5 thg 9, 2022

Chùa Kiểng Phước trong lịch sử ở Chợ Lớn

Chùa Kiểng Phước, tên chữ Hán là 景福寺, mà người Pháp gọi là chùa Clochetons (chùa Tháp Chuông), nằm ở phía bắc phố Sài Gòn ở Chợ Lớn. Chùa Clochetons nằm ở vị trí chiến lược khi ngăn cách vùng Bến Nghé và vùng Chợ Lớn.

Tóm tắt:

Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Sài Gòn, những ngôi chùa ở Gia Định luôn có những đóng góp đối với tiến trình phát triển lịch sử của Sài Gòn – Gia Định cũng như tiến trình phát triển tôn giáo ở Nam Bộ. Các tác giả muốn nói đến các ngôi chùa nằm trong hệ thống phòng tuyến các chùa của liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Sài Gòn ở những năm đầu đánh Pháp, kéo dài từ chùa Barbet, chùa Mares, chùa Clochetons và chùa Cây Mai. Các tác giả xin giới thiệu kết quả khảo sát chùa Clochetons, tức chùa Kiểng Phước, một trong những cứ điểm phòng ngự quan trọng của liên quân trước sự tấn công của quân thứ Gia Định.

Giữa năm 1860, để chống việc quân thứ Gia Định tổ chức tấn công và chia cắt giữa hai vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã thiết lập một phòng tuyến nhằm đối đầu với đại đồn Chí Hòa và được người Pháp đặt tên là lignes des pagodes [1] (phòng tuyến các chùa) nổi tiếng kéo dài từ chùa Khải Tường về chùa Cây Mai: “Tôi tin rằng trước đây tôi đã cho anh số lượng người bảo vệ Sài Gòn và bố trí đơn vị đồn trú của nó. Khi tập hợp tất cả các quân đoàn lại, vẫn còn 860 lính, bao gồm 2 đại đội tagals (người bản địa Tây Ban Nha ở Manila) và 1 đại đội người An Nam do chúng tôi đã thành lập, cũng như 2 đại đội đổ bộ, các lực lượng này nằm rải rác khắp 4 ngôi chùa đã được cố thủ hết sức có thể. Những ngôi chùa này nằm trên cùng một tuyến, trong phạm vi 6 cây số và bao phủ thành phố người Hoa được cung cấp dồi dào các loại hàng tiếp tế, đồ dùng cần thiết của người An Nam, kẻ thù của chúng ta. Có những cây thông, để phủ kín Sài Gòn, một trại mang tên Trường Thi, nơi hiện nay tôi đang làm nhiệm vụ canh gác” [2]. Phòng tuyến các chùa là các cứ điểm phòng thủ tại các ngôi chùa kéo dài từ Sài Gòn về Chợ Lớn, bao gồm chùa Khải Tường (chùa Barbet), chùa Ao (chùa Mares), chùa Kiểng Phước (chùa Clochetons) và chùa Cây Mai. Lần lượt các tác giả xin khảo sát từng ngôi chùa nằm trong phòng tuyến các chùa trong lịch sử.

Tranh khắc chùa Kiểng Phước (chùa Chuông) (Ảnh: sưu tầm)

Chùa Kiểng Phước, tên chữ Hán là 景福寺 [3], mà người Pháp gọi là chùa Clochetons (chùa Tháp Chuông), nằm ở phía bắc phố Sài Gòn ở Chợ Lớn. Chùa Clochetons nằm ở vị trí chiến lược khi ngăn cách vùng Bến Nghé và vùng Chợ Lớn, chính vì điều này nên quân Việt đã xây dựng tuyến lũy đôi đi qua chùa nhằm chia cắt hai vùng này: “Vào tháng 6 năm 1860, một đường hào đôi bắt đầu từ góc phía nam của cứ điểm phòng thủ được mở ra và hướng thẳng về phía chùa Clochetons (Kiểng Phước tự) ở cửa ngõ Chợ Lớn. Nó được yểm trợ bằng các công sự đóng vai trò như những nơi chứa vũ khí ở từng đoạn một. Với số lượng người mà Lãnh binh Thăng có trong tay và đất đã sũng nước bởi những cơn mưa đầu mùa, thì đường tiến quân vây đánh đối phương được thực hiện rất nhanh. Mục đích của hào lũy này là nhằm chia cắt chúng tôi khỏi chùa Cây Mai và buộc phải bỏ từ nó với thành phố Chợ Lớn” [4]. Như vậy, xác định vị trí chùa Clochetons nằm về phía đông chùa Cây Mai, theo một số bản đồ đương thời thì chùa nằm phía bắc phố Sài Gòn cũ ở Chợ Lớn. Về mặt địa giới chùa ở làng Long Kiểng, theo mô tả của A. Benoist d’Azy vào năm 1861: “Việc triển khai hành động đã bị … cản trợ bằng mọi cách. Vào ngày 4 tháng 7, ông ta quyết định chấm dứt hoàn toàn việc đó bằng cách cắt đứt đường liên lạc của chúng tôi với vùng ngoại ô Long Kiểng. Hai mươi lăm nghìn người Hoa sống ở vùng ngoại ô này độc quyền buôn bán và trả cho quan lại những khoản hối lộ đáng kể, để tạo điều kiện dễ dàng cho họ. Vì vậy, chính quyền An Nam đã quan tâm đến việc tái chiếm thị trường này, mà bản thân chúng ta cũng muốn giữ lại. Để kết nối chắc chắn hơn với điểm quan trọng này, một đồn đã được thiết lập trong một ngôi chùa mang tên chùa Clochetons, cái tên được đặt theo cấu trúc xây dựng của nó, nằm ở vị trí trung gian giữa Long Kiểng và thành phố. Chúng tôi tập trung vào việc củng cố nó. Ông Mallet, trung úy công binh, đã hoàn thành hệ thống phòng thủ ở một bên; ba mặt còn lại chỉ được bảo vệ bằng tre. Đồn được chỉ huy bởi đại úy Fernandez, người có hàng trăm lính tagal dưới quyền, các ông Narac và Gervais với 50 lính” [5]. Làng Long Kiểng có thể là một ấp nhỏ của thôn An Điềm, năm 1836 là thôn An Điềm [6], tổng Tân Phong Thượng, huyện Tân Long, phủ Tân Bình; trước đó vào năm 1820, theo Trịnh Hoài Đức là Tân An thôn Đông giáp [7] thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình.

Xác định thời gian liên quân chiếm ngôi chùa này là vào khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7, cụ thể theo bức thư đề ngày 14/7/1860 của L. Piaud cho biết thời gian chiếm chùa khoảng ngày 30/6/1860: “Chùa này bị chiếm đóng cách 4-5 ngày và các công trình phòng thủ đầu tiên vừa được khởi công ở đó thì vào đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4 tháng 7, quân An nam, với số lượng 5.000 người (mỗi bên 1.200), đến tấn công chùa vào lúc gần một giờ sáng” [8]; tuy nhiên theo đại úy Lucien de Grammont trong Onze mois de sous-préfecture en Basse-Cochinchine contenant en outre thì cho đó là ngày 02/7/1860: “Trên thực tế, những người An Nam, được khuyến khích bởi sự bất động của chúng tôi, đánh giá rất tốt phần yếu điểm ở trung tâm của chúng tôi, đã quyết định nỗ lực thực hiện ở đó một chiến dịch tiến về phía trước được thực hiện tại chùa Clochetons, vốn ít nhiều chiếm giữ khu vực giữa phòng tuyến này. Hành động này nếu thành công, sẽ cắt đứt chúng tôi khỏi thành phố người Hoa bằng đường bộ và ném chúng tôi hoàn toàn trở lại Sài Gòn cũ, siết chặt sự chiếm đóng của chúng tôi ở hai bờ sông và rạch. Để tránh thất bại nghiêm trọng này, chỉ huy Ariès với sự hiểu biết nhanh chóng về tình hình, đã cho chiếm lấy chùa Clochetons và chùa Mares vào ngày 2 tháng 7 năm 1860 (một ngày trước cuộc hành quân theo kế hoạch của người An Nam)” [9]. Rất có thể thông tin của đại úy Lucien de Grammont không thể chuẩn xác bằng thông tin từ bức thư đề ngày 14/7/1860, đó là người tham chiến trận đánh tường thuật lại. Như vậy, qua đây chúng ta biết liên quân Pháp – Tây Ban Nha chiếm chùa Clochetons và chùa Mares vào khoảng ngày 30/6/1860. Lúc này đại đồn Chí Hòa chưa thất thủ và đang được Nguyễn Tri Phương đẩy mạnh xây dựng để sẵn sàng phòng ngự và tổ chức tấn công liên quân, lúc này đã có một tuyến lũy đôi do quân triều đình xây đắp và nối thẳng từ đồn Tả (tức đồn ở làng Phú Thọ [10]) áp sát về phía bắc chùa Clochetons. Để chống lại việc này, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã lập nên phòng tuyến các chùa nổi tiếng.

Họa đồ toàn cảnh Sài Gòn năm 1898 do Gaston Pusch vẽ (Ảnh: Mạnh Hải Flickr)

Trong các ghi chép thư tịch cổ của người Việt không thấy có thông tin về ngôi chùa này. Tuy nhiên, trong các tư liệu người Pháp, chùa Clochetons khá nổi tiếng bởi đây là một trong những ngôi chùa nằm trong phòng tuyến các chùa mà liên quân Pháp – Tây Ban Nha lập ra kéo dài từ chùa Khải Tường (chùa Barbet) ở Bến Nghé đến chùa Cây Mai ở Chợ Lớn. Một mức độ tương đối khi dựa vào tuyến đường thiên lý đi qua khu vực, xác định vị trí chùa Kiểng Phước khi căn cứ mô tả của Prudhomme vào năm 1861-1862: “Nằm cách phía bên kia đường chính 500 mét là chùa Clochetons, nổi tiếng với sự anh dũng của một trung úy người Tây Ban Nha, người đã cùng một số binh sĩ đẩy lùi cuộc tấn công ban đêm của vô số người An Nam, trong cuộc phong tỏa Sài Gòn (1860-1861)” [11]. Qua đây có thể biết, chùa nằm cách đường thiên lý 500m, ngoài ra tác giả còn cho biết thêm, viên trung úy người Tây Ban Nha góp phần đẩy lùi cuộc tấn công ban đêm duy nhất của người An Nam vào chùa Clochetons, theo Léopold Pallu và một số tư liệu khác cho biết đó là rạng sáng ngày 04/7/1860: “Trong đêm ngày 3 rạng ngày 4 tháng 7, quân An Nam có ít nhất cũng đến 2.000 người, yên lặng vượt khỏi thành bao vây chùa, trong khi đó chùa chưa biến hẳn thành đồn. Họ xông thẳng vào chùa, hò hét vang lừng. Hỏa pháo … cũng bắn vào các chùa khác để nghi binh và đồng thời cũng bắn cả vào chùa Clochetons, quân thì bắn xối xả vào người Pháp, người Tây Ban Nha và người An Nam trong đồn. Ðánh giết nhau suốt một giờ đồng hồ, nhờ viện binh từ Sài Gòn kéo lên mới chấm dứt được trận chiến. Đối phương bỏ lại 100 xác chết” [12].

Một mô tả khác đương thời cho thấy chi tiết hơn về trận đánh này: “Chùa này bị chiếm đóng cách nay 4-5 ngày, và các công trình phòng thủ đầu tiên vừa được khởi công ở đó thì vào đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4 tháng 7, quân An nam với số lượng 5.000 người (mỗi bên 1.200) đến tấn công chùa vào lúc gần 1h giờ sáng, họ được yểm trợ bằng đại pháo trên đồn. Họ đến rất lặng lẽ và không gây ra tiếng ồn, bằng cách tiến vào các bụi rậm dẫn vào đồn. May mắn thay hôm đó trời có trăng tròn, mặc dù vậy khi những kẻ tấn công đầu tiên bị phát hiện, chúng chỉ ở cách lính canh hơn 20 bước chân, những người này đã bắn vào chúng đồng thời rút lui vào đồn. Ở những phát súng đầu tiên, hầu như tất cả những người lính đang mặc quần áo ngủ, đều có mặt tại chốt phòng thủ của họ, và bắt đầu bắn súng đẩy lùi quân An Nam. Tuy nhiên, vì những kẻ tấn công đầu tiên là những tên xác định đã từng tuyên thệ sẽ chiếm ngôi chùa hay bị giết, chúng tiến vào bên trong tường bao; và cuộc tấn công diễn ra bằng lưỡi lê, khi 2 đại pháo, được trang bị đạn và khai hỏa một cách phù hợp, đã làm cân bằng sự không đồng đều về lực lượng, đồng thời ném khoảng 30 kẻ tấn công táo bạo nhất xuống đất. Sau đó có sự do dự, người Nam Kỳ đã thử đánh lạc hướng trên một mặt khác, nơi loạt đạn đã ngăn chúng lại. Đạn vẫn tiếp tục bắn và các khẩu pháo đã bắn phá ở cả hai bên trong khoảng nửa giờ đồng hồ và vì nghĩ rằng vụ việc rất nghiêm trọng, nên người ta đã cử một biệt đội gồm 120 lính cùng với 2 đại pháo từ Sài Gòn đến. Biệt đội này mà tôi có tham gia, không thể đến nơi diễn ra cuộc chiến lúc 3 giờ sáng, bất chấp mọi nỗ lực có thể. Cho đến 7 giờ, đạn bắn vẫn không ngừng và chỉ khi nghe âm thanh của tiếng kèn báo hiệu chúng tôi đã đến, quân Nam Kỳ mới rút lui và ngừng bắn. Kể từ thời điểm đó, cuộc chiến mà chúng tiến hành đã thất bại và chúng đã tin chắc vào sự vượt trội về mặt vũ khí của chúng tôi khi nhìn thấy 140 người, bị 5.000 người trong số chúng tấn công, đã có thể chống lại trong 6 giờ đồng hồ chiến đấu không ngừng” [13].

Tác giả tiếp tục cho biết thêm kết quả trận đánh liên quân chỉ bị thương 4 người và người An Nam để lại 90 xác chết quanh chùa vì không thể mang đi, đồng thời còn cho biết sau đó ông ta nghe đã có 300 người chết và chừng ấy người bị thương: “Chúng tôi không thể vào trong chùa mà chúng tôi vừa mới đến để tiếp viện mà không dẫm phải vô số xác chết chặn lối vào. Số lượng người chết chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công. Buổi sáng ngay khi trời vừa ló dạng, chúng tôi đã đếm được 90 xác chết xung quanh chùa. Vì người An Nam luôn mang theo người chết của họ, 90 người này có thể được coi là phần còn lại của những người không thể được mang đi, vì chúng ở quá gần với tường bao nên không thể tiếp cận. Ngày nay chúng ta biết chính xác số lượng người của họ, người ta nói rằng đã có 300 người chết và 300 người bị thương. Nhưng điều làm bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chúng tôi chỉ có 4 người bị thương trong toàn bộ cuộc chiến này. Người ta nói rằng đó là sự thật, người An Nam được trang bị vũ khí kém và thậm chí bắn rất tệ. Người ta sẽ phải thừa nhận, chúng ta chỉ có 4 người bị thương và chính tôi đã đếm được 90 xác người Nam Kỳ bị bỏ lại trên thềm” [14].

Rất có thể đó chính là cuộc tấn công do Lãnh binh Thăng tổ chức tấn công vào chùa Kiểng Phước vào nửa đêm ngày 13/5 năm Canh Thân (1860), thông tin theo Michel Đức Chaigneau [15] chép lại vào năm 1876 trong tác phẩm Thơ Nam Kỳ: “Canh Thân tướng sĩ cứng gân. Tháng năm cọp dữ lãnh Thăng xuất hành. Mười ba, giờ Tý vừa thành. Hãm vây Kiểng Phước tung hoành chiến tranh. Lính quân tử trận nhiều anh. Lãnh Thăng vong mạng hết danh cọp hùm” [16]. Ở đây, có sự chênh lệch khi chuyển đổi ngày 03/7/1860 qua âm lịch là ngày 15/5 năm Canh Thân, có nghĩa theo dân gian thì trận đánh này diễn ra vào ngày 13, sớm hơn ghi chép người Pháp đến tận hai ngày. Đây là trận đánh chưa được chính sử Việt ghi chép nên chưa rõ thân thế Lãnh binh Thăng, tuy nhiên rất có thể vì Lãnh binh Thăng hy sinh ở chùa Kiểng Phước mà về sau đặt tên đường Lãnh binh Thăng nằm trong khu vực này. Điều này được xác nhận lại của người đời sau, theo tác giả Lê Văn Phát trong báo L’Écho annamite vào năm 1923 (tức hơn 60 năm sau) với bài “La prise de Chi-hoa telle qu’elle est racontée par des Annamites”, cho biết đó chính là Lãnh binh Thăng phụ trách trận tấn công chùa Kiểng Phước vào đêm ngày 03/7/1860: “Để cắt đứt liên lạc giữa Sài Gòn với Chợ Lớn và do đó cô lập chùa Cây Mai, nơi có một toán lính đồn trú, Nguyễn Tri Phương đã ra lệnh tấn công dữ dội chùa Kiểng Phước vào ban đêm. Đó là ngày 03 tháng 7 năm 1860. Lãnh binh Thăng phụ trách trận này. Vào cuối canh 02, thành phố chìm trong giấc ngủ và dân số đã giảm đi đáng kể bởi những cuộc di cư liên tiếp của tầng lớp giàu có đến Bà Quẹo, Bà Điểm (Gia Định), Bà Hom (Chợ Lớn) sau khi chiếm được tòa thành và cũng vì hành động cướp bóc của các băng nhóm người Hoa đã bị đánh thức bởi tiếng la ó của cuộc chiến và tiếng trống thúc quân. Từ xa, ở hướng chùa Kiểng Phước, chúng tôi thấy những ánh sáng lờ mờ, mà không nghe thấy tiếng trống và những tiếng lo ó dễ nhận biết, chúng tôi tưởng như chùa bị đốt. Đó là Đèn Sào và Hỏa Hổ, những ngọn lửa hỏa hổ (hỏa tiễn) chiếu sáng phía bên này bầu trời. Những thiết bị có tác dụng hủy diệt này, không giống với những chiếc súng phun lửa của người Đức, tuy nhiên đã mang lại nhiều hiệu quả trong các cuộc chiến trước đây chống lại những người Chân Lạp có thói quen cởi trần chiến đấu” [17] và ở trận này Lãnh binh Thăng đã bị tử trận một cách vinh quang: “Tại đây người lính dũng cảm Lãnh binh Thăng đã hoàn thành ước nguyện của mình, ông ta đã từng thề sẽ lấy lại ngôi chùa hoặc chết trước ngôi chùa. Ông ta đã tìm đến cái chết một cách vinh quang” [18]. Như vậy, chắc chắn đây là Lãnh binh Thăng, người chỉ huy và hy sinh trong trận tấn công chùa Kiểng Phước vào tối ngày 3 rạng sáng ngày 4 tháng 7 năm 1860. Rà soát các tư liệu cho thấy đây có lẽ là Lãnh binh Nguyễn Văn Thăng ở Gia Định: “[Tháng 1 năm Kỷ Mùi (1859)] Trước đây, vua được tin quân của Tây dương tiến sát đến thành Gia Định, lập tức muốn dự phòng trước. Đã sai Tuần phủ Hà Tiên là Nguyễn Công Nhàn đem quân Vĩnh Long (2 cơ), Định Tường (1 cơ) đến ngay để phòng giữ và đánh giặc, mà cho Đề đốc An Giang (Chưởng vệ quyền Chưởng đề đốc) là Nguyễn Đình Thưởng lập tức đến Hà Tiên quyền lĩnh quan phòng Tuần phủ làm việc. Lại cho Thượng thư bộ Hộ là Tôn Thất Cáp làm Thống đốc tiễu bộ quân vụ đại thần; Bố chính Quảng Ngãi là Phan Tĩnh làm Tham tán; Vệ úy hiệp lĩnh Thị vệ là Hoàng Ngọc Chung làm Tán tương, đem theo Lãnh binh là Nguyễn Văn Thăng (Hiệp quản ở quân thứ mới được thăng thụ Lãnh binh), Vệ úy là Tôn Thất Điển đi đến ngay để đánh giặc. Lại phái 1 vệ lính ở Trung bảo, 30 lính Cảnh tất dinh Thần cơ và lấy lính ở Bình Định, Quảng Ngãi mỗi tỉnh 1 vệ cho đi theo. Mới đi được vài ngày, thì tin báo thành Gia Định thất thủ đã đến nơi” [19]. Khảo sát tiếp hành trạng của Lãnh binh Nguyễn Văn Thăng thì hầu như chưa có thêm thông tin, tuy nhiên hiện nay lại có đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở tỉnh Bến Tre, ông được cho là mất vào năm 1866. Tuy tên và hành trạng chưa trùng khớp, nhưng ngày giỗ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (vào ngày 15 tháng 5 âm lịch) lại phù hợp với ngày mất của Lãnh binh Thăng (mất ngày 03/7 dương lịch, tức ngày 15 tháng 5 âm lịch). Như vậy, rất có thể Lãnh binh Thăng chính là Lãnh binh Nguyễn Văn Thăng ở quân thứ Gia Định năm 1859 và cũng chính là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở Bến Tre, cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để có kết luận cuối cùng.

Họa đồ “phòng tuyến chùa” (4 ô vàng nhỏ) nằm trên trục đường Sài Gòn đi Mỹ Tho, chạy song song với kênh Tàu Hủ. Cách đó không xa là đại đồn Chí Hòa (fort de Ki-hoa), ô vàng lớn (Ảnh: Mạnh Hải Flickr)

Xác định vị trí tọa lạc của chùa Clochetons (tức chùa Kiểng Phước) trên thực địa ngày nay, dựa vào bản đồ Plan de Saigon et des lignes de Ki-Hoa, faisant voir la marche des attaques des 24 et 25 février 1861 [20], so với bản đồ hiện đại cho thấy vị trí chùa Clochetons nằm ở khu vực phía bắc đường Phù Đổng Thiên Vương, ngày nay được bao quanh bởi 4 tuyến đường Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Nguyễn Kim và Nguyễn Chí Thanh; tương ứng với 4 tuyến đường thời Pháp là Maréchal Foch, Merlande, Béliad và Armand Rousseau. Thực tế đo đạc từ đường Nguyễn Trãi ngày nay về phía bắc đến giữa khu vực chùa là đường Tăng Bạt Hổ cũng là 500 mét, thỏa mãn theo mô tả của Prudhomme là cách đường thiên lý 500 mét. Đường Phù Đổng Thiên Vương nối vào đường Lý Thường Kiệt, thời Pháp thuộc được gọi là rue des Clochetons, tức đường chùa Chuông. Chùa Clochetons đến năm 1866 vẫn còn được trung úy pháo binh hải quân P. C. Richard nhắc đến cùng với chùa Cây Mai khi mô tả vùng Chợ Lớn: “Gần Chợ Lớn có chùa Clochetons và đồn Cây Mai, hai địa danh được nhắc đến trong trận đánh Kỳ Hòa” [21]; tuy nhiên, đến năm 1869 nhà nghiên cứu Charles Lemire khi mô tả vùng Chợ Lớn, đã hoàn toàn không nhắc gì đến chùa Clochetons, cho dù ông ta mô tả nhiều đền chùa khác trải dài theo tuyến đường thiên lý, bắt đầu từ chùa Kim Chương (vì ông ta cho là nơi vua Gia Long cưới mẹ vua Minh Mạng), đến chùa Mares, rồi chùa Quan Thánh, chùa Quảng Đông, và đặc biệt mô tả rất chi tiết chùa Cây Mai. Như vậy, quãng thời gian biến mất của chùa Clochetons diễn ra từ sau năm 1866 đến năm 1869, rất có thể sau đó nếu còn thì chỉ là tàn tích và điều này được xác nhận bởi người đời sau qua một mô tả về vị trí chùa này năm 1923: “Chùa Clochetons được người An Nam biết đến nhiều hơn với tên cũ là “Kiểng Phước tự”. Chùa bị phá hủy hoàn toàn. Dấu tích duy nhất mà nó để lại, giống như chùa Cây Mai là vị trí của nó cao hơn so với mặt bằng xung quanh, có một số bảo tháp và một số cây xoài, những nhân chứng thầm lặng của cuộc tấn công vào chùa vừa qua của người An Nam. Chùa Clochetons ở cách một đoạn và phía sau Sở Tham biện Chợ Lớn” [22].

Trên đây là kết quả khảo sát một ngôi chùa nổi tiếng trên đất Gia Định xưa ở Chợ Lớn. Những thông tin trên sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu hơn về diễn trình phát triển một vùng đất, đặc biệt trong giai đoạn khói lửa của công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược thuở ban đầu. Với những thông tin đã khảo sát, chúng ta biết được vị trí tọa lạc, những thông tin lịch sử liên quan đến ngôi chùa Kiểng Phước. Đặc biệt hình ảnh Lãnh binh Thăng, tướng chỉ huy trận đánh vào chùa năm 1860, đã hy sinh anh dũng tại đây giúp chúng ta tường tận hơn hành trạng một vị tướng trong buổi đầu kháng Pháp.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Léopold Pallu (1864), Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861, Librairie L. Hachette et Cie, Boulevard Saint-Germain, tr.44.

[2] L. Piaud (1860), “Étranger Cochinchine”, Mémorial de la Loire et de la Haute-Loire, 25 novembre 1860, 16e Année, N2864, tr.2.

[3] Lê Văn Phát (1923), “La prise de Chi-hoa telle qu’elle est racontée par des Annamites”, L’Écho annamite, Mardi 16-01-1923, Quatrième année, N429.

[4] Alfred Schreiner (1906), Abrégé de l’histoire d’Annam, Saigon, Chez l’Auteur: 37, rue de Bangkok, Saigon, tr.155.


[5] A. Benoist d’Azy (1861), “l’Expédition Francaise en Cochinchine”, Le Correspondant – Tome Cinquante-deuxième, Paris, Charles Douniol, tr.384.

[6] Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Gia Định, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.356.

[7] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Tập trung, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa, tr.35.

[8] L. Piaud (1860), “Étranger Cochinchine”, Mémorial de la Loire et de la Haute-Loire, 25 novembre 1860, 16e Année, N2864, tr.2.

[9] Lucien de Grammont (1863), Onze mois de sous-préfecture en Basse-Cochinchine contenant en outre, Napoléon –Vendée – J. Sory, Imprimeur – Editeur, tr.274.

[10] Theo mô tả ở bài “La prise de Chi-hoa telle qu’elle est racontée par des Annamites”, L’Écho annamite, Mardi 16-01-1923, thì Đồn Tả nằm ở làng Phú Thọ, Đồn Hữu và Đồn Tiền ở làng Chí Hòa, mà theo tác giả thì đúng ra phải là làng Trí Hòa (致和). Rất có thể làng Chí Hòa trực thuộc Tân Sơn Nhứt (năm 1836 là thôn Tân Sơn Nhứt, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình), theo các bản đồ mô tả đại đồn Chí Hòa 1860-1861 cho thấy làng Chí Hòa nằm phía đông bắc đại đồn.

[11] Prudhomme (1865), Souvenirs de l’expédition de Cochinchine (1861-1862) par un lieutenant de l’ex 101e, Paris, Librairie du petit journal, tr.173

[12] Léopold Pallu (1864), Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861, Librairie L. Hachette et Cie, Boulevard Saint-Germain, tr.37.

[13] L. Piaud (1860), “Étranger Cochinchine”, Mémorial de la Loire et de la Haute-Loire, 25 novembre 1860, 16e Année, N2864, tr.2.

[14] L. Piaud (1860), “Étranger Cochinchine”, Mémorial de la Loire et de la Haute-Loire, 25 novembre 1860, 16e Année, N2864, tr.2.

[15] Michel Đức Chaigneau cũng chính là tác giả của tác phẩm nổi tiếng Souvenirs de Hué (Cochinchine), tác phẩm được xuất bản tại Pháp vào năm 1867.

[16] M. D. Chaigneau (1876), Thơ Nam kỳ ou Lettre cochinchinoise sur les événements de la guerre franco-Annamite, Paris, Imprimerie Nationale, tr.14,16.

[17] Lê Văn Phát (1923), “La prise de Chi-hoa telle qu’elle est racontée par des Annamites”, L’Écho annamite, Jeudi 18-01-1923.

[18] Lê Văn Phát (1923), “La prise de Chi-hoa telle qu’elle est racontée par des Annamites”, L’Écho annamite, Samedi 20-01-1923.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 7, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, tr.594,595.

[20] Ministère de la marine et des colonies (1861), “Expédition de Cochinchine – Prise des Forts de Ki-Hoa”, Revue maritime et coloniale, Tome Premier, Mai 1861, Paris, Nxb Imprimerie de Ch. Lahure et Cie.

[21] P. C. Richard (1866), “Saigon et ses environs au commencement de 1866”, Revue maritime et coloniale, Tome Dix-huitième, Septembre 1866, Paris, Nxb Paul Dupont và Challamel Ainé, tr. 551.

[22] Lê Văn Phát (1923), “La prise de Chi-hoa telle qu’elle est racontée par des Annamites”, L’Écho annamite, Mardi 16-01-1923, Quatrième année, N429.

Cù Thị Dung, Trường Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét