống trên vùng đất Thủ Dầu Một.

Đến năm 1868, Miếu Quan Công được nhiều thương nhân đóng góp kinh phí để xây dựng thành Thanh An Cung (清安宮). Hai chữ Thanh An cốt để hướng người đời luôn giữ gìn cái tâm thanh tịnh đặng có được một cuộc sống bình an. Cung (宮) tức là nơi thờ phụng những vị thánh thần, chư tiên, nhưng người được thờ chính ở chánh điện vẫn là Quan Thánh Đế Quân, tức ông Quan Công.

Người dân trong vùng quen gọi Thanh An Cung là chùa Ông Ngựa vì ngay trước cổng Tam quan có cho đúc hình tượng ngựa Xích Thố ( 赤兔) gần như kích cỡ của ngựa thật. Đàn Minh Thiện ở chùa Ông Ngựa nhiều lần lập đàn cúng tế cũng như cấp phát thuốc chữa bịnh miễn phí cho người dân nghèo trong vùng nên ngày càng có tiếng tâm.

Lối đầu thế kỷ 20, Tương truyền đàn Minh Thiện nhiều lần hiển thánh. Quan Thánh Đế Quân giáng cơ ban phước và chỉ biểu nhiều phương thuốc chữa trị những căn bịnh nan y. Ngài giáo đồ đầu tiên Ngô Minh Chiêu và những vị hộ pháp đắc đạo sau nầy của Cao Đài phái đã nhiều lần tìm đến Thanh An Cung để cầu Đại Ngọc Cơ.

Lối đầu thế kỷ 20, Tương truyền đàn Minh Thiện nhiều lần hiển thánh. Quan Thánh Đế Quân giáng cơ ban phước và chỉ biểu nhiều phương thuốc chữa trị những căn bịnh nan y. Ngài giáo đồ đầu tiên Ngô Minh Chiêu và những vị hộ pháp đắc đạo sau nầy của Cao Đài phái đã nhiều lần tìm đến Thanh An Cung để cầu Đại Ngọc Cơ.
Đến năm 1972, do không có người trông coi cộng thêm tình hình chiến sự ở Bình Dương ngày một leo thang và bất ổn nên Thanh An Cung được cải danh lại thành Thanh An Tự và chỉ để phụng thờ Quan Thánh Đế Quân. Đàn Minh Thiện và hội tương tế của những bậc hiền quân chữa bịnh cứu giúp dân nghèo dần biến mất và từ giã sau năm 1975.

Chùa Thuận Thiên nằm ngay góc Ngã Tư Quốc Tế cũng là một địa điểm đáng nhớ của con đường Hùng Vương.

Chùa Thuận Thiên nằm ngay góc Ngã Tư Quốc Tế cũng là một địa điểm đáng nhớ của con đường Hùng Vương.

Năm 1898, bà Nguyễn Thị Nguyệt hội trưởng của Khuê Trung Nghĩa Hội đã đứng ra vận động kinh phí để xây dựng chùa và lấy tên là Thuận Thiên Cung (順天宮). Cung, phụng thờ Bà Chúa Thai Sanh cùng nhiều chư tiên khác.

Thuận Thiên Cung ra đời trong bối cảnh nền y học nói chung và sản khoa nói riêng còn nhiều hạn chế, nên nhiều người đã đặt niềm tin vào cơ duyên và vấn đề tâm linh trong việc sanh nở. Mặc dù, lối thập niên 1940, Nhà thương Thủ Dầu Một và nhà bảo sanh Trần Công đã nhận được sự hỗ trợ khá tốt từ nền y học Tây phương.
Cũng trên con đường Hùng Vương nầy, nhiều người không thể nào quên ngôi trường trung học Nguyễn Trãi của ông Đốc Nguyễn Văn Pháp. Trường được thành lập lối đầu thập niên 1950. Nơi đây, đã thỉnh giảng nhiều vị giáo sư danh tiếng đương thời và đào tạo ra nhiều thế hệ nhân tài cho đất Bình Dương.

Đầu thập niên 1960, hai xưởng chế tác và trưng bày các mặt hàng sơn mài-mỹ nghệ lớn nhứt của tỉnh nhà là Thành Lễ và Trần Hà được đặt trên con đường Hùng Vương.

Đầu thập niên 1960, hai xưởng chế tác và trưng bày các mặt hàng sơn mài-mỹ nghệ lớn nhứt của tỉnh nhà là Thành Lễ và Trần Hà được đặt trên con đường Hùng Vương. Mặc dù, trên đường Tự Do và Hàn Thuyên ở thủ đô Sài Gòn đã có bày bán những sản phẩm của hãng, nhưng nhiều nguyên thủ quốc gia cũng như khách quốc tế vẫn thích tìm đến tận xưởng để tham quan. Có thể nói, tên gọi Ngã tư Quốc Tế bắt nguồn từ thời điểm nầy.

Giữa thập niên 1960, khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh bắt đầu tham chiến ở chiến trường Việt Nam, nhiều quân nhân đến từ Tân Tây Lan, Đại Hàn, Úc Đại Lợi…Vv thường hay đến đây mua tranh sơn mài làm quà lưu niệm trước khi về nước. Những phòng ngủ, quán ăn, tiệm nước, tiệm chạp phô…Vv cũng lần lượt được mọc lên trên con đường Hùng Vương nầy.

Năm 1968, khi Bến xe Bình Dương được di dời về khu vực Nhà Ga Thủ Dầu Một, nằm kề bên QL.13, càng làm tăng thêm phần náo nhiệt cho Ngã tư Quốc Tế và những tuyến đường lân cận.

Phải nói thêm rằng, trong khoảng thời gian gần một thập kỷ. Từ năm 1956 đến 1965, người dân Bình Dương đã từng được hưởng một cuộc sống ấm no, trước khi chiến tranh kéo đến và bắt đầu tàn phá.

Năm 1968, khi Bến xe Bình Dương được di dời về khu vực Nhà Ga Thủ Dầu Một, nằm kề bên QL.13, càng làm tăng thêm phần náo nhiệt cho Ngã tư Quốc Tế và những tuyến đường lân cận.

Ngày nay, Ngã tư Quốc Tế và những cung đường đi về Thủ, đã và đang đổi thay theo nhịp sống hối hả từng ngày. Nhưng đôi khi nhìn lại…… cũng phải âm thầm mà nuối tiếc những ngày xưa.

Ảnh: Bình Dương xưa và nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét