12 thg 9, 2022

Kơ-nia nơi Đảo Ngọc

Cây kơ-nia được mọi người biết đến như là một biểu trưng cho cảnh sắc và sức sống của người Tây Nguyên. Và nó cũng gần như mặc nhiên được coi là loài cây "đặc hữu" của khu vực này. Tuy nhiên, qua nhiều tư liệu cho biết, ở nước ta, kơ-nia còn được phân bổ rải rác đến đảo Phú Quốc giữa biển trời tận cùng Tây Nam Tổ quốc.

Cây kơ-nia trong vườn chùa Hùng Long. Ảnh: Văn Sỹ

Là người sinh sống lâu năm ở Kon Tum - Tây Nguyên, tự nhận mình là... "công dân kơ-nia", tôi quyết định đến Đảo Ngọc (một tên gọi khác của đảo Phú Quốc) để tìm hiểu và mục sở thị cho bằng được "linh vật" kơ-nia.

Quả thật, cũng như ở rừng núi Tây Nguyên, rải rác trên các triền núi, gò đồi nguyên sinh kỳ vĩ nơi Đảo Ngọc, người có ý tìm kiếm cũng không khó bắt gặp bóng dáng kơ-nia thoắt ẩn thoắt hiện đó đây. (Nói thoắt ẩn thoắt hiện là bởi vốn dĩ kơ-nia không bao giờ đứng thành đám, thành chòm mà chỉ theo "tập quán" rải rác mỗi nơi một hoặc vài ba cây. Vả lại, Phú Quốc còn là rừng nguyên sinh nên rất um tùm xum xuê, cây lá chen đan dày khít, rất khó nhận biết và phân biệt các loài cây).

Vì có ý định đi tìm kơ-nia, nên vừa đặt chân lên bến phà Thạnh Thới, ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tôi liền bắt chuyện làm quen và hỏi thăm anh công an xã rằng, Phú Quốc mình có cây kơ-nia không, thì nhận được sự trả lời rất vui vẻ, nhiệt tình rằng có chớ, ở đây gọi là khơ-nia, hoặc cây cầy, chớ không nói kơ-nia. Tôi hỏi tiếp, gần đây nhất có cây nào không, thì được bảo rằng, cách chừng 2 cây số, trong khuôn viên Trạm KSBP Bãi Thơm, có một cây kơ-nia cổ thụ, phải đến ba, bốn người nối vòng tay ôm mới kín gốc.

Là hỏi cho biết vậy thôi, chứ không đến Trạm KSBP được, vì xe của "tua" du lịch đã xịch đến đón về khách sạn. Lên xe, chọn ngay ghế ngồi bên cạnh tài xế để tiện việc "điều tra" kơ-nia. Anh lái là người mau mắn và tỏ ra hiểu biết khá rộng kiến thức phổ thông về Phú Quốc, bảo yên tâm, sẽ đưa đến một vài cây kơ-nia nơi Đảo Ngọc thân thương của mình.

Trên đường từ thị trấn Dương Đông, trung tâm huyện lỵ đến thị trấn An Thới tít cùng phía Nam đảo, lúc ngang qua sân bay Phú Quốc, anh lái chỉ tay vào sân bay, bảo cái tán cây cao nhất, to nhất, đứng sừng sững một mình giữa sân bay kia là cây kơ-nia. Nhưng kể từ lúc thi công sân bay đến giờ, dân Đảo Ngọc không gọi cây ấy bằng cái "tên húy" nữa mà gọi là "cây Tâm Linh"!

Là bởi, khi thi công, cây vướng vào độ cách an toàn của đường băng, người ta đem xe cẩu vào để kéo đổ cây thì... cần cẩu gãy! Người ta điều xe húc đến để xô đổ cây thì... xe húc đứt xích! Người ta lại đem cưa máy vào để cưa cây ra thì máy cưa có làm cách nào cũng... không nổ! "Quá tam ba bận"! Thế là người ta đành phải điều chỉnh đường băng để tránh xa cây kơ-nia. Và cũng bắt đầu từ đó, cây kơ-nia này được mọi người nhất loạt gọi là... cây Tâm Linh.

Xa xa ở vòng ngoài sân bay nhìn vào, mọi người ồ lên khi nghe chuyện kể, trầm trồ khen dáng cây đẹp, uy nghi và xì xào đoán già đoán non ước chừng tuổi đời của cây ít ra cũng chừng... vài trăm năm tuổi.

Viếng chùa Hùng Long ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, dựa lưng vào vách núi, phía sau chùa là khu rừng rậm rạp hoang sơ. Vút cao lên trên các tán lá cây rừng và cây trồng là một bóng kơ-nia lừng lững. Cây đã có chừng trên ba trăm năm tuổi, tỏa bóng một vùng rộng lớn thâm u như Cội Bồ Đề trong khu Bồ Đề Đạo Tràng, nơi xưa kia Đức Phật Thích Ca hành thiền và đạt ngộ.

Vì thế mà nhà chùa cho đặt ngay bên gốc cây một tượng Phật lớn trong tư thế ngồi kiết già, nhập định; xung quanh là những am nhỏ thờ thần linh thổ địa và các oan hồn uổng tử thập loại chúng sinh. Xung quanh cây kơ-nia này cũng có nhiều chuyện kể, nghe cứ như là huyền thoại, truyền thuyết về sự linh thiêng, bí ẩn của loài cây.

Kơ-nia ở Tây Nguyên mặc dù không được đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ coi là một linh vật hay một biểu tượng gì trong tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên có quan niệm rằng, đó là nơi linh hồn những người đã khuất thường hay đi về trú ngụ nên bà con không bao giờ chặt phá, dẫu cho cây có đứng vào bất cứ vị trí nào. Thế cho nên, trên các triền núi đồi cheo leo, ven các sông suối hoang vu, bên các con đường làng khúc khuỷu quanh co... những bóng kơ-nia luôn được giữ lại, đứng lặng lẽ, trầm ngâm và uy dũng như muốn dõi theo, chở che cho mọi vật quanh mình.

Mặc dù cùng chung đặc điểm không có mùa thay lá, nhưng lại có một chút hơi khác biệt giữa kơ-nia Phú Quốc và kơ-nia Tây Nguyên. Trong khi tán lá kơ-nia Tây Nguyên luôn vun lên đều đặn hình quả trám, quả trứng, như được cắt tỉa gọn gàng, thì tán lá kơ-nia Phú Quốc trông có vẻ "xơ xác", xùm xòa và so le hơn. Điều này, dẫu không phải là nhà sinh học, mọi người cũng dễ nhận ra rằng: Giữa bốn bề gió lộng trùng khơi, phong ba bão tố hằng năm, cây kơ-nia ở đây khó bề giữ gìn, "chăm chút" cho tán lá của mình được mướt mát, "tươm tất" như ở đất liền! Đó cũng là lẽ thích ứng của muôn loài!

Ngồi dưới bóng kơ-nia rợp mát chùa Hùng Long nghỉ ngơi và nghĩ ngợi, bất chợt tôi liên tưởng đến sự trùng hợp ý nghĩa tâm linh của cây kơ-nia ở Tây Nguyên và Đảo Ngọc. Kơ-nia ở Tây Nguyên được bà con "bảo tồn" một cách trân trọng bởi một quan niệm siêu hình như đã nói, còn kơ-nia ở Đảo Ngọc - Phú Quốc cũng được bao bọc bằng màu sắc huyền thoại đến... ngỡ ngàng!

Lại sực nghĩ thêm về "xứ sở kơ-nia" Tây Nguyên, ngày nay, quanh khu vực các thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố, hoặc dọc theo các trục đường lớn, thi thoảng lắm người ta mới bắt gặp đôi bóng kơ-nia đứng ngơ ngác, u buồn như đang... "nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn thét núi..." (thơ Thế Lữ)! Mà những cây may mắn còn sót lại ấy, so với các "cụ" kơ-nia ở Đảo Ngọc, chắc tuổi đời cũng chả bõ bèn gì! Ngẫm mà tiếc ngẩn ngơ! Nếu kơ-nia còn như ngày xưa, biết đâu chúng có thể sẽ đưa thành một hạng mục cho các "tua" du lịch sinh thái - văn hóa!

Tiếc là không có nhiều điều kiện và thời gian để tìm biết thêm về kơ-nia nơi Đảo Ngọc xa vời. Nhưng có thể tưởng tượng được ngày về lại miền núi cao vời vợi Tây Nguyên, có lẽ nhiều người cũng sẽ như cô gái trong bài thơ - bản nhạc "Bóng cây kơ-nia" của Ngọc Anh và Phan Huỳnh Điểu: "Em và mẹ nhớ anh/ Như bóng cây kơ-nia/ Như gió cây kơ-nia" nơi Đảo Ngọc!

Tạ Văn Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét