23 thg 2, 2022

Nơi ghi dấu nghĩa quân Tây Sơn

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhân dân ta lại nhớ đến Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long vào tết Kỷ Dậu 1789 của nghĩa quân Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung.

Nhân Kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2022), chúng tôi về thăm những di tích lịch sử - văn hóa, nơi ghi dấu nghĩa quân Tây Sơn trên đất Quảng Ngãi. Điểm đến đầu tiên là Căn cứ Truyền Tung- đình Thọ An, ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn). Căn cứ Truyền Tung là một thung lũng rất hiểm yếu với nhiều núi cao (núi Hòn Ông, Hòn Chiêng, Hòn Dù; Hòn Nhạn, Hòn Bồ), khi xưa rừng già rậm rạp, nhiều thú dữ; cách 20km về phía đông là phủ lỵ Bình Sơn với dân cư đông đúc; dễ dàng cho việc “chiêu binh mãi mã”. Trong buổi đầu của phong trào, Truyền Tung được anh hùng Nguyễn Huệ chọn làm căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn.

Căn cứ Truyền Tung - đình Thọ An, nơi anh hùng Nguyễn Huệ chọn làm căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu phong trào Tây Sơn. Ảnh: TẠ HÀ

Ở huyện Bình Sơn còn có chiến khu Đồng Lớn, thuộc thôn An Điềm II, xã Bình Chương gắn với câu chuyện lịch sử về nghĩa quân Tây Sơn. Chiến khu Đồng Lớn được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao như Cà Ty, Bằng Tiễn, Bằng Tán và giáp với núi rừng ở một số địa phương khác, nguồn nước tự nhiên dồi dào, thuận lợi xây dựng căn cứ địa. Xã Bình Chương là quê hương của Võ Thị Thái, nữ tướng “Tây Sơn ngũ phụng thư”, em ruột Đô đốc kỵ binh Nguyễn Thông, người có công trong chiến dịch giải phóng Thăng Long năm 1789. Nguyễn Huệ đã chọn nơi đây làm lễ xuất quân ra Thuận Hóa, giương cao ngọn cờ “phù Lê diệt Trịnh”.

Tiếp nối các bậc tiền nhân nhà Tây Sơn, cuối thế kỷ XIX, các lực lượng văn thân Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Tú Đàm Thanh, Võ Thị Đệ mang sứ mệnh lịch sử “Cần Vương kháng Pháp” đã lãnh đạo các đội quân đoàn kiệt, hương binh, bạch lộ xây dựng làng Thọ An và Đồng Lớn làm căn cứ tác chiến lâu dài.

Ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) thì có di tích Mộ vợ chồng Tú Đức hầu Trương Đăng Đồ. Trương Đăng Đồ sinh ra và lớn lên trong gia đình quan chức có 5 anh em trai. Theo gương 3 người anh là Trương Đăng Chấn, Trương Đăng Nghĩa, Trương Đăng Phác, ông Trương Đăng Đồ cùng vợ là Đô đốc Nguyễn Thị Dung (một trong “Tây Sơn ngũ phụng thư”) phò giúp và lập nhiều chiến công cho triều Tây Sơn. Đến đời vua Cảnh Thịnh (con vua Quang Trung), năm 1802, nhà vua bị Gia Long truy sát, Trương Đăng Đồ cùng vợ một lòng trung thành tuẫn tiết theo vua tại trấn Sơn Tây (Hà Nội). Mến phục tính trung nghĩa của ông bà, nhân dân sở tại chôn cất, lập mộ phần hương khói. Năm 1851, người cháu ruột ông là Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế đưa hài cốt ông bà về chôn cất tại quê nhà làng Mỹ Khê Tây, xã Tịnh Khê.

Di tích Trần tộc từ đường Tú Sơn và miếu thờ Thất đại công thần Tây Sơn, ở xã Đức Lân (Mộ Đức) - Nơi thờ tự những danh tướng triều Tây Sơn. Ảnh: TẠ HÀ

Còn ở thôn Tú Sơn, xã Đức Lân (Mộ Đức), có di tích Trần tộc từ đường Tú Sơn và miếu thờ Thất đại công thần Tây Sơn. Ở từ đường, ngoài thờ chính là tiền hiền Trần Văn Giáo, Trần Văn Thanh và phối thờ Thủy tổ Trần Văn Đức, Cai đội Trần Khắc Quan, Trần Quang Đài, nơi đây còn thờ 7 vị đại công thần nhà Tây Sơn Lam Trà Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, người thành lập Hưng Quốc hội (tổ chức của các nhân sĩ ủng hộ phong trào Tây Sơn), Ngân Phong học xá để đào tạo nhân tài cho nhà Tây Sơn; anh em Thái bảo Nguyễn Văn Huấn và Đại Tư mã Nguyễn Văn Danh; vợ chồng Thái phó Trần Quang Diệu và Đại tướng Tổng quản Bùi Thị Xuân (tướng lĩnh trụ cột của nhà Tây Sơn ngay từ buổi đầu trong công cuộc dựng nghiệp); Đại Tư đồ Võ Văn Dũng; Đại Đô đốc Trần Quang Lục. Hằng năm, vào ngày 13/3 âm lịch, lễ tế được tổ chức trang trọng và thành kính theo nghi lễ cổ truyền.

Điểm qua những trang sử, lần theo từng địa danh, ngẫm từng tên người, tên đất, chúng ta càng thêm tự hào về lịch sử của dân tộc, về Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hào hùng. Những địa danh, những anh hùng hào kiệt dưới triều Tây Sơn ghi dấu trên vùng đất núi Ấn - sông Trà như Trần Quang Diệu, Trương Đăng Đồ, Võ Thị Thái, Nguyễn Thị Dung... càng khẳng định Quảng Ngãi là vùng đất địa linh nhân kiệt. Các địa danh nói trên đã được UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh và đưa vào danh mục bảo vệ, đồng thời trở thành địa điểm nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh.

TẠ HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét