14 thg 2, 2022

Bà Nà - Trăng và sương

Đã từng có mặt ở Bà Nà nhiều lần, từ buổi tôi theo những người thợ sơn tràng khai hoang đi tìm dấu vết một Bà Nà xưa, cho đến bây giờ một Bà Nà hiện đại ửng đỏ khuyên son trên bản đồ du lịch Đà Nẵng. 

Kiệu quan lớn lên đỉnh Bà Nà năm 1924. Ảnh: Tư liệu

Mà muốn đến đỉnh núi ấy chỉ có một con đường cáp treo duy nhất, bạn không còn cách chọn lựa nào khác. Nhưng cho dù là lần nào chăng nữa, thì cái đêm trong căn nhà du mục trên đỉnh núi tràn ngập trăng và sương ấy, với tôi mãi mãi là niềm bí mật bởi những lối vô tận của non cao rừng thẳm không dễ có lần gặp lại.

Đường lên Bà Nà xưa. Ảnh: Tư liệu

Dường như bây giờ, cái địa chỉ du lịch Bà Nà đã trở thành quen thuộc với du khách ở khắp mọi nơi. Đến Đà Nẵng mà chưa từng trải qua một vùng núi non độc đáo từng được ví von là “ Đà Lạt bỏ túi, Đà Lạt mi ni” thì quả là một thiếu sót.

Nhưng có thể là thiếu sót hơn nữa, nếu như bạn đã lên tận đỉnh non cao chót vót 1500 mét này rồi, lại chẳng lưu lại một đêm nào đó giữa rừng hoang (tránh xa những lâu đài bê - tông kia), bầu bạn với trăng sao nơi đây để có những khoảnh khắc ngộ ra cái lẽ huyền diệu của thiên nhiên. Ví như, nói theo cách của những người từng trải nghiệm Bà Nà, rằng đỉnh núi ấy, nơi bạn có thể đón bốn mùa đi qua trong một ngày.

Không phải vì một lần đêm như cổ tích trong căn nhà du mục giữa non cao rừng thẳm rời xa những tiện nghi hiện đại trong các lầu đài khách sạn, để tôi lãng mạn ngợi ca bài ca thiên nhiên bí mật, mà đúng là, một đêm Bà Nà vung vãi đầy trăng và sương dễ làm mê hoặc lòng người.

“Ta sẽ đến bên kia núi thẳm/ Người sẽ cùng ta đến đó nhé trăng”. Đi trên con đường dốc quanh co từ chùa Linh Ứng lên tận đỉnh núi, tự dưng mấy câu thơ của Minh Huệ Thiền Sư, từ bao giờ trong trí nhớ thăm thẳm mơ hồ của tôi vụt bật lên như thể hòa ca cùng gió núi.

Dường như có gì trong màu sương trăng ấy gợi mở, khích lệ tâm hồn con người ta thoát ly thực tại để hòa nhập vào một cảnh giới hiện hữu khác chăng? Nếu có một thế giới mà huyền ảo và hiện thực cứ như lẫn vào nhau thanh lọc cho tinh khiết tâm hồn, thì có lẽ, trăng Bà Nà lẫn trong vô vàn hạt sương li ti ấy đã gieo vào tôi cảm giác đó. Một thứ cảm giác vừa nhẹ tênh phiêu bồng vừa bình yên tự tại, tưởng chừng như nếm được mùi hương thiền vị trên từng mét đường rừng ngập ngụa ánh trăng rơi.

Tôi nhớ có lần đọc Yasunari Kawabata - người viết “Phù Tang, cái đẹp và tôi”, một bài diễn từ mà ông đọc như một kẻ lên đồng trong lần nhận giải Nobel văn chương vào năm 1968. Đành rằng Kawabata viết “Phù Tang, cái đẹp và tôi” với một nội hàm gần như xác lập ý niệm đặc tính văn hóa phương Đông, cái biên giới vô hình và vĩnh cửu trước những ngọn gió phương Tây tưởng như có sức làm lung lay cả những vì sao trời. Nhưng mà sao xứ sở Phù Tang, hay cõi riêng của Kawabata trăng nhiều lắm vậy: Mặt trăng lại hiện về trên đường tôi đi. Tôi bước vào thiền thất khi mặt trăng không vướng một sợi mây, đang sắp sửa lặn xuống bên kia núi. Lúc đó, tôi thấy như là mặt trăng vẫn còn bí mật theo tôi…”.

Trăng của Kawabata ở xứ sở Phù Tang là vậy, còn trăng nghìn xưa của Trương Nhược Hư trong Đường thi thì : Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh. Chao ôi, trăng thành sông trôi, hay là sông xuân muôn dặm nơi nào cũng trăng. Diễn dịch ra như thế để ngộ ra một điều: trăng huyền nhiệm không của riêng ai, chẳng riêng Phù Tang cũng chẳng riêng Trung Hoa hay Ấn Độ.

Ở ta, có lẽ trăng Hàn Mặc Tử là thứ ánh nguyệt linh thiêng nhất: "Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ/ Đầy mình lốm đốm những hào quang". Vâng, quả là cái đẹp của thiên nhiên qua nhãn quan của con người khắc họa chạm trổ mà thành vĩnh hằng. Chỉ có điều nơi nào, xứ sở nào, tâm hồn con người khô cạn, nghèo nàn cảm xúc, thì nơi ấy có lẽ trăng bất lực chẳng soi vào đâu cho được.

Cho dù nhà thi sĩ tài hoa như Xuân Diệu có ngâm nga lên ngàn lần: "Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương, trăng nhớ hỡi trăng ngần", thì một cõi nông cạn trắng xóa những tâm hồn như thế, thanh âm ấy cũng chỉ là tiếng kêu tuyệt vọng.

Nhân nhàn du giữa một đêm khuya dưới trăng Bà Nà, tôi lại đa đoan nghĩ đến hoa. Cái cảm giác - khi trông hoa nở khi chờ trăng lên thật khó mà diễn tả cho hết sự hoan lạc! Vâng, ở một điểm son du lịch như núi non Bà Nà mà lại thiếu hoa là một khuyết tật cho cảnh quang nơi này. Nhưng trồng hoa gì trên đỉnh núi này cơ chứ?

Nếu người ta từng ví Bà Nà là Đà Lạt nhỏ, Đà Lạt bỏ túi, thì tại sao Đà Lạt từng huyền thoại câu hát “Ai lên xứ hoa đào…” còn Bà Nà thì lại không thể. Thử tưởng tượng đi trên từng lối công viên trên đỉnh núi nhuộm hồng sắc đào phai, hoa ấy liệu có níu chân người. Mà việc trồng dăm vạt rừng đào điểm xuyết trên đỉnh núi, có tốn kém cũng chẳng là bao so với cáp treo hay những cung điện với bao chơi thời thượng khác tốn hàng khối bạc tỉ.

Bỗng dưng từ căn nhà du mục bước ra loanh quanh chùa Linh Ứng, rồi theo đường trăng miên man lên đỉnh núi, tuồng như cái vầng trăng đầy sức cám dỗ kia biết phúng dụ rủ rê tôi tắm sương đêm Bà Nà để thành ra kẻ đa đoan bao ý nghĩ. Thôi, “hòa kính thanh tịnh”, Kawabata đã bảo như thế.

Sự tĩnh mặc của thiên nhiên đẹp nao lòng người không có chỗ cho vọng tưởng đa đoan. Vậy thì hãy lặng im dưới ánh trăng chỉ đường mà thiền hành cho hết một lần trăng với Bà Nà. Người sẽ cùng ta đến đó nhé trăng. Đêm đêm chúng ta sẽ cùng là bạn đồng hành. Tôi lại lầm thầm mấy câu thơ của Thiền sư Minh Huệ như nhủ lòng mình an nhiên tự tại từng bước chân.

Đêm trong veo, đêm tinh khiết lạ lùng! Trở về căn nhà du mục của mình, rót tách cà phê nóng ngồi thưởng thức, dường như thời gian không có mặt nơi này. Chỉ có trăng và sương bàng bạc, lâm tấm, li ti vô vàn hạt ánh sáng rơi quanh căn nhà du mục của tôi, như tặng vật của Bà Nà một đêm và có thể một đời!

Nguyễn Nhã Tiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét