22 thg 2, 2022

Bảo tàng trà Đà Lạt

Nhà máy trà gần 100 năm tuổi trở thành điểm du lịch phức hợp, gồm bảo tàng, khu trưng bày nghệ thuật và quán cà phê.


Bảo tàng trà Cầu Đất là công trình được thiết kế lại trên nền kiến trúc cũ của Sở trà Cầu Đất trước đây do người Pháp xây dựng từ năm 1929. Thời kỳ đó, Cầu Đất là nơi đầu tiên ở Đông Nam Á có một sở trà và nhà máy trà lớn nằm trên diện tích 1,2 ha. Hiện điểm đến này thuộc Cầu Đất Farm ở xã Xuân Trường cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 25 km. Xung quanh bảo tàng là những đồi trà nhấp nhô.

Công trình được thiết kế lại và tân trang trong năm 2020 và để trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa về trà, đồng thời là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn giới trẻ từ đầu năm 2021. Cuối năm ngoái, Bảo tàng trà Cầu Đất được tạp chí kiến trúc nổi tiếng Archdaily của Mỹ giới thiệu.

Trung tâm là các khu của nhà máy thời Pháp nay trở thành không gian triển lãm trà, trưng bày nghệ thuật sắp đặt và quán cà phê phục vụ du khách.

Nhà bảo tàng gồm 5 phòng với những chủ đề khác nhau như chiếc hộp lịch sử, trưng bày dụng cụ làm trà, câu chuyện về người làm trà và ngành trà thế giới.

Bước vào các không gian này du khách được tận mắt thấy những cỗ máy sản xuất trà hoạt động gần 100 năm trước trong nhà máy.

Khu vực trưng bày nghệ thuật sắp đặt có 7 bức tranh mô phỏng các công đoạn làm trà. Tranh thể hiện bằng chất liệu đặc biệt là màu vẽ lấy từ đất của đồi trà và lá trà Cầu Đất.

Treo lơ lửng trên trần là 100 khối trà hình vuông tạo nên từ 350 kg trà Cầu Đất. Tác phẩm sắp đặt nghệ thuật quy mô lớn kết hợp giữa ánh sáng và trà nhằm tạo cảm xúc cho du khách về thính giác và xúc giác.

Quán cà phê không gian mở hướng nhìn ra các đồi chè, nằm trong khuôn viên bảo tàng. Không chỉ khám phá không gian lịch sử, nghệ thuật, tới đây du khách trực tiếp xem nghệ nhân pha chế, thưởng thức trà mới pha và được hướng dẫn cách làm các loại trà hiện đại.

Kể từ khi khai trương, bảo tàng đón khoảng 300 lượt khách/ngày. Du khách có thể đặt tour trải nghiệm hành trình trà (tham quan bảo tàng trà và khu nông trại công nghệ cao) với giá vé 75.000 - 195.000 đồng mỗi người.

Khánh Trần - Ảnh: Bo Design & Construction/Archdaily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét